Các nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc điều động máy bay gần Malaysia là nhằm thể hiện khả năng thống trị ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Trong khi đó, Malaysia không muốn leo thang căng thẳng với Bắc Kinh; vì nước này phụ thuộc vào Trung Quốc cho việc tiếp cận vắc xin Covid-19 và phục hồi nền kinh tế, theo SCMP ngày 5/6.
Phía Malaysia cho biết 16 máy bay quân sự của Trung Quốc đã bay vào không phận của Malaysia. Các máy bay bao gồm Ilyushin Il-76 và máy bay vận tải chiến lược Xian Y-20 bay cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia khoảng 60 hải lý.
Bộ Ngoại giao Malaysia hôm 1/6 đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Ouyang Yujing để đề nghị giải thích. Bộ Ngoại giao gọi đây là hành vi “vi phạm không phận và chủ quyền của Malaysia”.
Bắc Kinh đã bác bỏ các tuyên bố, nói rằng các máy bay quân sự của họ đã không bay vào không phận của Malaysia; mà chỉ thực hiện quyền tự do bay trong khu vực.
Các nhà quan sát cho biết Trung Quốc đã huy động máy bay đến gần cụm bãi cạn Luconia. Đây là khu vực mà Trung Quốc, Đài Loan và Malaysia đều có tuyên bố chủ quyền.
Động thái này có thể được coi là biện pháp thị uy với các bên có tranh chấp tại cụm bãi cạn Luconia, theo ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore.
Ông Koh nói: “Vụ việc này rất có thể là để chứng tỏ khả năng thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc, tương phản với một lực lượng không quân Malaysia nổi tiếng là kém sức mạnh và thiếu nguồn lực”.
Ông Koh cho biết: “Người Trung Quốc có thể muốn chứng tỏ rằng họ đang được trang bị tốt hơn để leo thang sự thống trị.”
Ông nói: “Với tình trạng thiếu vắc xin toàn cầu, Trung Quốc đã trở thành một nguồn cung cấp vắc xin quan trọng cho Malaysia. Có rất nhiều động lực để Malaysia duy trì mối quan hệ bền vững và thân tình với Trung Quốc và cố gắng không làm chao đảo con thuyền một cách không cần thiết”.
Ông Koh dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục thị uy sức mạnh ở Biển Đông.
Ông Koh cho rằng: “Với sự phục hồi kinh tế và sức mạnh quân sự ngày càng tăng, rõ ràng là Trung Quốc tương đối thoải mái và tự tin về vị trí hiện tại của mình ở Biển Đông. [Có cảm giác] rằng nó có thể dần dần ăn mòn quyết tâm chính trị của các đối thủ địa chính trị của nó.”