Một số nhà khoa học nghi ngờ không có biến thể lai Deltacron, mà cho rằng đây chỉ là một sự cố nhiễm bẩn trong phòng thí nghiệm. Ngược lại, giới khoa học Cyprus đã lên tiếng tái khẳng định phát hiện của mình.
Trước đó, các nhà khoa học tại Đại học Cyprus, Cộng hòa Síp, tuyên bố họ phát hiện thấy một biến thể mới có đặc điểm lai giữa biến thể Omicron và Delta. Họ tạm gọi biến thể lai này là Deltacron.
Ngay sau đó, một số nhà khoa học bày tỏ nghi ngờ về phát hiện này.
Theo Bloomberg, ông Nick Loman, giáo sư về bộ gen vi sinh vật tại Đại học Birmingham (Anh Quốc), cho rằng Deltacron chỉ là một “giả tưởng kỹ thuật” được đặt ra trong quá trình giải trình tự gen của virus.
Ông Loman cho biết các dạng virus tái tổ hợp có thể phát sinh khi có nhiều biến thể của mầm bệnh lưu hành. Vì vậy, việc tái tổ hợp giữa biến thể Delta và biến thể Omicron không phải điều quá ngạc nhiên. Tuy nhiên, ông cho rằng điều mà các nhà khoa học Cyprus phát hiện không phải là tái tổ hợp này.
Bà Krutika Kuppalli, chuyên gia về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viết trên Twitter rằng Deltacron không có thật; mà khả năng chỉ là kết quả của tình trạng nhiễm bẩn trong phòng thí nghiệm. Một số ý kiến khác cho rằng các trường hợp được phát hiện ở Cyprus có thể là do việc đồng nhiễm biến thể Delta và biến thể Omicron.
Giới khoa học Cyprus tái khẳng định biến thể lai Deltacron
Đáp lại sự hoài nghi của một số nhà khoa học, ông Leonidos Kostrikis, nhà khoa học Cyprus đã lên tiếng tái khẳng định có sự tồn tại của biến thể lai Deltacron.
Ông Kostrikis khẳng định nghiên cứu của ông là chính xác; và đã phát hiên 25 ca nhiễm biến thể lai này.
Ông Kostrikis là giáo sư khoa học sinh học thuộc Trường đại học Cyprus và Giám đốc Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học và virus học phân tử.
Ông cho rằng những trường hợp mà ông phát hiện cho thấy virus đột biến do áp lực tiến hóa. Ông cũng nói rằng đây không phải là trạng thái tái tổ hợp duy nhất.
Ông Kostrikis giải thích số ca nhiễm Deltacron ở bệnh nhân nhập viện cao hơn so với nhóm không nhập viện; vì vậy thực tế này này loại trừ giả thuyết về việc nhiễm bẩn trong phòng thí nghiệm.
Ngoài ra, các mẫu virus mà ông xem xét đã được giải trình tự gen nhiều lần tại hơn một quốc gia. Trong đó, có ít nhất một trình tự từ Israel có trên cơ sở dữ liệu toàn cầu cho thấy chúng có đặc tính di truyền của Deltacron.
“Những phát hiện này bác bỏ các tuyên bố không có cơ sở cho rằng Deltacron là do lỗi kỹ thuật”, theo ông Kostrikis.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ xem trong tương lai liệu biến chủng này có bệnh lý nặng hơn hay dễ lây lan hơn hay không, và liệu nó sẽ chiếm ưu thế” so với Delta và Omicron hay không. Nhưng quan điểm cá nhân của nhà khoa học Cyprus, biến chủng này cũng sẽ bị thay thế bởi biến thể Omicron vốn rất dễ lây lan.