Một viện chính sách hàng đầu cho biết, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ cần đẩy lùi toàn diện, chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, theo The Epoch Times.
Tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC), bà Cleo Paskal thuộc Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ nói rằng, mục tiêu của ĐCSTQ là trở thành “số 1 trên thế giới với sức mạnh quốc gia toàn diện”.
Bà nói rằng các thành viên của liên minh “Bộ tứ kim cương” (Nhóm Quad) cần “một nền quốc phòng toàn diện, đa quốc gia; nơi các nước sẽ đưa ra bàn thảo những gì họ có để chống lại ĐCSTQ.”
Bộ tứ kim cương, hay Đối thoại An ninh Tứ giác, được bắt đầu vào năm 2007 theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Shinzo Abe. Bốn thành viên của nhóm bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.
“Bộ tứ kim cương” và sứ mệnh ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã củng cố lại nhóm Quad trở thành một lực lượng quân sự và ngoại giao trong khu vực. Bốn quốc gia đã gặp nhau hàng năm kể từ năm 2019.
Vào tháng 11 năm 2020, Úc tham gia lại cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar (bắt đầu từ năm 1992). Và hiện đang có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ là ba thành viên thường trực.
Trước đó, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, nhóm Quad không chỉ dành cho “sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc… mà là linh hồn của thế giới.”
Các thành viên Quad lần lượt đáp trả Trung Quốc
Bà Paskal cho rằng Trung Quốc đã đưa ra những thách thức đối với các thành viên Quad và các nước láng giềng của họ.
Bà nói: “Vào tháng 6 năm 2020, Trung Quốc tấn công Ấn Độ và giết chết 20 binh sĩ của nước này. Đây chính là một xúc tác thay đổi hoàn toàn cuộc chơi đối với Ấn Độ.”
“Một trong những hành động đáp trả đầu tiên từ Ấn Độ là cấm một loạt các ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm WeChat và Tik Tok. Vì người Trung Quốc đang sử dụng siêu dữ liệu để vũ khí hóa công nghệ AI”, Paskal nói.
Bà Paskal cũng chỉ ra rằng, Australia đã bị ĐCSTQ trừng phạt nặng nề; vì họ là nước đầu tiên yêu cầu điều tra về nguồn gốc COVID-19.
Bà nói: “[Trung Quốc] đưa ra rất nhiều mức thuế đối với mọi thứ, từ than đá đến thịt bò, tôm hùm, rượu vang. Nhưng nước Úc đã không lùi bước.”
Bà Paskal nói, Nhật Bản đi theo hai con đường thú vị để đối mặt với mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Một là cung cấp cho các quốc gia trong khu vực các giải pháp thay thế kinh tế. Đặc biệt là xoay quanh lĩnh vực năng lượng, “điều này minh chứng cho một tuyến đường biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Nhật Bản cũng “cố gắng thiết lập mối quan hệ tốt hơn với các quốc đảo ở Thái Bình Dương, nhằm ngăn cản sự thiết lập quân sự của Trung Quốc tại đây”.
Bà Paskal nói rằng việc chống lại ĐCSTQ phải được thực hiện một cách toàn diện.
Bà nói: “Chúng ta không thể chỉ chống trả bằng súng và tàu, mặc dù chúng rất quan trọng. Chúng ta cũng cần ngăn chặn Tik Tok, WeChat. Đồng thời, chúng ta cần chặn cả dòng tiền rót vào thị trường chứng khoán của họ, ngăn cản họ tiếp cận vào thị trường của chúng ta”.