Những ngày qua, giá đất dọc tuyến đường ĐT.753 khu vực huyện Đồng Phú, Bình Phước tăng vọt sau khi UBND tỉnh này đề xuất xây dựng cầu bắc qua sông Mã Đà để kết nối sân bay Long Thành.
- Điều tra vụ Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao “nhận hối lộ”: Bắt một nữ tổng giám đốc
- Video: Em bé ‘gây rối’ vỗ vào tay người phụ nữ lạ khi đi máy bay
- Mỗi năm hơn 10.400 người Việt tử vong vì bệnh lao
Nhốn nháo cả vùng quê vì cơn sốt đất
Cây cầu Mã Đà bắc qua con sông cùng tên dự kiến rộng 11m, dài 90m. Vào ngày 20/3, UBND Bình Phước đã kiến nghị Chính phủ đồng ý cho xây cây cầu này để giúp kết nối Đồng Nai, rút ngắn khoảng cách từ Bình Phước đến sân bay Long Thành hơn 60 km.
Dù dự án đang nằm trên bàn giấy, và mục đích xây cây cầu có kích thước khiêm tốn này là để kết nối giao thông; nhưng nó đã thổi bùng lên cơn sốt đất ở cả một vùng quê Bình Phước.
Theo phản ánh của báo Thanh Niên, trong ngày 23/3, hàng trăm “cò đất”, người mua đi ôtô từ Bình Dương, TP. HCM, Đồng Nai đổ về đứng dọc hai bên tuyến đường ĐT.753 (đoạn từ cầu Cứ, xã Tân Hưng) đến ngã 3 Thạch Màng (xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) để chào mời, trao đổi mua bán.
Người dân địa phương cho biết, chính điều này đã làm giá đất tăng lên chóng mặt. Nhiều khu vực giá đất tăng từ 30 – 50%, có những vị trí tăng lên gấp 2 lần. Thậm chí, trong ngày, một lô đất có thể “qua tay” đến 2, 3 chủ.
Ông Trần Đức L., ngụ ấp Thạch Màng kể: “Mấy ngày qua giới mua bán đất đổ về đây săn lùng đất như đi hội. Họ dừng lại bên những khu đất trống, vườn cao su… đang được cắm bảng rao bán. Hầu hết những người này đều hỏi mua đất dọc 2 bên tuyến đường huyết mạch ĐT.753, cách cầu Mã Đà khoảng 10km hướng về thành phố Đồng Xoài.
Mỗi mét ngang đất mặt đường ĐT.753, sâu khoảng 50m được rao bán với giá 250-300 triệu đồng, tùy vị trí, tăng 30-50% so với cách nay 3 ngày. Trước đây, một ha điều hoặc cao su có giá chỉ từ 1 đến 1,5 tỷ đồng, nay tăng vọt lên từ 15 đến 20 tỷ đồng”.
Tương tự ông L., chị Nga – kinh doanh quần áo tại khu vực ngã ba ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, chia sẻ trên VnExpress ôtô đến đây rất đông nhưng ít thấy mua bán thành công. “Từ ngày Thủ tướng về địa bàn xã khảo sát vị trí kiến nghị xây dựng cầu Mã Đà, các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản đã đẩy giá đất lên cao”, chị Nga nói.
Cảnh giác với nạn “sốt đất ảo”
Lãnh đạo xã Tân Lợi xác nhận với báo Tuổi Trẻ , có sự việc mua bán đất qua lại nhiều lần, trong đó có người không nắm rõ thông tin và pháp lý về lô đất. Phía chính quyền địa phương, như thường lệ, nói với báo giới rằng thường xuyên khuyên dân “tỉnh táo”.
“Người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu rõ về pháp lý trước khi đầu tư mua bán đất đai để tránh những rủi ro tiềm ẩn” – vị lãnh đạo này nói.
Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, không thể phủ nhận, nhiều nhà đầu tư thắng lớn nhờ “đi trước, đón đầu” một cách hợp lý (mua đất không có quy hoạch, dự án đầu tư hạ tầng và bán khi hạ tầng sẵn sàng). Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp chủ dự án đầu tư tiền mất tật mang vì chạy theo những thông tin không chính xác, dự án mãi chỉ nằm trên giấy.
Tâm lý của các chủ dự án đầu tư, nhất là đầu tư “lướt sóng”, hễ có thông tin tốt là đổ xô đến đó kiếm lời. Nhiều cơn “sốt ảo đất nền” nhanh chóng diễn ra, chủ yếu là hoạt động mua bán giữa giới đầu cơ.
Thậm chí, giới đầu cơ còn dùng chiêu trò, tin đồn thổi giá đất lên để kiếm lời. Nhiều chủ dự án đầu tư thứ cấp không kịp rút vốn trước khi “bong bóng sốt đất ảo” vỡ đã phải chấp nhận chôn vốn hoặc bán lỗ theo kiểu “của chạy lấy người”.
Trước đó, vào đầu năm 2021, cũng tại Bình Phước rộ lên thông tin quy hoạch sân bay Téc-Níc tại huyện Hớn Quản. Chỉ trong vài ngày, hàng trăm người đổ xô về xã An Khương, Tân Lợi (khu vực sân bay) để “săn” đất.
Giá đất tại khu vực này tăng lên chóng mặt tạo nên cơn sốt đất ảo.Tuy nhiên chỉ khoảng 10 ngày sau đó, “bong bóng” bất động sản tại khu vực này đã vỡ.