Các công ty lừa đảo của Trung Quốc nở rộ ở Campuchia. Họ lừa đảo các nạn nhân vào làm việc như nô lệ. Từ đó, các nạn nhân lại tạo ra các tài khoản giả trên mạng để lừa đảo những người khác trên phạm vi toàn cầu, theo thông tin từ các cuộc điều tra của giới truyền thông phương Tây.

Các vụ lừa đảo của Trung Quốc diễn ra tràn lan ở Campuchia trong những năm gần đây. Nguyên nhân khiến những kẻ lừa đảo người Trung Quốc bùng nổ ở Campuchia rất phức tạp, nhưng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng, theo ông Shawn Lin là một người Hoa kiều sống ở New Zealand. Ông Lin chỉ ra vấn đề này trong bài bình luận trên The Epoch Times ngày 24/2.

Thành phố Sihanoukville (tiếng Việt đọc là Xi-ha-núc-vin) hay Kampong Som của Campuchia đã trở thành trung tâm thương mại nước ngoài và cảng biển lớn nhất Campuchia, kể từ khi thành phố này tham gia Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc.

Nhưng Sihanoukville cũng bị biến “sân chơi cho các tổ chức tội phạm Trung Quốc”, tờ Le Monde của Pháp cho biết trong một báo cáo điều tra ngày 14/1.

Vốn Trung Quốc thúc đẩy ngành công nghiệp cờ bạc ở Campuchia

Kể từ khi Campuchia tham gia BRI vào năm 2016, Sihanoukville đã nhanh chóng trở thành điểm đến sôi động của người Trung Quốc.

Mỗi tuần có hơn 200 chuyến bay trực tiếp giữa Trung Quốc và Campuchia bắt đầu từ năm 2017. Vào lúc cao điểm, số lượng người Trung Quốc ở Sihanoukville lên tới 500.000 người, theo Sina, một trang thông tin điện tử của Trung Quốc.

Là một thủ phủ cờ bạc lớn, các điểm đánh bạc ở Sihanoukville thu hút một lượng lớn người Trung Quốc. Ngoài các sòng bạc offline, cờ bạc trực tuyến thậm chí còn phổ biến hơn vì nó không có giới hạn địa lý.

Các sòng bạc do Trung Quốc điều hành nổi lên khắp nơi ở Sihanoukville. Hầu hết các nhà phát triển cờ bạc trên internet đều vận hành trang web ở Sihanoukville, và thu hút tài chính kỹ thuật số trên toàn thế giới.

Khi cờ bạc thúc đẩy một vòng luẩn quẩn, lợi nhuận cao, nó đã thu hút nhiều người và tiền hơn nữa đến Sihanoukville. Vì vậy thành phố này nhận được một dòng vốn lớn trong thời gian ngắn.

Bạo lực và tội phạm băng đảng

Ngành công nghiệp cờ bạc được thúc đẩy bởi BRI của Trung Quốc có thể tạo ra một sự bùng nổ kinh tế rõ ràng ở Campuchia. Nhưng nó cũng làm tăng mạnh các hoạt động tội phạm và bạo lực.

Một bài báo đăng trên mạng xã hội Tencent của Trung Quốc cho biết: Ngành công nghiệp cờ bạc có thể sinh ra nhiều triệu phú trong một phút; hoặc có thể khiến người chơi không còn một xu dính túi. Sự khác biệt giữa thiên đường và địa ngục dễ khiến một người có xu hướng bạo lực.”

Đằng sau mỗi sòng bạc, hầu như luôn có sự hỗ trợ của các băng đảng xã hội đen từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Ngoài ra còn có cổ phần của cảnh sát hoặc quan chức Campuchia. Các hiến binh Campuchia cũng làm việc bán thời gian với tư cách là nhân viên bảo vệ và tài xế cho các địa điểm đánh bạc.

Một vấn đề khác là khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Sự chênh lệch giàu nghèo này đã dẫn đến nhiều loại tội ác bạo lực hầu như chỉ nhằm vào người Trung Quốc.

Trong khi đó, thành phố có đầy rẫy những vụ bắt cóc bạo lực, những vụ xả súng, buôn bán ma túy, mại dâm, buôn người và chiến tranh băng đảng. Ngoài ra, hoạt động rửa tiền xuyên quốc gia và gian lận viễn thông cũng diễn ra rầm rộ.

Vốn Trung Quốc ra đi, tội phạm thì ở lại với Campuchia

Vào ngày 18/8/2019, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ban hành lệnh cấm đánh bạc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Nghị định nêu rõ cờ bạc trực tuyến và cờ bạc arcade (game thùng) ở Campuchia bị cấm hoạt động nhằm duy trì an ninh và trật tự công cộng.

Theo Le Monde, động thái này là kết quả của việc ĐCSTQ gia tăng áp lực lên chính phủ Campuchia. Bắc Kinh yêu cầu chính quyền Hun Sen ra lệnh cấm vì nhận ra rằng cờ bạc trực tuyến đang trở thành một kênh rửa tiền, dẫn đến dòng vốn chảy ra ồ ạt từ Trung Quốc.

Sau lệnh cấm cờ bạc ở Campuchia, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Sihanoukville phải đóng cửa. Các nhà đầu tư rút khỏi thành phố ngay lập tức.

Các dự án xây dựng theo BRI của Trung Quốc cũng phải dừng lại, để lại một đống công trình vô dụng và dở dang ở Campuchia. Ngày 1/1/2020, báo Khmer Times đưa tin có 447.000 người Trung Quốc đã rời khỏi Campuchia, bao gồm cả những người có thị thực dài hạn.

Tuy nhiên, Campuchia vẫn là một điểm nóng cho các hoạt động lừa đảo trực tuyến có liên quan đến Trung Quốc.

Vốn đầu tư Trung Quốc ở Campuchia đã ra đi, nhưng các tệ nạn như bạo lực, ma túy, lừa đảo phát sinh từ ngành công nghiệp cờ bạc thì vẫn ở lại.

Các công ty lừa đảo của Trung Quốc mở rộng phạm vi

Công viên đầu tư không gian mạng của Campuchia đã trở thành trung tâm của những kẻ lừa đảo qua mạng. Jimu News, một hãng truyền thông có trụ sở tại tỉnh Hồ Bắc, hôm 11/2 dẫn lời một người có hiểu biết về vấn đề này nói rằng các ông chủ và người điều hành của các công ty lừa đảo trực tuyến này về cơ bản là người Trung Quốc. Công ty lớn thì có tới gần 160 người. Công ty nhỏ thì có khoảng 10 người.

Khuôn viên có trụ sở của các công ty lừa đảo được bảo vệ và quản lý bởi các hiến binh có vũ trang người địa phương. Khi người lao động vào bên trong, họ bị đối xử như nô lệ, phải làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày, và bị đánh đập nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ.

Để tìm kiếm nạn nhân, những kẻ lừa đảo qua mạng này lan truyền nhu cầu tuyển dụng, tuyên bố rằng họ sẽ trả từ 20.000 đến 30.000 USD cho mỗi người.

Nhiều người môi giới tìm mọi cách kiếm người thông qua lừa gạt, bắt cóc, khống chế quyền tự do cá nhân rồi đem bán họ.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiếu nhân sự, những kẻ lừa đảo ở Campuchia hiện đang tiếp cận với các nhóm dân tộc khác nhau ở các quốc gia khác nhau.

Vào tháng 9 năm ngoái, một cuộc điều tra của hãng tin Reuters đã xác nhận: Có nhiều người lao động và khách du lịch nước ngoài bị mắc kẹt ở Campuchia vì dịch Covid đã bị buôn bán và bị bắt làm việc trong các cơ sở lừa đảo trực tuyến do Trung Quốc điều hành.

Các nạn nhân chủ yếu đến từ châu Phi và châu Á, cho biết họ bị yêu cầu phải tạo ra các hồ sơ giả trên Tinder, WhatsApp và Facebook để lôi kéo mọi người vào các kế hoạch đầu tư lừa đảo liên quan đến tiền điện tử, ngoại hối và cổ phiếu.