Có một thực tế, chính quyền Tổng thống Joe Biden và châu Âu càng trừng phạt Nga thì không chỉ người dân Nga khốn khó, mà cả người dân Mỹ, châu Âu và thế giới cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi ấy, các nhà lãnh đạo nhóm G-7 họp tại Đức vừa qua đã không đề ra được các biện pháp hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế thế giới, mà chỉ xoay quanh vấn đề Ukraine và tăng các biện pháp trừng phạt Nga.

Việc nhóm G7 khẳng định quyết tâm chặn những nguồn thu tài chính của Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu vàng và áp giá trần năng lượng của Nga được coi là mang tính biểu tượng hơn là thực tế. Vì sao? 

Kế sách…

Trong một động thái nhằm làm tổn thương nền kinh tế Nga, các nhà lãnh đạo G7 đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga, nhằm kiềm chế khả năng tài trợ của Moscow cho cuộc chiến ở Ukraine. 

Lệnh cấm vàng này được ra sau khi các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga của Mỹ và EU phản tác dụng, giúp Moscow thu được lợi nhuận kỷ lục nhờ giá dầu tăng cao chưa từng có. 

4 trong 7 quốc gia thành viên G7 là Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản đề nghị cấm nhập khẩu vàng Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ca ngợi động thái này và khẳng định: “Vàng là mặt hàng xuất khẩu sinh lời thứ 2 mà Nga có, sau năng lượng. Nó mang về cho Nga khoảng 19 tỷ đô la mỗi năm, và phần lớn trong số đó đến từ các nước G7. Nếu cắt bỏ nguồn thu này, Nga sẽ mất khoảng 19 tỷ đô la doanh thu mỗi năm. Đó là một con số đáng kể”. (state.gov)

Cùng lúc, Tổng thống Joe Biden cũng xác nhận vào ngày 26/6 như sau:

“Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa có tiền lệ đối với Putin nhằm ngăn chặn ông ấy có nguồn thu cần thiết để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. 

“Cùng nhau, G7 sẽ công bố lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga – một mặt hàng xuất khẩu lớn mang lại hàng chục tỷ USD cho Nga”.  

…hay thảm họa?

Liệu tuyên bố của Tổng thống Biden và ngoại trưởng Blinken có thực sự chính xác không? Câu trả lời đơn giản là Không. 

Bởi như nhà phân tích Vivek Dhar tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, cho biết “lệnh cấm này chỉ là chính thức hóa những gì đã được áp dụng phần lớn thông qua các lệnh trừng phạt”.

Theo Theprint, trên thực tế, vàng được vận chuyển giữa Nga và thị trường London đã giảm về mức gần như bằng 0 kể từ khi châu Âu áp trừng phạt lên Nga liên quan tới chiến tranh Nga-Ukraine. Vào tháng 3, Hiệp hội Thị trường Vàng London (LBMA) – tổ chức thiết lập tiêu chuẩn cho thị trường này, đã loại các nhà máy tinh luyện vàng của Nga ra khỏi danh sách được công nhận. 

Hơn nữa, Tổng thống Biden vào tháng 3 cũng nghiêm cấm công dân Mỹ tham gia vào các giao dịch liên quan đến vàng liên quan đến Ngân hàng trung ương Nga, Quỹ Tài sản Quốc gia Liên bang Nga, hay Bộ Tài chính của nước này. (treasury.gov)

Cần lưu ý là kể từ sau khi xảy ra xung đột Ukraine, các thị trường châu Âu và Mỹ hầu như đã đóng cửa với vàng Nga do lệnh cấm nhập khẩu vàng sản xuất từ nước này. Một số nhà máy luyện kim cũng từ chối nấu chảy vàng từ Nga. Bởi vậy các nhà quan sát cho rằng, động thái của G7 chỉ mang tính biểu tượng. 

Truyền thông dòng chính Mỹ là tờ The Hill cũng cho rằng, “mặc dù không mang lại nhiều tiền như năng lượng, nhưng vàng là nguồn thu chính của nền kinh tế Nga. Việc hạn chế xuất khẩu sang các nền kinh tế G7 sẽ gây thêm căng thẳng tài chính cho Nga khi nước này bắt đầu cuộc chiến. “

Điều này cũng không chính xác. Vì sao? Bởi các quốc gia mua vàng nhiều nhất của Nga trong những năm gần đây lại không phải là các nước trong nhóm G7, mà đứng đầu là Thụy Sĩ, thứ hai là Ấn Độ, kế tiếp mới là Anh, Mỹ, Trung Quốc, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Theo Bloomberg, bất chấp vàng của Nga đã trở thành mặt hàng cấm kỵ, tháng 5 vừa qua, Thụy Sĩ đã nhập khẩu hơn 3 tấn vàng của Nga.

Trong khi ấy, Trung Quốc không có “thói quen” tiết lộ lượng vàng dự trữ của nước này, cũng như không bao giờ hé lộ việc đang tăng lượng vàng dự trữ mỗi năm đều đặn là bao nhiêu. 

Cú phản đòn đau đớn

Có điều là, Trung Quốc và Nga không chỉ là hai nhà khai thác vàng lớn nhất nhì thế giới, mà cũng là 2 quốc gia thu mua vàng nhiều nhất thế giới. Năm 2018, Ngân hàng Trung ương Nga đã mua nhiều vàng nhất thế giới trong vòng 50 năm, kể từ năm 1967. Trung Quốc đứng thứ hai, trong nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. (smallcaps) 

Nga đã có nhiều năm gom vàng, và góp phần quan trọng vào sự tăng giá trên thị trường vàng thế giới trong suốt một thập kỷ trở lại đây. Thực tế là ngân hàng trung ương Nga là bên tích cực mua vàng chứ không phải bán vàng.

Vì vậy bất cứ quyết định trừng phạt nào nhằm chặn nguồn vàng từ Nga sẽ chỉ đẩy giá vàng thế giới tăng cao, hệt như giá dầu khí hiện nay. 

Theo Theprint, ngay sau tuyên bố của nhóm G7, giá vàng giao ngay đã tăng 0,5% lên 1.835,41 USD/ounce vào lúc 9h35 tại Singapore hôm 26/6. 

Động thái cấm nhập khẩu vàng Nga đang lặp lại kịch bản nan giải của Mỹ và châu Âu hệt như lệnh cấm dầu mỏ Nga. Điều đó nghĩa là gì? Khi Mỹ và châu Âu không mua vàng của Nga thì sẽ có những quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Trung Đông mua vàng của Nga. 

Vậy phải chăng lệnh cấm của G7 là một chính sách thảm họa, phản đòn gây nhức nhối cho chính các nền kinh tế áp đặt trừng phạt?

Càng trừng phạt càng tổn thất?

Hiện chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh đang tìm kiếm các biện pháp nhằm trừng phạt Nga hơn nữa, khi cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang tháng thứ năm. 

Một trong số đó chính là kế hoạch áp giá trần dầu thô của Nga. Các nhà lãnh đạo G7 hy vọng mức giá trần sẽ hạn chế Điện Kremlin thu lợi từ việc giá dầu thô tăng cao. 

Tuy nhiên, mức giá trần sẽ không đạt hiệu quả khi các nước không thuộc G7 sẽ tự đàm phán giá cả với Moscow, đặc biệt  khi hai quốc gia đông dân nhất nhất là Ấn Độ và Trung Quốc vẫn phớt lờ các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe BIden (ảnh: Wikimedia Commons).
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe BIden (ảnh: Wikimedia Commons).

Tổng thống Biden và các lãnh đạo châu Âu đang đau đầu, vì các lệnh trừng phạt suốt mấy tháng qua không những đẩy nền kinh tế các nước này lâm vào khủng hoảng, mà còn giúp Nga đạt được thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục vì giá dầu khí tăng mạnh. 

Giá khí đốt đã tăng gấp 5 lần và giá dầu tăng 60% kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp dụng. Vì vậy, ngay cả khi lượng dầu xuất khẩu của Nga giảm và giá bán dầu giảm so với mặt bằng giá đang tăng trên thị trường, Moscow vẫn thu lợi nhuận “khủng”. 

Theo Bloomberg, tài khoản vãng lai của Nga đạt thặng dư 58,2 tỷ USD trong quý đầu tiên năm 2022, gấp hơn 2,5 lần so với mức 22,5 tỷ USD một năm trước đó. 

Trong khi Nga đang đạt mức thặng dư kỷ lục, thì Mỹ lại đang ở mức thâm hụt kỷ lục. 

Theo WSJ, số liệu công bố ngày 4/5 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại Mỹ tăng 22,3% lên mức 109,8 tỷ USD trong tháng Ba – vượt qua mức thâm hụt 107 tỷ USD mà các nhà kinh tế dự báo trước đó. 

Vào cuối tháng 3, Tổng thống Joe Biden từng chế nhạo rằng, ông sẽ biến đồng rúp Nga thành ”đống đổ nát”. Nhưng kể từ đó, đồng rúp đã hồi phục một cách đáng kinh ngạc, và trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong năm nay. 

Ảnh chụp màn hình Twitter

Theo New York Times, đồng rúp ​​đã trở thành đồng tiền mức mạnh nhất trong vòng 7 năm so với đồng đô la, đánh bại mọi loại tiền tệ chính và tăng hơn gấp đôi so với mức thấp kỷ lục sau chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine. 

Mỹ đã vậy, còn EU thì sao? 

Hiển nhiên các quốc gia châu Âu còn bị tổn thất kinh tế hơn nhiều do phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu của Nga. Các nước châu Âu tuyên bố sẽ loại bỏ dần dầu khí của Nga ,nhưng đã không thực hiện được các bước “đoạn tuyệt” ngay lập tức như Mỹ. Vì đơn giản là châu Âu không thể làm được. 

Có một thực tế là: Khi lạm phát gia tăng sẽ làm giảm sức mua của đồng tiền, điều này sẽ khiến các nhà đầu tư phát sinh tâm lý tìm đến vàng để bảo tồn giá trị. 

Trớ trêu là, nhiều quốc gia châu Âu đang đối mặt với cơn sóng thần lạm phát sắp xảy ra, nhẽ ra phải nên mua nhiều vàng hơn để bảo vệ giá trị đồng tiền của họ, thì giờ đây họ lại tự nguyện cấm mình làm như vậy bằng lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga.

Phải chăng Mỹ và EU đang tự làm hại chính mình bằng lệnh trừng phạt “tự sát”?

Nga đi trước nước cờ trừng phạt của Mỹ – EU

Theo Tính đến ngày 31/1/2022, khoảng 1 tháng trước khi xung đột Ukraine nổ ra, Ngân hàng Trung ương Nga đã nắm giữ dự trữ quốc tế trị giá khoảng 630 tỷ USD, trong đó 497 tỷ USD dự trữ ngoại hối và 132 tỷ USD vàng. Con số này tương đương với 79% dự trữ ngoại hối và 21% đối với vàng. (cbr.ru).

Các ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga bao gồm theo thứ tự giá trị giảm dần: Euro, Đô la Mỹ, đồng Nhân dân tệ Trung Quốc, đồng Bảng Anh và các loại tiền tệ khác. 

Dựa trên giỏ dự trữ ngoại hối này, người Nga đã lường trước được rằng, các đồng euro, đô la Mỹ và bảng Anh của Ngân hàng Trung ương Nga đang nằm ở bên ngoài nước Nga có nguy cơ bị đóng băng khi Mỹ, Anh và EU thực hiện lệnh trừng phạt.  

Điều quan trọng là người Nga có rất nhiều vàng. 

Thông qua Ngân hàng Trung ương, Nga nắm giữ 2.299 tấn vàng thỏi và hiện là quốc gia nắm giữ vàng lớn thứ 5 trên thế giới, sau khi tích lũy đều đặn hầu hết số vàng này kể từ năm 2008. 

Đáng chú ý, vào cuối năm 2007, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn chỉ nắm giữ khoảng 400 tấn vàng. Do đó, kho dự trữ vàng của Nga đã tăng 600% kể từ năm 2008. 

Theo Bloomberg, 2/3 lượng vàng dự trữ của Nga được cất giữ trong các hầm tại một tòa nhà trên phố Ulitsa Pravdy, hay còn gọi là Phố Truth ở trung tâm Moscow. 1/3 số vàng còn lại được giữ trong các hầm ở St.Petersburg và Yekaterinburg. 

Trong chuyến công du vào tháng 11/2012 tới vùng Viễn Đông, Tổng thống Putin đã nói với Bank Rossii rằng đừng “né tránh” vàng bởi “xét cho cùng là có lý do”. Phát ngôn viên Dmitry Peskov của ông Putin khi ấy đã từ chối bình luận về mối quan tâm của Tổng thống Nga đối với vàng.

Tuy nhiên cùng thời điểm này, nghị sĩ Nga Evgeny Fedorov đã trả lời tờ Bloomberg vào tháng 2/2013 rằng:

Quốc gia càng có nhiều vàng, quốc gia đó càng có chủ quyền nếu có trận đại hồng thủy với đồng đô la, đồng euro, bảng Anh hoặc bất kỳ loại tiền tệ dự trữ nào khác ”.

Đúng 9 năm sau, vào tháng 3/2022,  “trận đại hồng thủy” đã xảy ra khi Mỹ và các cường quốc châu Âu đã đồng loạt đóng băng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga. 

Ngay từ năm 2013, tờ Bloomberg phải thừa nhận rằng: “Tổng thống Putin không chỉ đưa Nga trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, mà còn biến nước này trở thành người mua vàng lớn nhất thế giới”. 

Toàn bộ chiến lược tích lũy vàng của Nga đã được chuẩn bị cho một kịch bản như hiện nay, khi vàng trở nên quan trọng trong ván cờ địa chính trị, trong bối cảnh nguy cơ xung đột và nguy cơ trừng phạt gia tăng tại Ukraine.