Gần 40 năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp (77 tuổi, trú thôn Thuận Hòa B, TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã sống tách biệt với cộng đồng để bảo vệ khu rừng ngập mặn Rú Chá.

Rú Chá là hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích lớn nhất ở khu vực đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế). Đây cũng là nơi cư trú của nhiều loại thủy sinh, chim chóc và các loại cây thân mềm.

Theo người dân địa phương, sở dĩ có tên gọi là “Rú Chá” vì “rú” nghĩa là “rừng”, còn “chá” là bởi trong rừng toàn là “cây chá”. Từ bao đời nay trong khu rừng, cây chá mọc dày đặc như tấm bình phong che chắn, bảo vệ vùng đất này trước biển Thuận An.

Cuộc sống giữa rừng ngập mặn

Ghi nhận của PV Tài nguyên Môi trường, nhà ông Đáp nằm biệt lập trên một hòn đảo nhỏ, sâu trong rừng ngập mặn. Quanh đảo bao phủ bởi chá và muỗm, hai loại cây đặc trưng của khu rừng ngập mặn này.

Ông đáp chia sẻ, khoảng năm 1975, ông lập gia đình với bà Tần Thị Hồng. Sau đó, hai vợ chồng ông chuyển về rừng Rú Chá khai khẩn đất đai, cất nhà, sống cuộc sống tách biệt với bên ngoài. Ông cho biết, thời ấy Rú Chá chưa có người đặt chân đến, cảnh vật rất hoang vu. Nhưng may là vùng nước này có nhiều tôm cá, nhờ thế mà gia đình ông cũng có cái ăn qua ngày.

Ảnh chụp màn hình Cảnh sát toàn cầu.

Sáng sớm, ông Đáp chèo thuyền đi thu hoạch tôm, cá. Đánh bắt hải sản xong, hai vợ chồng ông mang vào làng Thuận Hòa B (cách đó khoảng một km) bán kiếm tiền để đổi mua gạo, dầu ăn.

Sống giữa rừng ngập mặn, không có điện, không có nước ngọt, vợ chồng ông Đáp đặt lu hứng nước mưa và mua thêm bể chứa nước bằng nhôm. Để tiết kiệm nước ngọt sinh hoạt, bà Hồng thường tận dụng nước lợ để rửa thức ăn, giặt áo quần, rồi tráng lại bằng nước ngọt dự trữ.

Ảnh chụp màn hình Vnexpress.

Ngoài việc đánh bắt thủy sản, vợ chồng ông Đáp cũng nuôi thêm gà, vịt. Ông tâm sự với PV Vnexpress, nhiều năm nay, hai vợ chồng ông có một thói quen là mỗi khi bà Hồng cho gà, vịt ăn, ông đều ra ngồi xem.

Người giữ rừng thầm lặng

Cuộc sống của cặp vợ chồng cứ thế yên bình trôi qua trong rừng Rú Chá. Tuy nhiên, dần dần, nhiều người bắt đầu để ý rằng nơi đây có nhiều tôm cá nên rủ nhau vào đánh bắt. Những năm 80, cây cối bị bom đạn đánh phá cả. Thời ấy lại không có bếp ga, nồi điện như bây giờ, mọi sinh hoạt nấu nướng đều dùng củi nên người dân đổ xô đến rừng Rú Chá để đốn củi về làm chất đốt.

Chứng kiến diện tích Rú Chá bị thu hẹp lại đáng kể, vợ chồng ông Đáp rất xót xa. Hơn ai hết, ông bà hiểu rằng đây là vùng đất có thể che chắn nước biển khỏi xâm thực và tránh những ngọn sóng, cơn gió cho cái làng Thuận Hòa gần đó.

Lúc đầu hai ông bà chỉ nhắc bà con rằng phải kiếm củi bằng cách khác chứ không nên ùa về đây để rồi xóa sạch khu rừng này. Về sau, chính quyền địa phương có chính sách bảo vệ rừng để đảm bảo rừng phòng hộ, nên ông bà đã lên xã nhận ngay công việc “kiểm lâm”.

Ảnh chụp màn hình Vnexpress.

Vậy là, cứ đêm xuống, ông Đáp lặn lội “đi tuần”, phát hiện người nào chặt cây thì ngăn cản. Đến mùa cò bay, ông lại bận rộn đi gỡ bẫy cò, không để chúng bị sa lưới. Không ít người không chặt được cây, không bắt được cò lấy làm ấm ức.

“Mình làm vậy cũng chỉ vì nghĩ cho rú, nhiều người không hiểu lại bảo nhiều chuyện, lão khùng. Ừ! Mình khùng cũng được, khùng với những người chỉ biết sống cho riêng mình, miễn sao giữ được Rú Chá!”, ông cười bảo.

Chia sẻ với PV Cảnh sát toàn cầu, ngày trước, mỗi năm hai vợ chồng ông Đáp được làng trả lương bằng 3 tạ lúa. Nhưng từ năm 2000, làng không cấp lúa nữa, hai vợ chồng ông Đáp xem như giữ rừng không lương nhưng họ không vì vậy mà từ bỏ công việc của mình.

Để công bằng, chính quyền địa phương cũng mời người dân làm thay vợ chồng ông Đáp, nhưng ai nấy đều lắc đầu từ chối bởi không ai đủ “can đảm” để bám trụ với rừng Rú Chá. Ấy vậy mà cũng đã qua gần 40 năm, chỉ có vợ chồng ông Đáp vẫn tiếp tục sinh sống và gìn giữ khu rừng này.

Ở đâu quen đấy, đối với ông Đáp, khu rừng này có ý nghĩa đặc biệt. Ông bảo: “Tôi yêu khu rừng ngập mặn này hơn cả tính mạng, tôi đếm được từng cây chá, cây sú, từng con chim ở đây. Nó như một phần cuộc sống của tôi”.

Tuy sinh tới 10 người con nhưng ông bà lại cho các con vào làng, nhiều năm qua, giữa khu rừng chỉ có đôi vợ chồng già và “người bạn” thân thiết là chiếc radio. Quen với sự bình yên của Rú Chá, vợ chồng ông không thích vào làng, chỉ vào khi cần thiết hoặc khi có dịp lễ Tết, giỗ kỵ.

Ông nói: “Ở đây quen rồi, vào làng ồn ào, không chịu được. Gì chứ đời lão gắn với Rú Chá này cho đến khi xanh cỏ thì thôi”.