Ảnh: workingmother |
Thực tế cho thấy muốn con nên người cha mẹ hãy để con chịu khó, chịu khổ một chút. Dạy cho con sống tự lập từ nhỏ sẽ giúp chúng thọ ích cả đời.
Câu chuyện về vợ chồng lão ngư và đàn thiên nga
Vào một mùa thu nọ, có một đàn thiên nga di cư từ phương bắc xuống phương nam để tránh rét. Trên đường đi qua một hòn đảo có tên Hồ Thiên Nga chúng hạ xuống để trú chân.
(Ảnh minh họa: Pixabay). |
Vợ chồng lão ngư sống trên đảo rất vui khi thấy đàn thiên nga tới, họ lấy thức ăn dành cho gà và bắt cá nhỏ cho chúng ăn.
Khi mùa đông đến, đàn thiên nga không tiếp tục bay về phương nam. Hồ bị đóng băng và chúng không thể kiếm được thức ăn, vì vậy cặp vợ chồng già đã mở túp lều trong nhà để giữ ấm và cho chúng ăn cho đến khi hồ tan băng vào mùa xuân năm sau.
Ngày qua ngày, năm qua năm, cứ đến mùa đông là đôi vợ chồng già lại dành trọn tình yêu của mình cho đàn thiên nga bằng cách giữ ấm trong lều và cho chúng ăn. Cho đến 1 ngày cả 2 vợ chồng ông lão đều đã già, họ rời đảo và đàn thiên nga cũng bay đi. Nhưng thay vì bay về phía nam, chúng đã chết đói trong thời gian hồ đóng băng vào năm sau.
Trong câu chuyện, vợ chồng người đánh cá chăm sóc đàn thiên nga bằng mọi cách:lo kiếm thức ăn, giữ ấm và dành trọn tình cảm ngày này qua năm khác cho cả đàn.
Tuy nhiên, cái kết bi thảm của thiên nga cho chúng ta thấy rằng, tình yêu thương quá mức của vợ chồng người đánh cá đã làm cho thiên nga thích cuộc sống nhàn hạ, sinh ra sức ì, đánh mất bản năng sống, không còn khả năng thích nghi với môi trường. Cuối cùng chúng đã chết khi phải tự mình kiếm sống.
Ngày nay, biết bao bậc cha mẹ đã dành cả cuộc đời để tạo cho con một ngôi nhà êm ấm, hạnh phúc.
Khi con còn bé họ bế ẵm chúng trên tay, lớn lên chút nữa thì không dám cho con làm việc nhà mệt nhọc hay ăn uống kham khổ. Học đại học xong còn lo lót, chạy chọt cho con có được công việc ổn định, nhàn hạ. Còn muốn để lại cho con khối tài sản mà mình cả đời vất vả dựng xây. Họ sẵn lòng làm hết sức vì con…
Đây là kiểu cha mẹ “vợ chồng ngư ông” trong câu chuyện trên: yêu đàn thiên nga bằng thứ tình yêu không vị kỷ. Nhưng cuối cùng chúng còn có thể trân trọng tình yêu này? Thực ra, thứ tình yêu mù quáng tạo ra sự thoải mái và dễ dàng ấy lại chính là “cạm bẫy” của cuộc đời.
Những người rơi vào cái bẫy này không có gì ngoài sự phụ thuộc và sức ì. Một khi đã tồn tại một “hồ nước đóng băng” trong cuộc đời, cái kết của họ sẽ không bao giờ đẹp hơn thiên nga.
Cha mẹ thông minh biết dạy con tự lập từ sớm (ảnh: Pixabay). |
Tác hại của việc cha mẹ chiều chuộng con cái
1. Ích kỷ
Khi được chiều chuộng trẻ sẽ có xu hướng phớt lờ nhu cầu của người khác và coi chúng là trung tâm.
2. Rụt rè
Được bao bọc quá kĩ, đứa trẻ không tự tin và luôn núp sau cái bóng của cha mẹ.
3. Tự coi mình là số 1
Tư tưởng coi mình là trung tâm sẽ khiến những đứa trẻ này phát triển tính cách hung hăng, không phân biệt phải trái, thường hay bắt nạt người yếu thế hơn mình và chiếm dụng đồ của người khác.
4. Chỉ biết nhận mà không biết cho
Một đứa trẻ được đáp ứng bất cứ điều gì mình muốn sẽ khiến chúng chỉ biết nhận mà không biết cho đi, cũng không biết ơn những gì mình nhận được.
5. Lập dị
Những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường hư hỏng sẽ hình thành tính cách lập dị, chúng có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn. Khi lớn lên, bước chân vào xã hội những đứa trẻ này sẽ không hiểu những giá trị đạo đức và nguyên tắc sống cơ bản, chúng trở nên lập dị và trở thành người sống ngoài vòng pháp luật.
6. Mất hứng thú học tập
Những đứa trẻ được chiều chuộng quá mức khi gặp phải những trở ngại trong học tập chúng dễ mất hứng thú, sao nhãng việc học, kết quả thấp thậm chỉ bỏ học.
7. Năng lực hạn chế
Các phụ huynh đều muốn con mình có năng lực vượt trội, học tập xuất sắc. Nhưng việc bao bọc, chiều chuộng của họ lại vô tình hạn chế khả năng phát triển của trẻ.
Nuông chiều con cái quá mức sẽ khiến trẻ em phát triển tính cách ích kỉ, kiêu ngạo và sẽ trở thành gánh nặng cho tương lai.
Để giáo dục chúng nên người ngoài việc dạy con cách sống tự lập từ sớm, thì việc đối xử với con bằng lòng nhân từ và lẽ phải là điều tối căn bản. Cách dạy dỗ này sẽ có lợi cho đứa trẻ khi lớn lên, nhận được phúc lành cuối cùng và trở thành người có ích cho người khác.