Trung Quốc bị cáo buộc thành lập và điều hành “cơ quan giám sát bí mật” ở Hà Lan. Bộ Ngoại giao Hà Lan tuyên bố sự tồn tại những đồn cảnh sát mà không thông báo cho chính phủ nước này là bất hợp pháp, và đã mở một cuộc điều tra.

Theo trang tin Euronews.com, Bộ Ngoại giao Hà Lan ngày 26/10 thông báo họ đang điều tra các báo cáo về việc Trung Quốc đã thiết lập hai “đồn cảnh sát bất hợp pháp ở Hà Lan để theo dõi những người bất đồng chính kiến”.

“Các bộ trưởng ngoại giao và tư pháp Hà Lan đã ghi nhận những thông tin này và đang xem xét vấn đề một cách rất nghiêm túc. Bộ Ngoại giao hiện đang điều tra hoạt động của cái gọi là ‘đồn cảnh sát’ trên và sẽ có hành động thích hợp”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hà Lan Maxime Hovenkamp nói với AFP.

Theo truyền thông Hà Lan, có hai “đồn cảnh sát” của Trung Quốc đã hoạt động ở Amsterdam và Rotterdam từ năm 2018. Trong đó, đồn Amsterdam thuộc Đồn cảnh sát Hoa kiều Lệ Thủy (Lishui), bề mặt là dựa vào Hội đồng hương Thanh Điền ở Hà Lan.  “Cơ quan giám sát” này tự xưng là phục vụ công dân Trung Quốc tại Hà Lan gia hạn bằng lái xe và khai báo những thay đổi về hộ tịch của họ. Đây thực chất là một chi nhánh ở nước ngoài của Cục Công an thành phố Lệ Thủy tỉnh Chiết Giang, được điều khiển từ xa bằng Internet.

Cơ quan còn lại là Quầy dịch vụ báo cảnh sát 110 ở nước ngoài do Công an Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) thiết lập ở Rotterdam. ĐCSTQ chưa từng đăng ký với Chính phủ Hà Lan về việc thành lập một tổ chức như vậy.

Trong khi đó, những tổ chức phi chính phủ Hà Lan cho hay các cơ sở này thực sự được Bắc Kinh sử dụng để giám sát “các đối thủ chính trị và những người bất đồng chính kiến ​​ở nước ngoài, với các cựu sĩ quan quân đội và tình báo làm nhân viên”.

ĐCSTQ mở rộng mạng lưới công an không chính thức của mình trên khắp thế giới

Tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders cho biết trong một báo cáo hồi tháng 9 rằng đồn cảnh sát ở nước ngoài của ĐCSTQ thực tế là cánh tay đen tư pháp của chế độ này vươn ra nước ngoài, nhằm đe dọa những người Trung Quốc chạy trốn khỏi sự thống trị của họ và xuất khẩu phương thức đàn áp ra nước ngoài. 

Bên cạnh đó, chính truyền thông Trung Quốc Đại Lục cũng đưa tin rằng đồn cảnh sát Hoa kiều đã “mở rộng mặt trận dịch vụ tư pháp liên quan đến Hoa kiều từ trong nước ra nước ngoài”.

Nhà bất đồng chính kiến ​​Vương Tĩnh Du (Wang Jingyu), hiện đang sống lưu vong ở Hà Lan,  cho hay cuộc đàn áp của cảnh sát Trung Quốc vẫn theo ông như hình với bóng.

“Vào tháng 2, đồn cảnh sát Trung Quốc ở Rotterdam đã giả làm nhân viên tài chính và liên lạc với tôi, và muốn hẹn gặp tôi. Tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn nên không đồng ý, sau đó Cộng phỉ tức giận và quấy rối tôi, ngày nào họ cũng sử dụng Telegram gọi cho tôi từ sáng đến tối.”, ông nói với The Epoch Times và cho biết thêm rằng “Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan đã rất tức giận, và họ đã báo cảnh sát Hà Lan rằng tôi sẽ cho nổ Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan.”  Cảnh sát Hà Lan sau đó đã đột kích vào nhà của ông Vương nhưng kết luận rằng ông không liên quan gì đến việc này.

Hình ảnh cho thấy Quầy dịch vụ 110 ở nước ngoài do Văn phòng Công an Phúc Châu ở Rotterdam thiết lập, bên ngoài cửa không có bất kỳ dấu hiệu nào (ảnh chụp màn hình Epoch Times).

Bà Maxime Hovenkamp cho biết: “Điều rất đáng lo ngại là một công dân Trung Quốc đã bị đe dọa và quấy rối ở Hà Lan. Cảnh sát đang nghiên cứu phương án bảo vệ ông ấy (Vương Tĩnh Du).”

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 26/10 nói rằng những “cơ quan” này có nhiệm vụ phục vụ công dân Trung Quốc ở nước ngoài gia hạn giấy phép lái xe hoặc khai báo thay đổi về hộ tịch.

Ông Vương Tĩnh Du không phải là trường hợp cá biệt. Gần đây, một người tập Pháp Luân Công là Trương Diễm Hoa (Zhang Yanhua), khi phát tờ rơi nói rõ sự thật cuộc đàn áp của ĐCSTQ trên Quảng trường Dam ở Amsterdam, đã trò chuyện với một người đàn ông nói giọng Quảng Đông. Ông nói rằng ông là người Hồng Kông, do ĐCSTQ tước đoạt tự do của người Hồng Kông nên ông đã rời khỏi nơi đó.

“Sau đó, ông ấy cảnh báo tôi rằng có một đồn cảnh sát Trung Quốc ở Rotterdam, sử dụng ‘luận điệu gian dối’ để ‘thuyết phục’ những người Trung Quốc bảo vệ nhân quyền và sống ở Hà Lan quay trở lại Trung Quốc.” Cô Trương Diễm Hoa với Epoch Times rằng theo ông ấy nói, một số người vì thế mà đã quay trở lại Trung Quốc nhưng không thể quay lại (Hà Lan) được.

Có thể bạn quan tâm:

Từ Khóa: