Tờ The Epoch Times hôm 31/1 đăng bài viết có tiêu đề “Diễn giả Johnson lên án nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công và người Tây Tạng của ĐCSTQ” cho thấy sự phản đối dữ dội chống lại tội ác này ngày càng gia tăng.

Trong một bài diễn văn tại Hội nghị thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế ở Hoa Kỳ, ông Johnson nói: “Các Phật tử Tây Tạng và học viên Pháp Luân Công bị đưa vào các trại lao động cưỡng bức, và họ đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc thu hoạch nội tạng.”

Ông cũng nhấn mạnh “chiến dịch diệt chủng gồm nạn cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức giam giữ, và cải tạo” của Bắc Kinh nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương phía tây bắc.

Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc — tức là hoạt động lấy nội tạng của những cá nhân đem bán mà không có sự đồng ý của họ — lần đầu tiên thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế hồi năm 2006. Lúc đó, những người tố cáo lên tiếng với các nhà điều tra quốc tế và The Epoch Times về việc áp bức những học viên bị cầm tù của nhóm tín ngưỡng bị bức hại Pháp Luân Công, những người bị giam giữ tại các cơ sở ngầm được định rõ là để bỏ tù họ.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức tập trung vào các nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn. Vào những năm 1990, môn tu luyện này đã phát triển nhờ người truyền người và đạt tới 100 triệu người theo học ở Trung Quốc vào năm 1999.

Xem sự phổ biến của môn tu luyện này là một mối đe dọa đến sự nắm quyền của chế độ, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch đàn áp sâu rộng vào năm 1999, tuyên bố sẽ xóa sổ Pháp Luân Công và các học viên của môn này.

Hồi năm 2019, Tòa án Luận tội Trung Quốc có trụ sở tại London kết luận rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đang diễn ra ở nước này với một “quy mô đáng kể.” Tuy rằng các học viên Pháp Luân Công là nhóm nạn nhân chủ yếu nhưng tòa án này còn tuyên bố rằng các cộng đồng tôn giáo bị đàn áp khác, chẳng hạn như người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, cũng đều là nạn nhân.

Hoạt động thu hoạch nội tạng do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã tạo ra nguồn cung cấp tạng cho ngành cấy ghép nội tạng trị giá hàng tỷ dollar của nước này. Chế độ này thậm chí còn chỉ định các bệnh viện thực hiện các ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng cho các quan chức cao cấp.

Đề cập đến nhà lãnh đạo Trung Quốc, Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey), người dẫn đầu dự luật Hạ viện chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức nói rằng: “Nếu ngày mai ông Tập Cận Bình cần một lá gan mới, ông ấy sẽ tìm một học viên Pháp Luân Công hoặc một số người khác, có thể là một người Duy Ngô Nhĩ.”

“Ý tôi là, điều đó chẳng phải là vô đạo đức sao — chính những người mà ông ta bức hại lại đang trở thành nguồn cung cấp nội tạng? Cách làm này đúng là kiểu của Đức Quốc xã.”