Site icon MUC News

Chuyện nhân đức của gia đình 50 năm nuôi học sinh ăn, ở trọ miễn phí

50-năm-nuoi-hoc-sinh-o-tro-mien-phí

Ông bà Diễn chăm lo từng bữa ăn và sự học hành của các học sinh đến ở trọ miễn phí (ảnh chụp màn hình báo Nông Nghiệp Việt Nam).

Suốt 50 năm giúp đỡ ‘người dưng’ ăn, ở trọ bằng một tấm lòng rộng mở – chân chất, gia đình ông bà Diễn coi đó như một lẽ tự nhiên.

Câu chuyện về ông bà Diễn được đăng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam qua một phóng sự chân thực của tác giả Dương Đình Tường. Theo phóng sự, chuyện giúp học sinh đã diễn ra ở gia đình ông Đinh Xuân Diễn và bà Hà Thị Hoa tại khu Dẹ 1 xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) từ những năm 60 của thế kỷ trước. Lúc ấy, trường cấp hai đầu tiên của vùng ra đời. Do mưa lũ ập đến bất thường, nên học sinh người Mường, người Kinh, người Dao theo học phải trọ lại Văn Miếu.

Hồi đó, bố mẹ ông Diễn có căn nhà sàn, trong đó dành riêng một gian cho anh em quen biết gửi con, gửi cháu đến học. Sau dần, cứ thế học sinh tự rủ nhau về. Các cụ rộng bụng, đón nhận hết. Thế là đám trẻ mang theo gạo, củi đến góp rồi nấu nướng cùng ăn những bữa cơm rau, măng với chủ nhà.

Cũng nhờ sự khoáng đạt thương người của các cụ, mà ông Diễn gặp được vợ hiền. Khi ấy, bà Hà Thị Hoa là học sinh khóa 1965, tuy không ở nhờ nhưng có bạn trọ học nơi đây nên thường xuyên đến chơi.

Ông bà bén duyên, rồi năm 1973 bà về làm dâu con trong gia đình. Ông bà Diễn dựng lên một căn nhà gỗ kẻ truyền, mái lợp cọ, 4 gian. Cũng như bố mẹ, ông bà dùng 3 gian cho hai vợ chồng và 4 người con ở, còn 1 gian dành để học sinh trọ miễn phí.

Những tháng năm gian khổ, bà làm nông nghiệp, đầu tắt mặt tối; còn ông thì làm ở công ty chiếu bóng, đi biền biệt. Mãi sau này, ông mới xin về huyện làm cho gần vợ, gần con.

Điều đặc biệt là về chuyện cho học sinh ở trọ, ông bà không phải bàn nhau một câu nào. Bà bảo, ở cho vui cửa vui nhà, đời bố mẹ chồng đã thế thì đến đời mình tiếp nối như một lẽ tự nhiên. Bởi thế mà hơn 50 năm, đã mấy lần đổi nhà nhưng chưa bao giờ gia đình ông bà lại không có người đến ở trọ. Lứa đầu tiên giờ cũng đã 70 tuổi. Lại còn có cả những trường hợp mẹ đến trọ rồi con cũng đến trọ như cô giáo Đinh Thị Đương.

Ảnh chụp màn hình báo Phú Thọ.

Cách đây ngót 20 năm, trường THPT Văn Miếu được thành lập, không chỉ học sinh cấp hai mà cấp ba cũng đến ở. Rồi nhà ông bà cũng được nâng cấp, từ căn nhà gỗ thành nhà mái bằng khang trang, nhưng ông bà vẫn dành ra 1 gian cho học sinh trong đó có quạt, điều hòa, giường đệm, bàn ghế, tủ đầy đủ. Tất cả đều được miễn phí.

Ông bà kể, đã nhiều lần, ông bà bị phụ huynh ‘ép’ lấy tiền điện nhưng đều kiên quyết chối từ: ‘Các cháu chỉ ở nhà tôi có ba năm, vài trăm ngàn tiền điện một tháng gia đình vẫn còn lo được’. Xưa khó khăn thì tết phụ huynh đem đến ít gạo nếp, cặp bánh chưng nhưng giờ đây thường có thêm đôi gà trống thiến cùng can rượu hoẵng tự ủ.

Vòng quay nhân đức không ngừng nghỉ

Chuyện giúp người qua 2 thế hệ ở gia đình ông Diễn được tác giả Đức Hoàng- Ninh Giang gọi tên trên bài viết đăng trên báo Phú Thọ là ‘Vòng quay nhân đức’. Tác giả cho biết, đến nay ông Diễn cũng chẳng thể nhớ nổi nhà mình đã cho bao nhiêu học sinh đến trọ học. Nhiều lần có khách lạ đến nhà chơi, nhắc chuyện ngày trước ở nhờ nhà bác, ông chỉ biết cười, chúc mừng các cháu đã khôn lớn, trưởng thành.

Ảnh chụp màn hình báo Nông Nghiệp Việt Nam.

Từ mấy chục năm nay, lúc nào nhà ông cũng có 3-6 thành viên mới là học sinh trọ học. Từ lúc ông còn công tác trong ngành văn hóa của huyện đến khi nghỉ hưu, ai có nhu cầu cho con em đến trọ học, ông đều vui vẻ nhận lời mà không lấy bất cứ khoản tiền nào. Gia đình nào có điều kiện, hàng tuần mang gạo, củi đến cho con thì ông nhận, còn không gia đình vẫn nấu nướng phục vụ các cháu ngày ba bữa như con cháu trong nhà.

Nói về chuyện này, ông Diễn cười vui: ‘Có gì đâu, tôi cũng trọ học từ nhỏ, sống nhờ sự giúp đỡ của bao nhiêu người. Cuộc sống có khó khăn, vất vả thì càng phải thương yêu, đùm bọc nhau. Tôi quan niệm hạnh phúc đời người là thấy vui, thoải mái mỗi ngày. Tuổi cao, kinh tế gia đình tuy không dư dả nhưng cũng không đến mức thiếu thốn, tôi thực sự thấy vui khi được giúp đỡ, thấy các cháu vui đến trường, trưởng thành’.

Cảm động khi nhắc tới ông Diễn, ông Hà Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Văn Miếu bộc bạch: ‘Đúng như lời cổ nhân dạy rộng bụng hơn rộng nhà’, trong điều kiện hoàn cảnh nào bác Diễn cũng nhiệt tâm giúp đỡ người khác rất vô tư, thoải mái. Ngày tôi lên Thanh Sơn trọ học cấp 3, bác Diễn mới về nhận công tác ở huyện, được bố trí ở gian nhà tập thể kê vừa chiếc giường cá nhân và chiếc bàn nhỏ. Vậy mà bác vẫn cho tôi ở nhờ, đùm bọc, chăm sóc suốt mấy năm học như em ruột. Có thể bác không còn nhớ nhưng tình cảm ấy không bao giờ tôi quên được…’