Lá đơn một công dân cấp thiết gửi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tố cáo hành vi của Chủ tịch UBND TP Phú Quốc và thẩm phán tại địa phương này, đặt câu hỏi về dấu hiệu hoạt động tư pháp nơi đây bị một số cán bộ xâm phạm.

Như chúng tôi đã thông tin, thời gian qua, ông Nguyễn Tuấn Dũng (thường trú tại Tổ 1, Ấp Đường Bào, Xã Dương Tơ, TP Phú Quốc) đã gửi đơn tố cáo hành vi cấp sổ đỏ sai quy định của ông Huỳnh Quang Hưng (hiện giữ chức Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc) tới nhiều lãnh đạo, cơ quan chức năng ở tỉnh Kiên Giang.

Đến ngày 7/11/2023, ông Dũng đã gửi đơn yêu cầu cấp thiết tới Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ban chỉ đạo chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương. Ông Dũng nêu lý do gửi đơn lên cấp Trung ương vì “tôi đã gửi đơn các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết trong đó có cả Bí Thư, Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Viện trưởng, Chánh Án Tòa án tỉnh Kiên Giang nhưng không tiếp nhận giải quyết đúng luật”.

Trong đơn gửi UBKT Trung ương, ông Dũng cũng tố cáo thẩm phán Trương Ngọc Hồng (toà án nhân dân huyện Phú Quốc) đã ký quyết định ‘vô căn cứ’ khi đình chỉ giải quyết vụ án ông Dũng kiện đòi lại đất.

Dấu hiệu ‘mập mờ’ của thẩm phán Trương Ngọc Hồng

Như đã phản ánh, năm 2003, ông Dũng mua hơn 4.000 mét vuông đất ở ấp Đường Bào, xã Dương Tơ của ông Hồ Trung Thành và vợ là bà Nguyễn Thị Chiều.

Năm 2016, ông Dũng phát hiện sau khi ông Thành chết, bà Chiều đã lật lọng vụ mua bán thửa đất hơn 4.000 mét vuông kể trên. Cụ thể, năm 2013, bà Chiều đã được UBND huyện Phú Quốc cấp quyền sử dụng diện tích thửa đất này (đây là hành vi mà ông Dũng đã tố cáo ông Huỳnh Quang Hưng cấp sổ đỏ cho bà Chiều sai quy định được nêu ở các kỳ trước – PV).

Năm 2017, ông Dũng kiện đòi lại đất. Cùng năm 2017, Toà án huyện Phú Quốc thụ lý vụ kiện này. Ba năm sau, tức là vào năm 2020, tòa án huyện Phú Quốc mới ra quyết định về vụ án này. Đó là quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 28/2020/QĐ-ST-DS được thẩm phán của tòa án nhân dân huyện Phú Quốc là ông Trương Ngọc Hồng ký ngày 12/05/2020. Theo đó, tòa án huyện Phú Quốc đình chỉ vụ kiện đòi đất của ông Dũng đối với bà Chiều và các thành viên gia đình bà Chiều.

Quyết định đình chỉ số 28/2020 của tòa án huyện Phú Quốc là cơ sở để cho gia đình bà Chiều tiếp tục thực hiện các biến động với thửa đất hơn 4.000 mét vuông này. Cụ thể, từ khi có quyết định của thẩm phán Hồng ký (ngày 12/05/2020), thửa đất liên tục được biến động, cho đến ngày 15/03/2022, nó đã được tách thành 4 mảnh, với giấy chứng nhận do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cấp cho cho 4 người mà ông Dũng khẳng định là ‘lạ hoắc’.

Theo ông Dũng, hiện 4 mảnh đất được tách từ thửa đất hơn 4.000 mét vuông đang được chủ sở hữu mới đứng tên ‘cắm’ ngân hàng để vay số tiền hàng chục tỷ đồng.

“Hơn 4.000 m2 đất tranh chấp này được tòa án nhân dân Phú Quốc kê năm 2018 với định giá tổng giá thị trường khi ấy là hơn 90 tỷ đồng”, ông Dũng dẫn chứng khi nói về thiệt hại về tài sản.

Theo ông, liên quan đến quyết định thẩm phán Hồng đưa ra, có hai điểm đáng ngờ:

Thứ nhất, là sự vô căn cứ trong quyết định.

Ông Dũng nhấn mạnh rằng, hơn 4.000 mét vuông đất ông mua của ông Thành bà Chiều đã được nhà nước công nhận. Bằng chứng là cùng với 1.000 mét vuông đất ông mua từ ông Chuộng bà Vân năm 2003, ông có tổng số hơn 5.000 mét vuông. Năm 2013, Nhà nước đã lấy 2.137,6 mét vuông trong tổng số hơn 5.000 mét vuông đất này để làm đường; sau đó, Nhà nước đã đền bù ông số tiền hơn 203 triệu đồng. Các văn bản về việc thu hồi đất và trả tiền đền bù hiện vẫn còn.

Tuy nhiên, trong quyết định đình chỉ vụ án mà thẩm phán Hồng ký, có đưa ra kết luận là phần đất ông Dũng được Nhà nước lấy làm đường (năm 2013) và trả tiền bồi thường là từ mảnh đất ông Dũng mua từ ông Chuộng và bà Vân. Điều kỳ lạ ở chỗ, quyết định này nhấn mạnh vào yếu tố ông Dũng có mua của ông Chuộng bà Vân mảnh đất có diện tích 1.000 mét vuông, nhưng tuyệt đối không ‘dám’ nhắc đến diện tích đất của ông Dũng bị Nhà nước thu hồi làm đường là 2.137,6 mét vuông. Ngoài ra, khi viện dẫn chứng cứ để đưa ra kết luận ‘nguồn gốc đất bồi thường của ông Dũng là mua từ ông Chuộng’, thẩm phán Hồng đã không đưa ra các thông tin quan trọng như diện tích đất đền bù có nguồn gốc từ thửa đất nào, tờ bản đồ số bao nhiêu…

Theo ông Dũng, nếu thẩm phán Hồng đưa ra các thông tin đầy đủ, thì chỉ qua một phép tính trừ bình thường, người đọc (bản quyết định) cũng thấy rằng: Dù Nhà nước có lấy hết 1.000 mét đất ông Dũng mua từ ông Chuộng bà Vân, thì vẫn không đủ so với diện tích 2.137,6 mét vuông đất được nhà nước thu hồi? Vậy, diện tích đất còn lại lấy ở đâu? Đó chẳng phải bắt buộc nằm trong thửa đất mà ông Dũng đã mua từ ông Thành bà Chiều hay sao?

Quyết định thu hồi đất của ông Dũng do ông Huỳnh Quang Hưng ký năm 2013. Trong quyết định đình chỉ vụ án, thẩm phán Hồng đã không nhắc đến chi tiết diện tích đất ông Dũng bị thu hồi là 2.137,6 mét vuông.

Thứ hai, Toà án TP. Phú Quốc ra quyết định thụ lý tiếp tục giải quyết vụ án khi ‘ván đã đóng thuyền’

Chính vì sự thiếu thuyết phục trong quyết định đình chỉ vụ án của thẩm phán Hồng, nên ngày 2/7/2021 hội đồng phúc thẩm tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 28/2020/QĐ-ST-DS của tòa án nhân dân huyện Phú Quốc; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc để tiếp tục giải quyết vụ án. 

Quyết định phúc thẩm của tòa án tỉnh Kiên Giang có hiệu lực từ ngày 02/7/2021 (theo công văn số 115 ghi rõ), nhưng phải hơn nửa năm sau, đến ngày 21/03/2022, Toà án TP. Phú Quốc mới ra quyết định số 96/2022//TLST-DS thụ lý tiếp tục giải quyết vụ án.

Đối chiếu mốc thời gian, có thể thấy rằng: Khi Tòa án Phú Quốc thụ lý lại vụ kiện của ông Dũng (ngày 21/3/2022), thì 6 ngày trước đó, tức là ngày 15/3/2022 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã đem mảnh đất tranh chấp, Toà đang thụ lý tách thành 4 thửa, cấp 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ sở hữu khác nhau. Điều đó chẳng khác nào quyết định số 96/2022 thụ lý lại vụ án đưa ra trong tình trạng ‘ván đã đóng thuyền’.

Tòa án nhân dân TP. Phú Quốc đã ra quyết định số 96/2022//TLST-DS thụ lý vụ án, chỉ 6 ngày sau khi thửa đất tranh chấp được tách thành 4 thửa nhỏ.

Với những điểm bất thường nêu trên, dư luận đang đặt câu hỏi rằng: Trong vụ án này, có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, có sự cấu kết hoàn hảo giữa các cán bộ ở Phú Quốc như ông Hưng, ông Hồng nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua cách thức để cho người khác đứng tên hay không? Người dân hy vọng câu trả lời sẽ có với sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban chỉ đạo chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương.