Hai anh em đưa cha đi mua xe máy. Ông bối rối, xúc động nâng niu từng chi tiết của chiếc xe mà mình mơ ước. Ông còn trốn khóc một mình không cho con biết.
Cha mẹ yêu thương con cái, cả đời vất vả nuôi con khôn lớn. Khi cha mẹ già đi, chứng kiến con cái trưởng thành và hiếu thảo là điều hạnh phúc nhất với họ.
Con trai hiếu thảo mua xe máy cho cha
Gần đây, một đoạn video với dòng chữ chú thích “Năn nỉ lắm mới chịu lấy chiếc cha thích rồi cha trốn khóc một mình không cho con biết” khiến cộng đồng xúc động.
Trong video, hai con trai đưa cha đi mua xe máy. Họ muốn dành tặng cha một món quà thiết thực là chiếc xe, để ông có thể đi lại thuận tiện hơn. Người cha trông dáng vẻ hiền lành, chất phác, ngại ngùng khi đi vào cửa hàng xe.
Cùng con trai, ông xem xét chiếc xe cẩn thận từng chi tiết. Ông lúi húi, nâng niu bánh xe, thử phanh. Có thể cảm nhận rằng ông quý trọng món quà này đến mức nào. Đó không đơn giản chỉ là một món đồ vật chất, mà trong đó chứa đựng tấm lòng hiếu thảo của hai người con trai ông.
Thế nên ông trốn khóc một mình không cho con biết…Những người cha vẫn thường như thế, âm thầm, nhẫn chịu và giàu tình cảm vô cùng!
Lời bàn
Câu chuyện khiến nhiều độc giả cảm động, họ liên tưởng về cha mẹ của mình. Có người nuối tiếc vì chưa báo hiếu được cha mẹ mà đã vội đi lấy chồng. Có người ước mình kịp thành công trước khi thời gian lấy đi sức khỏe của cha mẹ.
Vậy mới nói, báo hiếu cha mẹ là điều nên làm bất cứ khi nào có thể; bởi chúng ta không thể biết được điều gì đến trước, ngày mai hay sự bất ngờ. Đừng đợi đến khi thành công, không nên chờ đến khi cha mẹ ốm đau hay về già ta mới lấy hết sức mình phục vụ. Mỗi ngày ở bên cha mẹ ngay từ bây giờ đã là cơ hội quý giá để báo hiếu.
Khổng Tử từng nói về hiếu đạo như sau: “Ngày nay, nhiều người cho rằng nuôi được cha mẹ là có hiếu. Thế nhưng ngay cả chó, ngựa cũng được nuôi dưỡng như thế. Nếu người ta không tỏ được lòng kính trọng với cha mẹ, thì việc nuôi cha mẹ và nuôi chó ngựa có khác gì nhau đâu.”
Học trò Tử Hạ cũng từng hỏi Khổng Tử về hiếu. Ông nói: “Luôn giữ được vẻ mặt, thái độ vui vẻ với cha mẹ mới là khó nhất. Nếu chỉ giúp cha mẹ công việc, chu cấp ăn mặc thì sao gọi là hiếu được?”
Người xưa đề cao lòng hiếu thảo, cho rằng “hiếu” là đức hạnh mà con người nhất định phải thực hành. Từ xưa đến nay, những người hiếu thảo với cha mẹ đều được tôn sùng, kính trọng.
Xem thêm: