Khi cuộc chiến Nga – Ukraine chưa dứt, căng thẳng ở Trung Đông giữa Israel và Palestine tiếp tục lên cao, thì các cuộc tấn công gần đây của các nhóm chiến binh nổi dậy tại miền Bắc Myanmar (Miến Điện) gây lo lắng không chỉ cho các nước Đông Nam Á mà toàn thế giới. Điều quốc tế lo lắng không chỉ gói gọn trong vấn đề xung đột nội bộ ở Miến Điện, mà là sự bất an về một nguy cơ : Các cuộc chiến tranh được kích phát từ khu vực này sang đến khu vực khác, và lan ra toàn cầu.
Ai ‘chọn thời điểm’ kích phát cuộc chiến ở Myanmar?
Vậy đâu là cơ sở của những lo lắng này? Đơn cử là cuộc chiến hiện tại ở Myanmar, liệu cuộc chiến ở Trung Đông có đóng vai trò tác động đến cuộc chiến ở Miến Điện như thế nào? Nếu nhìn ở bề mặt, có thể thấy rằng, xung đột hiện tại ở Myanmar là một quá trình tiếp diễn những bất đồng về sắc tộc, quan điểm chính trị vv… giữa các phe nhóm đã tồn tại 7 thập kỷ, từ năm 1948 đến nay. Nhưng một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao nó lại bùng phát vào thời điểm này. Cụ thể, cuộc xung đột ở Myanmar nổ ra ngày 27/10, tức là 20 ngày sau khi Hamas tấn công Israel và tình hình Trung Đông trở nên cực kỳ căng thẳng.
Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta sẽ quay sang một sự kiện tưởng chừng như không liên quan trực tiếp lắm. Đó là vào hôm Chủ Nhật, ngày 19/11 vừa qua, tại Rangoon – thành phố lớn nhất Myanmar với dân số hơn 5 triệu người, được coi là thủ phủ văn hóa của Miến Điện đã diễn ra một cuộc biểu tình chống Trung Quốc; Những người biểu tình tập hợp trước sứ quán Trung Quốc, lên án Bắc Kinh ‘‘can thiệp vào công việc nội bộ’’ của Miến Điện.
Đáng lưu ý là đây không phải là một cuộc biểu tình tự phát, mà theo mạng truyền thông độc lập Miến Điện Irrawady, đây là ‘‘lần đầu tiên’’ có một cuộc biểu tình lên án Trung Quốc, được giới tướng lĩnh quân sự ‘‘bật đèn xanh’’. Điều đó cũng có thể được hiểu đây là sự kiện hiếm hoi chống Trung Quốc được chính phủ quân quản cầm quyền ở Myanmar hậu thuẫn.
Thành phần tham gia biểu tình có các thành viên của đảng Liên minh các Sư tăng Yêu nước ở Rangoon, và Tổ chức Dân tộc chủ nghĩa Miến Điện, đây là hai tổ chức có quan hệ thân thiết với tập đoàn quân sự cầm quyền. Theo Irrawady, nhà sư dân tộc thuộc Liên minh các Sư tăng Yêu nước, khẳng định là người dân Miến Điện biết Trung Quốc đang trang bị vũ khí cho nhiều lực lượng nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số và PDF, tức là lực lượng vũ trang ủng hộ chính phủ dân sự bị lật đổ.
Những người biểu tình đe dọa sẽ ‘‘trả thù’’, nếu Trung Quốc tiếp tục khuyến khích các lực lượng nổi dậy ‘‘hủy hoại Miến Điện’’. Nhóm biểu tình cũng tố cáo Trung Quốc mua kim loại hiếm từ các lực lượng nổi dậy miền bắc Miến Điện. Trước đó, lãnh đạo tập đoàn quân sự nước này, thống tướng Min Aung Hlaing, trong một phiên họp khẩn hôm 08/11, đã tố cáo liên minh nổi dậy đã sử dụng drone quân sự mua của Trung Quốc để tấn công quân đội Miến Điện.
Sự kiện trên cho thấy thái độ của tổ chức quân sự cầm quyền và người dân Myanmar đã chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ hậu thuẫn cho những lực lượng nổi dậy phía Bắc nước này. Vậy thì, nếu các cáo buộc của người biểu tình là có cơ sở, thì tại sao Trung Quốc lại ủng hộ các phiến quân ở Myanmar, trong khi họ vẫn có quan hệ mật thiết với chính phủ cầm quyền. Và việc đứng sau giật dây của Bắc Kinh, nếu có thì liên quan gì đến câu chuyện cuộc chiến Trung Đông?
Mục đích của Trung Quốc
Để giải đáp câu hỏi này, chúng ta hãy ngược lại quá khứ. Thế giới đều biết rằng, Myanmar đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong Dự án ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc. Và vào năm 2018, Trung Quốc và Myanmar đã công bố Hành lang kinh tế Trung Quốc – Myanmar (viết tắt là CMEC) thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Dự án này dự tính xây dựng các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên và dầu thô giữa Trung Quốc và Myanmar, là một phần trong chính sách năng lượng của Trung Quốc, với tổng vốn đầu tư là 2.54 tỷ USD.
Một phần quan trọng của Hành lang kinh tế Trung Quốc – Myanmar là Cảng và Đặc khu kinh tế Kyaukphyu ở Myanmar, mà Trung Quốc đã giành được quyền vận hành vào năm 2018. Bến cảng này có vị trí ở Ấn Độ Dương và là điểm khởi đầu của đường ống dẫn dầu khí Trung Quốc với Myanmar.
Phương án vận chuyển dầu khí từ Trung Đông đến Trung Quốc thông qua Cảng Kyaukphyu có thể tránh được việc phải đi qua các tuyến hải vận truyền thống là eo biển Malacca và Biển Đông. Điều này đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược kinh tế và quân sự của Bắc Kinh. Đồng thời, Trung Quốc cũng dự tính xây dựng tuyến đường sắt nối giữa Vân Nam và Đặc khu kinh tế Kyaukphyu.
Tham vọng của Trung Quốc đặt vào Myanmar là rất lớn, tuy nhiên, Bắc Kinh tỏ ra rất thất vọng vì thực tế lại không được như họ kỳ vọng. Cụ thể là dưới thời chính quyền dân sự đứng đầu là cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cầm quyền, tốc độ triển khai dự án Vành đai con đường ở Myanmar rất ì ạch, khiến Bắc Kinh rất sốt ruột. Cho đến năm 2021 quốc gia này lại quay trở về với chính phủ quân quản sau một cuộc đảo chính của quân đội. Bắc Kinh lập tức kết thân với chính quyền mới của Myanmar. Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư quy mô lớn vào Myanmar.
Tuy nhiên, qua hai năm, trong khi tiến độ dự án Vành đai con đường ở Myanmar vẫn đình trệ, trái với kỳ vọng của Bắc Kinh, thì tháng 10 vừa qua, tình hình ở Trung Đông đột ngột trở nên căng thẳng. Lo ngại về sự hỗn loạn của Trung Đông có thể tác động xấu đến việc triển khai Dự án Vành đai, vì vậy, Bắc Kinh đã tìm các cách khác nhau để thúc ép tiến độ ở Myanmar. Vào ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng đã tới Myanmar và gặp Thống tướng Miến Điện Min Aung Hlaing, trên thực tế là người cai trị quốc gia này. Ông Vương bày tỏ hy vọng hai nước sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như dự án an ninh và cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, theo ông Trương Chính (bí danh), một người trong cuộc thân cận với giới lãnh đạo Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar – một lực lượng đối lập đang tấn công quân đội chính phủ, đã phân tích rằng: Bắc Kinh vẫn lo ngại áp lực một chiều lên chính quyền Myanmar hiện tại là chưa đủ. Vì vậy, Bắc Kinh đã chơi nước đôi khi đồng thời hậu thuẫn cánh quân nổi dậy là lực lượng Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar tấn công quân chính phủ, nhằm mục đích là khôi phục lại ‘sức ảnh hưởng tuyệt đối’ của Trung Quốc đối với Myanmar”.
Ông Trương giải thích với tờ The Epoch Times, một mặt Bắc Kinh hâm nóng tình hữu nghị với chính phủ quân quản Myanmar và đầu tư mạnh vào nước này; mặt khác, họ ủng hộ các nhóm ly khai ở miền Bắc Myanmar là những nhóm có ảnh hưởng đáng kể tại khu vực đó. Mục đích của Trung Quốc là khiến cho tất cả các lực lượng ở Myanmar hiểu rằng Bắc Kinh có sức ảnh hưởng tuyệt đối ở Myanmar. Họ khiến cho Chính phủ hiện tại nhận thức rõ về mục tiêu của Bắc Kinh, và cả hai bên đều muốn nhanh chóng ổn định tình hình. Điều đó có nghĩa là Myanmar phải nhanh chóng thực hiện dự án Vành đai con đường theo chỉ đạo của Trung Quốc.
Vậy Trung Quốc hậu thuẫn lực lượng chống chính phủ ở Myanmar theo cách nào? Theo The Epoch Times, Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (viết tắt là MNDAA) trước đây đã từng nhận được sự trợ giúp đáng kể từ chính quyền Trung Quốc. Thủ lĩnh hiện tại của MNDAA là ông Bàng Đại Thuận, có cha là ông Bàng Gia Thanh , người từng được Bắc Kinh đào tạo và viện trợ quân sự trước khi thành lập MNDAA. Ông Bàng Gia Thanh đã từng dẫn dắt MNDAA đánh chiếm được vùng Kokang của Myanmar, sau đó buộc chính quyền quân đội Miến Điện phải công nhân đây là một khu tự trị. Từ đó, Kolang là một khu vực được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn.
Đến năm 2009, ông Bàng Gia Thanh bị đánh úp và mất quyền cai trị ở Kokang. Ông ta phải rút lui về Trung Quốc tìm chốn nương thân cho đến khi qua đời hồi tháng 02/2022. Và đến nay, con trai ông là Bàng Đại Thuận lại đang dẫn dắt MNDAA từ Trung Quốc trở về Myanmar để đòi lại lãnh thổ của cha mình.
Như vậy, có thể thấy cuộc chiến tại Myanmar khó có tách khỏi bối cảnh cuộc xung đột ở Trung Đông cũng như vai trò của Bắc Kinh. Bởi thế, tình trạng hòa bình ở mạn bắc Myanmar có cần thiết sớm được thiết lập hay không, đó có lẽ là điều mà Trung Quốc đang tính toán.