Chính quyền Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông thông qua cái gọi là đường chín đoạn. Sự ngạo mạn của Trung Quốc là nguyên nhân khiến cho các nước trong khu vực tăng cường hợp tác để chống lại quốc gia này, theo một bài viết đăng tải trên trang Washington Examiner.

Bài báo cho biết: Từ khi Trung Quốc thiết lập quyền kiểm soát đối với Biển Đông, ngày càng có nhiều quốc gia tăng cường hợp tác để chống lại tham vọng của Bắc Kinh.

Các quốc gia phản đối tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo Washington Examiner, Việt Nam cũng đang tăng cường hợp tác với Hải quân Hoa Kỳ và thực hiện những nỗ lực mới để bảo vệ lợi ích của mình ở vùng biển này.

Một số nhà quan sát cho rằng khả năng Hoa Kỳ sẽ có những động thái tích cực để hỗ trợ quân sự cho Việt Nam. Thậm chí, Mỹ có thể mua một số tàu ngầm như Shortfin Barracuda của Pháp để hỗ trợ Việt Nam.

“Không thể tưởng tượng nổi khi nghĩ rằng một ngày không xa, Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đồng ý về quan hệ đối tác an ninh để chống lại Trung Quốc”, nhà phân tích Tom Rogan viết trên Washington Examiner.

Các quốc gia khác như Singapore và Malaysia cũng đang bày tỏ mối quan ngại với Bắc Kinh mặc dù không thể hiện một cách công khai.

Sau nhiều năm coi nhẹ vấn đề Biển Đông để tìm kiếm cơ hội đầu tư từ Trung Quốc, Philippines đã nhận ra họ đặt nhầm niềm tin vào Bắc Kinh. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang chuẩn bị rời nhiệm sở. Tuy nhiên, chính quyền tiếp theo liệu có lập trường cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông hay không vẫn là một vấn đề.

Một trong các ứng viên kế nhiệm ông Duterte là ông Ferdinand Marcos Jr, một người có lập trường “thân thiện với Bắc Kinh”. Ông Marcos còn có biệt danh là Bongbong, là người ủng hộ quan điểm mềm mỏng của Philippines trước Trung Quốc.

Nếu điều này thực sự xảy ra, Mỹ sẽ phải xem xét lại mối quan hệ hợp tác an ninh với Philippines, theo ông Rogan. Nhà phân tích này cho rằng, nhiều khả năng Manila sẽ trở thành một chế độ bù nhìn cho kẻ thù lớn nhất của Hoa Kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc Philippines sẽ không thể giữ được các lợi ích về an ninh và thương mại với đồng minh thân cận của mình là Hoa Kỳ.

Trung Quốc đối mặt với thách thức ngày càng gia tăng

Ngoài các nước ven Biển Đông, các thành viên trong Bộ Tứ (Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản) cũng đang có những bước tiến mới để chống lại tham vọng của Trung Quốc. Tất cả các nước trong Bộ Tứ đều có thể sẵn sàng chiến đấu cùng với Hoa Kỳ nếu chiến tranh thực sự xảy ra. 

Biển Đông là một trong các điểm nóng có nguy cơ bùng nổ chiến tranh. Sau Thế chiến thứ hai, Biển Đông vẫn luôn được coi là trung tâm lưu chuyển thương mại quan trọng của thế giới. Ước tính mỗi năm có khoảng 3,4 nghìn tỷ USD giá trị hàng hóa được vận chuyển qua khu vực này.

Giống như chính quyền Trump, chính quyền Biden vẫn tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông.

Theo cây bút Rogan của Washington Examiner, ông Biden cần làm việc với Quốc hội để nâng cao sức mạnh chiến đấu của hải quân.

Ông cũng cho rằng Mỹ cần xâu chuỗi các vấn đề vi phạm của chính quyền Trung Quốc, để buộc họ phải trả giá cho các hành vi này. Các vi phạm của Bắc Kinh được kể đến bao gồm: Vi phạm nhân quyền, đánh bắt hải sản quá mức, trộm cắp tài sản trí tuệ, hoạt động gián điệp hung hãn, cưỡng bức thương mại.

Với việc xâu chuỗi các vấn đề như vậy, Mỹ có thể khiến Bắc Kinh hiểu rằng họ sẽ phải “trả giá lớn hơn” vì những hành vi của mình; hoặc ít nhất, giới cầm quyền Trung Quốc sẽ phải hành động một cách thận trọng hơn, theo ông Rogan.