Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) đang gióng lên hồi chuông báo động. Ông kêu gọi thế giới hãy chú ý đến mối đe dọa sâu xa từ Trung Quốc.

Ông Ngô nói trên hãng truyền thông DW: “Mối đe dọa này là thật, và sự chuẩn bị của Đài Loan cũng vô cùng nghiêm túc. Mỗi ngày, chúng tôi đều phải cố gắng đối phó với các mối đe dọa quân sự khác”.

Theo thông tin từ DW, Trung Quốc đã tổ chức hoạt động thăm dò quân sự trong nhiều năm. Nhưng vào năm 2020, mối đe dọa này đã tăng lên một mức độ mới. Nhiều lần, Đài Loan phải điều động các máy bay chiến đấu để đánh chặn các máy bay của Trung Quốc, khi phát hiện họ đang cố tình xâm phạm vào không phận của Đài Loan.

Với việc Trung Quốc đàn áp các quyền tự do ở Hồng Kông và tiến hành đàn áp mạnh mẽ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Cộng với các hành động bành trướng ở Biển Đôngxung đột với Ấn Độ ở dãy Himalaya. Vậy câu hỏi được đặt ra là: Liệu Đài Loan sẽ trở thành đối tượng tiếp theo hay không?

Để trả lời vấn đề trên, hãng truyền thông DW đã nêu lên nhận định trong một bộ phim chuyên sâu mới. Tại đây, DW xem xét 3 kịch bản có thể xảy ra với các chuyên gia chiến lược quân sự từ Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ và Đức.

Mối đe dọa đang bị đánh giá thấp

Trung Quốc hoàn toàn công khai trong việc đe dọa Đài Loan. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tự công nhận điều đó trong một bài phát biểu cấp cao năm 2019: “Chúng tôi không hứa sẽ ngừng sử dụng vũ lực và bảo lưu quan điểm tùy ý sử dụng tất cả các biện pháp khi cần thiết”.

Tuy nhiên, mối đe dọa đối với Đài Loan lại ít nhận được sự chú ý của quốc tế.

Ông James Fanell, cựu giám đốc tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, nhận định: “Theo ý kiến của tôi, từ năm 2020 đến năm 2030 là thời kỳ nguy hiểm nhất trên toàn cầu. Vì thời gian này, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với cuộc xung đột tranh chấp giữa Trung Quốc với các vùng lãnh thổ”.

Đài Loan đang bị chèn ép

Theo DW, chỉ có 15 quốc gia trên thế giới công nhận Đài Loan là một nước độc lập. Dưới sức ép của Trung Quốc, Đài Loan liên tục bị các cơ quan quốc tế như Liên Hợp Quốc (LHQ) và Tổ chức Y tế Thế giới “bỏ quên”. Đồng thời, với dân số dưới 24 triệu người nên Đài Loan càng bị Trung Quốc lấn át.

Quan trọng là mức độ chênh lệch quân sự giữa Đài Loan và Trung Quốc ngày càng lớn.

Dù Washington đã cung cấp các lực lượng vũ trang cho Đài Loan theo cam kết quốc phòng năm 1979, nhưng cam kết đó lại rất mơ hồ. Theo lời ông Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, cho biết: “Điều đáng chú ý là đây không phải cam kết bảo vệ Đài Loan nếu nước này bị tấn công”.

Mối đe dọa từ nguồn lực quân sự khổng lồ của Trung Quốc

Trung Quốc đã dành nhiều thập kỷ để đầu tư cho lực lượng hải quân của mình, thậm chí vượt qua Mỹ.

5604-bupvfd9k6a1a5n7znifiakz0cp5qqrdb
Lính Trung Quốc đón Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Bắc Kinh ngày 8/6/2018 (ảnh: Điện Kremlin).

Cựu giám đốc Tình báo James Fanell cho biết: “Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã sản xuất số lượng tàu chiến nhiều gấp 5 lần số tàu mà Mỹ sản xuất. Và theo dự đoán của tôi, đến năm 2030, họ sẽ sở hữu tới 550 thuyền và tàu ngầm.”

Hỏa lực Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ

Một trong những vũ khí lợi hại khác của Trung Quốc phải kể đến dàn tên lửa chống hạm. Ông Fanell cho biết: “Họ đã phát triển hệ thống tên lửa đặc biệt để chống lại Hải quân Mỹ,… Thậm chí 5 năm trước, khả năng phòng thủ của Mỹ tại Đài Loan còn lớn hơn hiện nay. Theo tôi thì vấn đề chính là khả năng này đã bị bào mòn trong thập niên qua”.

Vậy với những nhận định trên, thì khả năng xảy ra một cuộc chiến là hoàn toàn có thể. Theo DW nhận định, nếu cuộc chiến với Đài Loan nổ ra thì Mỹ sẽ bị đặt trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Từ đây, có thể châm ngòi cho một trận chiến thật sự giữa hai siêu cường.

Lời kêu cứu từ Đài Loan

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp tới thế giới. Ông nói: “Đài Loan không phải là một phần của CHND Trung Hoa. Người dân Đài Loan có quyền giống như các nước khác trên thế giới”.

Ông cũng nói: “Trung Quốc đang cố gắng xuất khẩu trật tự độc tài ra thế giới. Nếu Trung Quốc thành công tiếp quản Đài Loan thì tôi nghĩ phần còn lại của thế giới, đặc biệt là đối với các nền dân chủ, sẽ cảm thấy sức nóng. Trung Quốc đang bành trướng ra bên ngoài và Đài Loan lại tình cờ đứng tuyến đầu”.