Đàn ông mặc váy, điều này không phải chuyện lạ ở một số nước. Tuy nhiên, nếu như nó trở thành trào lưu phổ biến trên thế giới và được cổ xúy để phá vỡ ranh giới giới tính, thì bạn sẽ đồng tình hay phản đối?
Theo Vice, ngày càng nhiều nam giới ở Mỹ và một số nước châu Âu tìm mua váy để mặc. Trên TikTok, các video có hashtag #boysinskirts có khoảng 168 triệu lượt xem, hashtag #meninskirts có khoảng 52 triệu lượt xem.
Có lẽ, mọi người tò mò muốn xem đàn ông mặc váy trông ra sao!
Suy nghĩ của những người đàn ông mặc váy là gì?
Thời trang phản ánh phần nào tính cách của người mặc. Không phải ngẫu nhiên một số người đàn ông lựa chọn mặc váy. Nhưng nhiều người không hiểu vì sao họ hành động như vậy?
Thực tế, họ có quan niệm phá cách (nói mạnh hơn là “biến dị”, “quái dị”), muốn tạo ra nét mới. Họ cũng muốn biểu thị mạnh mẽ rằng “tôi không phân biệt giới tính về quần áo”.
Quan niệm không phân biệt giới tính về quần áo
Brian Batesy, một diễn viên 22 tuổi, đến từ Massachusetts nói về lý do anh muốn mặc váy: “Tôi thích vẻ ngoài của váy. Chúng làm cho đôi chân của tôi trông thật tuyệt. Tôi quan niệm quần áo vốn dĩ không phân biệt giới tính. Váy dành cho tất cả. Đó là trang phục và không nên gắn bó với bất kỳ giới tính nào”.
Nhà phân tích an ninh mạng 27 tuổi Casian Moore, ở California, nói rằng váy đem đến cho anh sự thoải mái và phong cách. Anh chia sẻ “Là người thuộc thế hệ không phân biệt giới tính của thời trang, tôi cũng hy vọng điều này giúp cộng đồng LGBT thoải mái, tự tin thể hiện bản thân nơi công động”.
Anh Mark Bryan, một kỹ sư điện máy, 61 tuổi ở Đức có cả bộ sưu tập váy và đã mặc váy, cũng như đi giày cao gót đến công sở. Quan điểm của anh như sau “Tôi nghĩ khi rào cản giới tính sụp đổ, chúng ta sẽ thấy nhiều thứ vốn được coi là nam tính hay nữ tính trở nên cởi mở hơn. Nếu chúng ta có thể xóa bỏ các chuẩn mực xã hội xung quanh quần áo, đàn ông sẽ tự do thể hiện mình theo bất cứ cách nào mình muốn”.
Nét mới cho phong cách thời trang
Kalhagen cũng là một người đàn ông thích mặc váy. Anh cho rằng, việc mặc váy là một nét mới cho phong cách thời trang. “Tôi muốn gỡ bỏ định kiến để đàn ông mặc váy trở nên bình thường hơn”, anh nói.
Moore cho biết có nhiều người khen ngợi khi anh mặc váy, song thỉnh thoảng vẫn bị một vài cái nhìn kỳ thị. Kalhagen cũng đã có những trải nghiệm tương tự.
Đây thực sự là một chủ đề tranh cãi, thu hút nhiều ý kiến phản hồi, bao gồm cả tán đồng và phản đối. Xin trích dẫn một số ý kiến của độc giả bình luận trên trang Vnexpress
Quan điểm đồng tình
– “Tôi thấy họ bản lĩnh vì dám vượt lên những chuẩn mực của xã hội để thể hiện cá tính của mình, họ mặc vậy cũng chả ảnh hưởng đến ai. Còn những ai phê phán họ thì cũng chả sao cả, có câu này rất hay ‘Họ cười tôi vì tôi khác họ. Tôi cười họ vì họ quá giống nhau'”.
– “Có gì đâu. Thật ra ngay đa số những nước Đông Nam Á như Myanmar, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Brunei đều có phong tục đàn ông mặc váy longyi hay sarong đó thôi. Đàn ông Scotland cũng mặc váy kilt”.
– “Người đẹp thì mặc gì cũng đẹp, miễn họ thấy thoải mái không ảnh hưởng đến ai là được”.
– “Mặc váy cũng được có gì đâu nhưng mặc quần đùi ở trong”.
– “Mặc sao chẳng được miễn không ở truồng ra đường”.
Quan điểm không ủng hộ
– “Ôi Trời, tôi đang đọc cái gì vậy”
– “Tui lạy các bác ạ!”
– “Đàn ông mặc váy nghe thì nhiều nhưng Việt Nam, tôi cho kẹo cũng chẳng ai dám mặc”.
– “Các ông thích thể hiện cá tính thì cứ thoải mái thôi, nhưng nó không hề đẹp đâu”.
– “Xong luôn, sẽ rồi mặc khố luôn chứ váy là bước khởi đầu cho sự quay về cội nguồn trong cái gọi là bình đẳng giới tính?”
– “Ít nhất trong vấn đề kinh tế thì cũng tiết kiệm được khối tiền vì mua cái váy về 2 vợ chồng mặc chung (đùa vậy thôi) chứ tôi nghĩ đàn ông chính hiệu thì sẽ không ai đi ăn mặc kiểu này để gọi là phá cách cả”
– “Nhìn đàn ông Scotland mặc váy Kilt trông ngộ nghĩnh là nam tính, còn nhìn mấy anh chàng này mặc vày thì…trời đất quỷ thần ơi”.
– “Mặc váy, mắc xà-rông thì cũng không có gì là lạ lẫm cả. Nhưng quan điểm “rào cản giới tính sụp đổ” thì nghe không vô. Mỗi giới có một đặc thù riêng, có giới hạn riêng của mình. Giỏi thì đàn ông chửa đẻ đi!”
Quan niệm người xưa về “bình đẳng giới”
Trong “Hệ Từ” của “Kinh Dịch” viết:
Thiên tôn địa ti. Kiền không định hĩ.
Ti cao dĩ trần. Quý tiện vị hĩ.
Càn đạo thành nam, không đạo thành nữ.
Càn tri đại thủy. Khôn tác thành vật.
Ý nói rằng: Trời ở trên cao Đất ở dưới thấp, Càn Khôn đã được định rõ là như thế. Lấy tôn cao ti thấp để trình bày rõ, cao thấp ra sao đã sẵn ở vị trí đó rồi. Cung Càn tạo thành nam, cung Khôn tạo thành nữ. Càn sinh ra vạn vật từ khởi thủy (linh hồn) nhưng Khôn mới hoàn tất việc tạo ra vạn vật (có thân thể). Vậy thì nam nữ khác nhau là vốn tự nhiên khởi thủy như thế. Nam nữ có đặc điểm ngoại hình, tính cách và thiên chức là không giống nhau.
“Bình đẳng giới” đúng đắn chính là nam nữ có nhiệm vụ vai trò khác nhau, không chà đạp lên nhau, không thay thế cho nhau, mà bổ trợ nhau cùng xây dựng gia đình và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, cũng chính là Âm Dương phân minh và Âm Dương phối triển vậy.