Lo ngại rơi vào thảm cảnh thiếu oxy giống như Ấn Độ, Indonesia cùng với xu hướng dịch bệnh tại Việt Nam khiến nhiều người đổ xô tìm mua máy tạo oxy.
- Người bán thịt tự mua dụng cụ y tế, test nhanh thấy dương tính Covid- 19
- Nữ công nhân Tiền Giang không đi xét nghiệm, vẫn có kết quả âm tính Covid-19
Tóm tắt nội dung
Nhu cầu tăng bất thường
Những ngày qua, dạo một vòng trên các quầy bán thiết bị vật tư y tế online có thể thấy nhu cầu mua máy tạo oxy cao hơn rất nhiều so với trước.
Tại một số shop mang tên Mua bán thiết bị y tế hoặc Thiết bị y tế gia đình vật tư bệnh viện, Mua bán thiết bị y tế Miền Nam… việc mua bán, tương tác diễn ra nhộn nhịp. Khách hàng chủ động hỏi về các mã sản phẩm máy tạo oxy đang quan tâm, giá cả cũng như thời gian giao hàng. Giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… cũng tấp nập; tại nhiều gian hàng cung cấp thiết bị y tế online cũng đều báo hết hàng và chỉ nhận đặt trước, thời gian đợi từ 10-15 ngày.
Hiện có khá nhiều dòng sản phẩm máy tạo oxy, sản xuất tại Mỹ, châu Âu, Nhật, Trung Quốc… Trong đó, các thiết bị của Trung Quốc chiếm ưu thế về giá. Những mẫu sản phẩm như máy tạo oxy y tế 5 lít của Lucass hay máy tạo oxy YUWELL được rất nhiều người tìm hiểu. Nhìn chung giá máy tạo oxy dạng “bình dân” cũng không hề rẻ, khoảng từ 7 đến 30 triệu đồng/sản phẩm, tuỳ theo tính năng, thương hiệu.
Theo anh Ngô Hải đại diện một công ty thiết bị y tế có chi nhánh ở nhiều tỉnh thành trao đổi với phóng viên báo Zing, nếu như trước đây máy tạo oxy chỉ dành cho những bệnh nhân liên quan có đường hô hấp, và không thể tới bệnh viện điều trị; nhưng bây giờ rất nhiều gia đình đang không có người bệnh vẫn có nhu cầu tìm mua sản phẩm này. Nguyên nhân là người dân đề phòng trường hợp bất trắc với mình hoặc người thân mắc Covid-19.
“Nhu cầu của người dân TP. HCM và Hà Nội gần như nhau. Giá máy tạo oxy không hề rẻ, tuy nhiên số lượng mua các chi nhánh vẫn đều đặn mỗi ngày. Hiện tại máy tạo oxy đã cháy hàng”, anh Hải cho biết.
Đội giá vẫn cháy hàng
Theo báo Tin tức, trước thông tin dịch bệnh diễn biến phức tạp và F0 có thể được cách ly tại nhà, nhiều người dân TP. HCM có điều kiện đã đổ xô tìm mua máy tạo oxy để dùng. Hiện giá mặt hàng này đang tăng cao gấp 2-3 lần so với 2 tuần trước đó.
Cụ thể, một máy tạo oxy “Made in China” có giá bán trước đây khoảng 8 triệu đồng thì tuần trước đã “đội” lên 11 triệu đồng và ngày 17/7 được niêm yết với giá 24 triệu đồng. Thậm chí, có máy đã tăng giá lên gấp 4 lần so với giá ban đầu nhưng cũng không còn hàng và đều phải đợi 7 – 10 ngày mới có hàng sau khi đặt cọc.
Một nhân viên bán máy tạo oxy tại Công ty An Sinh Medica cho biết, sản phẩm của hãng Mekics (Hàn Quốc) có giá dao động từ 135 – 385 triệu đồng/máy; với các loại máy của Đức có giá từ 39 – 50 triệu đồng/máy, còn máy của Trung Quốc có giá từ 8 triệu đồng/máy… và phải chờ 1-2 tuần, thậm chí 3 tuần mới có hàng.
Đại diện Công ty An Sinh Medical tư vấn, khi F0 điều trị tại nhà thì có thể cần đến máy thở; bởi theo các chuyên gia y tế, tất cả máy thở chuyên dụng đều có thể sử dụng cho bệnh nhân Covdi-19 từ nhẹ đến nặng và có thể sử dụng được ở mọi nơi từ gia đình, bệnh viện đến trên xe cứu thương.
“Hiện tại TP. HCM nhiều gia đình có điều kiện đã tự trang bị máy thở để dự phòng khi nhập viện do tình trạng thiếu máy hoặc phải điều trị tại nhà. Không ít gia đình đã trang bị cả một phòng ICU tại nhà với giá cả tỷ đồng”, vị này cho biết thêm.
Giới chức y tế nói gì?
Trao đổi với báo Zing, ông Nguyễn Viết Nhung , Giám đốc Bênh viện phổi Trung ương cho rằng, việc mua máy tạo oxy hiện giờ là không cần thiết.
Theo ông Nhung, nếu bệnh nhân mắc Covid-19 thì cần được điều trị chuyên biệt hơn chứ không chỉ đơn thuần điều trị tại nhà với thiết bị oxy và y tế tự có.
Tương tự, ông Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM khuyến cáo trên báo Tin Tức rằng người dân không nên làm điều này; bởi “các bệnh nhân mắc Covid-19 cần được điều trị chuyên biệt và không đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế”.
Ông Thượng khẳng định “các bệnh viện đảm bảo không thiếu oxy, máy thở trong điều trị Covid-19. Ngành y tế TP cũng đã dự trù các tình huống xấu để không bị động”.