Ba thành viên vùng Baltic gồm Estonia, Latvia, Lithuania được coi là điểm yếu trong tuyến phòng thủ của NATO. Chỉ cần Nga nắm được quyền kiểm soát biển Baltic và hành lang Suwalki, cấu trúc an ninh của NATO bị đặt vào thế mong manh. Đặc biệt là nhìn từ góc độ Lithuania (hay Litva), một quốc gia lâu nay được coi là gót chân Achilles của liên minh này. Tuy nhiên, điểm yếu của NATO không chỉ dừng lại ở đó, mà ngày càng bộc lộ ra những điểm bất lợi hơn.
Tóm tắt nội dung
Điểm yếu thứ 1: Hành lang Suwalki
Ba quốc gia nhỏ bé vùng Baltic, gồm Latvia, Litva và Estonia, với tổng dân số khoảng 6 triệu người, có một đoạn biên giới trên bộ duy nhất tiếp giáp lãnh thổ chính của liên minh. Đường biên giới dài 65km này, hay còn gọi là “Hành lang Suwalki” nằm giữa Ba Lan và Litva, được xem là yết hầu quan trọng của NATO.
Hành lang này ngăn cách Kaliningrad, một vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga ở phía tây và Belarus ở phía đông.
Vì vậy, mục tiêu của NATO là phải đảm bảo các cửa ngõ tới ba nước Baltic luôn rộng mở, trong đó nhiệm vụ của tướng Schmitt-Eliassen là bảo vệ tuyến đường biển.
Việc bảo vệ “Hành lang Suwalki” cũng là nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Nếu Nga kiểm soát hành lang, yết hầu của NATO sẽ bị bóp nghẹt.
Về vấn đề này, tướng Đức về hưu Hans-Lothar Domroese, người từng lãnh đạo một trong những bộ chỉ huy cao nhất của NATO ở thị trấn Brunssum, Hà Lan nói: “Nga hoàn toàn có thể kiểm soát Hành lang Suwalki”.
Ngày 11/4, tờ The Guardian đã đưa tin về cuộc tập trận của NATO có tên Rising Griffin năm 2022 tại căn cứ Pabrade, miền Đông Lithuania giai đoạn 26/3-10/4.
Trong buổi tập trận này, NATO không sử dụng đạn hay chất nổ thật trong cuộc diễn tập. Thay vào đó, họ sử dụng những phương tiện khác để báo hiệu cho binh sĩ khi xe của họ bị mìn thổi bay.
Sau buổi tập trận, giới chức phương Tây nhận ra vấn đề mà mình đang phải đối mặt: Cấu trúc an ninh của NATO chưa bao giờ mong manh như hiện nay.
Sự bấp bênh càng đáng lo ngại khi nhìn từ phía Lithuania, quốc gia nhỏ bé với chỉ 2,7 triệu dân. Từ lâu, Lithuania đã bị coi là “gót chân Achilles” của NATO.
Vị trí địa lý đặc biệt tác động tới bối cảnh an ninh của Lithuania. Ở phía tây, Lithuania giáp với Kaliningrad, lãnh thổ hải ngoại của Nga. Moscow triển khai hơn 200.000 quân ở Kaliningrad, bên cạnh đó là các tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M.
Ở phía đông, nước này giáp Belarus, đồng minh quan trọng bậc nhất của Moscow hiện nay. Trong khi đó, Belarus là nơi Nga triển khai hàng chục nghìn quân làm bàn đạp tấn công miền Bắc Ukraine.
Nếu Điện Kremlin mở rộng chiến dịch quân sự ở Ukraine bằng cách chiếm quyền kiểm soát đoạn biên giới giữa Ba Lan và Lithuania. Như thế, toàn bộ 3 nước Baltic sẽ bị chia cắt với phần còn lại của NATO.
Vậy NATO sẽ ứng phó ra sao, nếu điều này xảy ra?
Cách duy nhất là NATO sẽ gia tăng thêm các nhóm tác chiến tăng cường ở biên giới phía đông, gồm Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania. Quân của NATO sẽ buộc phải gia tăng hơn nữa sự hiện diện quân sự ở Đông Âu. Hiện tại đã có thêm nhiều tiểu đoàn, từ nhiều nước thành viên, được triển khai tới Romania, Bulgaria, Hungary và Slovakia.
Ở Lithuania, quân số NATO từ 1.200 đã tăng lên xấp xỉ 1.600. Tại đây, NATO bổ sung thêm nhiều khí tài quân sự mới, như hệ thống phòng không Ozelot của Đức, giúp bảo vệ các sân bay khỏi nguy cơ bị không kích.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ về lực lượng NATO ở Lithuania, dù đã được bổ sung, cũng sẽ nhanh chóng bị đè bẹp nếu xung đột thực sự nổ ra.
Họ cho rằng, kết quả của cuộc tập trận Rising Griffin năm 2022 đã cho thấy, lực lượng phòng thủ của NATO bị đối phương áp đảo về quân số. Một quan chức NATO cho biết mục tiêu ưu tiên của cuộc tập trận là kiểm chứng khả năng “làm chậm đối phương”, chứ không phải quyết bám trụ chiến tuyến.
Nếu áp dụng chiến thuật làm chậm đối phương, thì NATO đối diện với vấn đề gì?
Hiện nay, lực lượng NATO triển khai ở Lithuania đến từ 7 quốc gia. Các đơn vị này phải luân phiên thay đổi mỗi 6 tháng, đi cùng với đó là hàng trăm phương tiện cơ giới hạng nặng. Quy định này khiến chi phí đồn trú quân ở Lithuania nói riêng, và Baltic nói chung, rất đắt đỏ.
Như vậy có thể thấy, nếu một cuộc chiến kéo dài hay nhẹ hơn là sự gia tăng hiện diện quân sự của NATO ở phía đông để bảo vệ tuyến phòng thủ của mình, đều khiến NATO phải trả một chi phí quá cao.
Điểm yếu thứ 2: Sự kiện tiền lệ về Bosnia, kẽ hở cho Nga lợi dụng
Nói về sự kiện Bosnia, chúng ta cần quay lại một chút về lịch sử.
Nếu như việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine đang được mô tả là một cuộc tấn công toàn diện vào một quốc gia có chủ quyền, thì trong quá khứ, đã có một tiền lệ xảy ra. Đó là những năm 1990, một quốc gia Cộng sản được gọi là Nam Tư từng tồn tại ở Đông Nam Âu và Trung Âu. Sau đó, nó được đổi tên thành Liên minh Nhà nước của Serbia và Montenegro.
Trong suốt những năm 1990, các cường quốc NATO đã giúp một số thành phần của Nam Tư ly khai bao gồm Slovenia, Croatia và Bosnia. Khi đó Liên Xô đã không thể đáp trả sự can thiệp quân sự của phương Tây vì họ đang đối diện với 2 vấn đề: Giá dầu khi đó xuống thấp kỷ lục và sự tan rã của Liên Xô.
Về vấn đề này, ông Philip Cunliffe, giảng viên cao cấp về Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Kent đã đăng tải bài phân tích của mình trên Unherd.
Bài phân tích của ông Philip được tóm tắt ngắn gọn như sau:
Một tiền lệ đã được đặt ra ở Bosnia, một nước cộng hòa cũ của liên bang Nam Tư có dân số đa sắc tộc nhưng các chủng tộc này lại có lịch sử xung đột gay gắt với nhau.
Năm 1992, Cộng đồng châu Âu (nay là Liên minh châu Âu) đã khuyến khích Bosnia nộp đơn xin công nhận độc lập khỏi liên bang Nam Tư. Bosnia đã thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề ly khai này. Và sự kiện đó càng làm rạn nứt mối quan hệ vốn đã tồi tệ giữa các sắc tộc ở Bosnia.
Trong khi người Serb đứng về phía quân đội Nam Tư, người Croatia và người Bosnia lại tìm kiếm độc lập và nghiêng về phía phương Tây. Điều này dẫn đến chiến tranh Bosnia năm 1992. Chiến tranh đã kéo dài trong ba năm. Và vào năm 1994 và 1995, NATO đã can thiệp vào cuộc nội chiến, ném bom các lực lượng Serb phản đối việc ly khai.
Hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài 3 năm, và thế giới phương Tây sau đó đã tràn vào các vùng đất vốn thuộc tầm ảnh hưởng của Nga.
Điều tiếp theo là sự mở rộng liều lĩnh của NATO về phía đông. Sự kiện ở Bosnia trở thành tiền lệ và chẳng bao lâu sau đó, các lực lượng của Mỹ tiêu diệt những kẻ được gọi là bạo chúa và tiến hành các cuộc chiến thay đổi chế độ ở Trung Đông và Bắc Phi.
Nếu như đem ví dụ này để so sánh với trường hợp của Ukraine, có thể thấy dường như Tổng thống Nga Putin đang tái hiện câu chuyện từng xảy ra Bosnia.
Ví dụ: Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Kể từ đó, Putin đã lặp lại lập luận nhiều lần – nếu Slovenia, Croatia và Bosnia có thể ly khai khỏi quốc gia mẹ của họ vào những năm 1990 còn Kosovo có thể được tuyên bố độc lập với sự hậu thuẫn và can thiệp quân sự của phương Tây, thì tại sao các vùng phía đông lại không thể ly khai khỏi Ukraine?
Tại sao Nga cũng không thể phát động một cuộc chiến và thực thi quyền tự quyết ở miền đông Ukraine?
Nếu người Mỹ và người châu Âu là những người giải phóng vào những năm 1990, thì tại sao người Nga lại trở thành bạo chúa của những năm 2020?
Phương Tây nói rằng có một sự khác biệt. Họ tuyên bố rằng họ đang chặn đứng một chiến dịch thanh lọc sắc tộc do nhà nước tài trợ. Và họ mô tả chiến dịch quân sự của Nga là một cuộc xâm lược bất hợp pháp. Ông Putin thì tuyên bố rằng cuộc chiến của mình là một chiến dịch ‘phi hạt nhân hóa’. Điện Kremlin cũng tuyên bố rằng họ muốn hỗ trợ nhóm thiểu số nói tiếng Nga bị áp bức ở Ukraine.
Nếu phương Tây cho rằng lực lượng Serb trước kia phải khuất phục các cộng đồng dân tộc khác thì Nga cũng cho rằng tiểu đoàn Azov của Ukraine là lực lượng dân quân tân phát xít cần bị khuất phục.
Dẫu cho thế nào, thì giới quan sát đều cho rằng, vở kịch Bosnia đang tái hiện ở Ukraine. Đất nước đang được Balkani hóa. Nó có nguy cơ bị chia cắt: một miền Đông thân Nga và một miền Tây thân NATO. Putin chỉ là đang chơi lại bài Bosnia trên đất Ukraine.
Cuối cùng ông Philip Cunliffe viết rằng, nếu Ukraine muốn bảo vệ nền độc lập mà họ đang chiến đấu, họ không chỉ phải đẩy lùi quân Nga mà còn phải tránh trở thành một quốc gia nằm dưới sự bảo hộ của phương Tây, thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí của NATO và viện trợ của EU để tồn tại. Sự trung lập mang lại cho Ukraine hy vọng tốt nhất để bảo vệ chủ quyền của mình.
Hiện tại, vấn đề tranh luận giữa 2 bên: Ủng hộ và phản đối Nga vẫn đang được diễn ra. Khách quan mà nói, Mỹ và NATO cũng không thể cương quyết chấm dứt cuộc chiến. Họ cũng khó có thể mà kiện Nga ra toà. Bởi vì họ sẽ phải đối mặt với những gì mà họ đã gây ra trong lịch sử. Nói cách khác, há miệng mắc quai. Đây chính là điểm yếu lớn nhất mà Putin đã lợi dụng để thách thức Mỹ và NATO.