Gần đây, dư luận bức xúc về vụ ngắt tiếng Quốc ca Việt Nam trong trận bóng đá giữa Việt Nam – Lào tại AFF Cup 2020 trên một số nền tảng số vào tối 6/12/2021. Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết đang thanh tra công ty đã làm việc này.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ông Hùng cho biết thông tin này trong hội nghị triển khai công tác báo chí, truyền thông năm 2022, do Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch (Bộ VHTT&DL), được tổ chức vào chiều 20/1 tại trụ sở Bộ ở Hà Nội.

Lùm xùm vụ ngắt tiếng Quốc ca Việt Nam

Vụ việc ngắt tiếng Quốc ca Việt Nam xảy ra vào tối 6/12, trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020.

Một số kênh YouTube đăng tải trận đấu. Nhưng khi bản nhạc Quốc ca Việt Nam vang lên thì bị tắt tiếng trên YouTube.

Trên mạng lan truyền ảnh chụp màn hình kênh phát sóng Next Sports xin lỗi: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm”.

Điều này khiến nhiều khán giả giận dữ. Một số tờ báo và khán giả lập tức chỉ trích BH Media, vì hãng này đã đăng ký bản quyền ca khúc Tiến quân ca (Quốc ca Việt Nam) trên Youtube. Do vậy, các kênh YouTube phát trận đấu bóng đá đã phải tắt tiếng để tránh bị dính “đánh gậy bản quyền” từ BH Media. Trước đó, VTV đã “tố” BH Media “nhận vơ bản quyền” với Quốc ca Việt Nam.

Tuy nhiên, BH Media tuyên bố vụ tắt tiếng Quốc ca không liên quan tới mình; đồng thời nói rằng không có bên nào “đánh bản quyền” bài hát Tiến quân ca, theo Tuổi Trẻ.

Next Sports đã tự tắt tiếng khi có tiếng nhạc Quốc ca Việt Nam để phòng xa, tránh bị mất doanh thu trên YouTube vì phát video có nhạc bản quyền.

Việc mất doanh thu vì phát video có nhạc Tiến quân ca đã xảy ra với kênh Youtube khác là FPT Bóng đá Việt. Vụ việc diễn ra vào tối 16/11, khi kênh FPT đã tiếp sóng trực tiếp trận Việt Nam – Saudi Arabia, thuộc vòng loại thứ 3, World Cup 2022.

Sau khi trận đấu kết thúc, video đạt gần 4 triệu lượt xem. Nhưng kênh này đã bị mất toàn bộ doanh thu từ video; vì video có chưa đoạn trận đấu phát bản ghi Tiến quân ca do Hãng đĩa Marco Polo sản xuất.

Theo BH Media, kênh Next Sports phòng xa, nên đã chủ động tắt tiếng nhạc Quốc ca Việt Nam trong trận Việt Nam – Lào hôm 6/12.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL lên tiếng về vụ ngắt tiếng Quốc ca Việt Nam

Sau vụ tắt tiếng Quốc ca Việt Nam, Bộ VHTT&DL cũng bị chỉ trích. Các báo dồn dập đưa tin, gọi điện thoại “phỏng vấn bộ trưởng cháy máy”, theo Tuổi Trẻ.

Khi đó, có báo đặt vấn đề về việc Bộ nên làm gì trong vụ việc trên.

Tại Hội nghị hôm 20/1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói rằng Bộ “không có lỗi khi công ty kia tắt tiếng Quốc ca”. Ông cho biết Bộ đã sản xuất nhiều bản ghi âm Quốc ca và đăng miễn phí trên mạng cho người dân sử dụng.

Ông Hùng nói rằng cái sai là ở công ty ngắt tiếng Quốc ca Việt Nam. Bộ trưởng cho biết các cơ quan chức năng đang thanh tra, kiểm tra công ty này.

Ngay sau trận đấu, vào tối 7/12, Cổng thông tin Chính phủ đăng thông tin cho biết việc doanh nghiệp ngắt tiếng Quốc ca Việt Nam hôm 6/12 là trái quy định pháp luật. Pháp luật của Việt Nam nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến Quốc ca dưới bất kỳ hình thức nào.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bình luận rằng năm 2021, Bộ VHTT&DL và các cơ quan báo chí chưa có sự phối hợp thông tin hiệu quả. Ông khẳng định Bộ sẽ làm tốt hơn công tác báo chí, truyền thông vào năm 2022.

Từ Khóa: