Dọn sạch sau bão là việc đầu tiên cần nghĩ đến khi cơn lũ vừa rút, bởi hiểm họa không chỉ đến từ gió giật hay nước ngập, mà còn đến từ chính những thứ tưởng chừng vô hại: bùn đất, rác rưởi, xác động vật, nước giếng nhiễm bẩn…

Chúng là nơi trú ngụ của vi khuẩn, mầm bệnh – thứ có thể khiến cả gia đình “ngã gục” chỉ trong vài ngày.Bão tan, nhưng hiểm họa chưa tan. Nếu không dọn dẹp và phòng dịch đúng cách, ngôi nhà thân yêu có thể trở thành nơi phát sinh đủ loại bệnh tật.

Vì sao sau bão lại dễ mắc bệnh?

Mỗi trận bão để lại không chỉ là cảnh ngổn ngang mà còn là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi. Nước lũ kéo theo rác rưởi, phân thải, xác động vật, nước cống tràn vào sinh hoạt hàng ngày. Khi nước rút, chúng không biến mất, mà âm thầm đọng lại trong nền nhà, giếng nước, ao tù và cả thức ăn bị ôi thiu.

Một số bệnh thường gặp sau mưa bão:

  • Tiêu chảy cấp, tả, lỵ
  • Viêm da, nấm kẽ chân
  • Sốt xuất huyết, sốt virus
  • Đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp
  • Leptospirosis (xoắn khuẩn từ nước tiểu chuột)

Đặc biệt, trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất khi môi trường không được vệ sinh đúng cách.

Sau bão nhiều rác thải, bùn đất,xác động vật trôi dạt gây ô nhiễm (Ảnh:Internet)

Dọn sạch sau bão để ngăn dịch bệnh: Những việc cần làm ngay

Sau khi bão tan, việc đầu tiên cần làm là vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh, đảm bảo môi trường sống an toàn và sạch sẽ.

Làm sạch trong ngoài

  • Dọn dẹp rác, xác động vật, đồ đạc hư hỏng. Đeo găng tay, khẩu trang, ủng cao su khi tiếp xúc.
  • Dùng xà phòng hoặc dung dịch khử trùng (Cloramin B, javen) để rửa sàn nhà, tường, đồ đạc.
  • Phơi khô chăn, nệm, quần áo bị ẩm – không để nấm mốc phát triển.

Xử lý nguồn nước

  • Giếng, bồn chứa nước bị ngập phải hút cạn, súc rửa, sau đó khử trùng kỹ.
  • Nước uống phải đun sôi trước khi dùng. Tạm thời ưu tiên nước đóng chai nếu có điều kiện.

Diệt muỗi, phòng sốt xuất huyết

  • Loại bỏ nước đọng quanh nhà – nơi muỗi đẻ trứng.
  • Mắc màn cả ngày lẫn đêm cho trẻ nhỏ.
  • Nếu địa phương tổ chức phun thuốc diệt muỗi, hãy tham gia và phối hợp đầy đủ.

An toàn thực phẩm

  • Không ăn thực phẩm ngâm nước, rau trôi nổi, đồ ăn ôi thiu.
  • Rửa bát đũa bằng nước sạch, tráng lại bằng nước sôi.
  • Luôn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi dọn dẹp.
Đoàn thanh niên xã cùng nhau dọn sạch bùn đất ,rác thải sau bão lũ (Ảnh:Internet)

Dọn sạch sau bão chưa đủ – Cần biết khi nào phải đi khám

Dù đã cẩn thận vệ sinh, rủi ro vẫn có. Điều quan trọng là phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường:

  • Sốt cao không hạ
  • Đau bụng, tiêu chảy kéo dài
  • Phát ban, ngứa da, nổi mẩn
  • Mắt đỏ, chảy nước, đau rát
  • Đau đầu, mệt mỏi, có dấu hiệu mất nước

Khi gặp những biểu hiện này, không nên tự điều trị ở nhà. Đến trạm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được khám đúng cách, tránh bệnh lây lan hoặc trở nặng.

Đồng thời, nếu phát hiện điểm ô nhiễm nặng (giếng bẩn, xác động vật, ổ muỗi…), người dân nên báo cho chính quyền địa phương để có phương án xử lý kịp thời.

lực lượng chức năng phun thuốc khử khuẩn xung quanh khu dân cư (Ảnh:Internet)

Dọn sạch sau bão là khởi đầu cho một cuộc sống lành mạnh

Sau bão, ai cũng bận: sửa nhà, tìm lại tài sản, làm lại từ đầu. Nhưng hãy nhớ: bắt đầu lại không thể thiếu vệ sinh và sức khỏe.

Dọn sạch hôm nay để tránh bệnh tật ngày mai.
Giữ gìn cho mình cũng là đang giữ gìn cho cả xóm.
Một mái nhà an toàn, một ngôi làng không dịch bệnh – chính là nền tảng của sự hồi sinh sau thiên tai.