Trong lịch sử từng xuất hiện những triều đại thịnh thế nhờ có bậc quân vương trọng đức, vừa nghiêm khắc tu dưỡng đạo đức bản thân vừa chú trọng giáo hóa đạo đức cho con dân. Đó là cái gốc của việc trị quốc.
Một gia đình cũng giống như quốc gia thu nhỏ. Người làm cha mẹ ví như bậc quân vương và con cái chính là thần dân. Khi “bậc quân vương cha mẹ” không ngừng tu dưỡng bản thân thì sẽ mang đến hai điều lợi. Trước là hành vi tu chính nhân tâm của họ khiến cho con cái nhìn vào mà bắt chước từng chút, sau là những phép tắc mà họ đặt ra sẽ tuân theo chính đạo, con cái mới có thể kính cẩn vâng lời. Cơ sở của tề gia là thân giáo.
Tuy nhiên hiện tượng phổ biến trong các gia đình là cha mẹ thường xuyên dùng quyền uy và hình phạt đối với con mà không ý thức về việc thân giáo. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái chỉ theo một chiều áp đặt. Ở đó không có chuyện cha mẹ thay đổi, họ dạy con bằng mệnh lệnh “con cần thế này, con phải thế kia”. Họ cũng không coi trọng Đức, bởi vì điều họ bộc lộ ra thường là tâm thái nóng giận, oán hận, đố kỵ. Nếu con mắc lỗi thì cha mẹ phản ứng nhất thời trách mắng, khiến cho đứa con căng thẳng đến mức không tiếp nhận được những lời răn dạy sau đó.
Khổng Tử từng giảng, mệnh lệnh và hình phạt đều chỉ là ước thúc bên ngoài, người ta vì sợ hãi nên có thể phục tùng trên bề mặt nhưng không thể vĩnh viễn khiến cho con người phát tự nội tâm yêu cầu bản thân mình làm người tốt.
Vậy làm thế nào để con phát tự nội tâm yêu cầu bản thân mình làm người tốt? Không cách nào tốt bằng cha mẹ tu dưỡng đức hạnh để làm gương. Lịch sử đã để lại cho hậu thế những tấm gương minh quân trị quốc. Giờ đây đạo trị quốc bằng đức hạnh của họ có thể trở thành ánh sáng soi đường cho những bậc cha mẹ tề gia.
Nếu cha mẹ có thể dùng đức hạnh để giáo dục con như Hán Văn Đế Lưu Hằng, vị Hoàng đế thứ ba của triều đại nhà Hán biết “đặt bản thân mình sang một bên để nghĩ cho người khác” và “thường hay tự xét bản thân mình”, “dồn hết tâm lực dùng nhân đức để cảm hóa thần dân” thì chính là con cái được hưởng một nền giáo dục đủ đầy đức hạnh, từ đó mà gia đình hòa thuận, yên vui.
Vị tha chứ không vị tư
Hiếu Văn Đế chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão Tử, ông chủ trương thanh tâm quả dục, thanh tịnh vô vi, không làm hao tốn tài lực của dân, thực hành cùng nghỉ ngơi với bách tính. Đồng thời, Hiếu Văn Đế vô cùng nhân đức và khoan dung với người khác, muôn dân được lợi ích khiến cho vương triều Tây Hán dần dần đi đến cường thịnh.
Ông san sẻ niềm vui cùng người dân. Quan đại thần chủ quản thỉnh cầu Hoàng đế lập hoàng hậu. Văn Đế lập mẫu thân của thái tử là Đậu thị làm hoàng hậu. Văn Đế lấy duyên cớ lập hoàng hậu để ban tặng vải vóc, tơ lụa, lúa gạo, thịt thà cho những người khốn cùng không có cha mẹ vợ chồng con cái cho đến lão nhân trên tám mươi tuổi, những người mẹ độc thân có con nhỏ chưa tròn chín tuổi trong thiên hạ.
Ông hi vọng rằng những người nghèo khổ trong thiên hạ có thể hưởng được một chút niềm vui. Ngoài ra, Văn Đế còn ban tặng ân trạch cho thiên hạ ở khắp mọi nơi, an định vỗ về chư hầu và các bộ tộc biên duyên xa xôi ở bốn phương trời, gia phong cho những đại thần có công, chính vì vậy mà các phương diện trên dưới đều vui vẻ hài hòa.
Sở dĩ đạt được trên dưới đều vui vẻ hài hòa là vì Hán Văn Đế đặt niềm vui và mong mỏi của người dân làm trọng, cũng chính là biểu hiện của tấm lòng vị tha. Ta có thể áp dụng điều này trong mỗi gia đình như thế nào?
Cha mẹ thường ôm giữ nhiều nguyện vọng và mong cầu ở con, muốn con xinh đẹp, khỏe mạnh, học giỏi, đỗ đạt, thành danh… Nhưng xét cho cùng đó vẫn là vị tư. Nếu như cha mẹ có thể đặt mình sang một bên để nghĩ xem tự con mong muốn điều gì, con có hạnh phúc trong tâm không… thì có lẽ đã không còn những vụ tự tử thương tâm, những ca trầm cảm không thể vãn hồi.
Như thế nào là “nghĩ cho con”? Nếu cha mẹ đặt ra nguyện vọng và cố gắng để thỏa mãn nguyện vọng của chính mình thì không hẳn là nghĩ cho con, dù điều đó mang danh “những điều tốt đẹp”. Chỉ khi cha mẹ thật sự vứt bỏ cái tôi tự ngã để đặt mình ở vị trí của con, hoàn toàn vị tha, đó mới là nghĩ cho con một cách chân chính. Mối quan hệ hài hòa giữa cha mẹ và con cái là giá trị cốt lõi làm nên một “gia đình thái, con cái an”.
Thường tu chính bản thân
Văn Đế tại vị 23 năm thường hay tự xét bản thân mình. Có một năm phát sinh mấy lần nhật thực, Văn Đế tự trách mình rằng: “Trẫm nghe nói trời sinh muôn dân, vì bách tính mà sắp đặt quân vương đến để giáo hóa và quản lý. Nếu như quân vương không hiền đức, chấp chính không công bình thì thượng thiên sẽ triển hiện ra những hiện tượng báo trước tai họa để cảnh cáo quân vương trị vì không tốt.”
Ông tự nhận hiện tượng thiên tai nhân họa là lỗi ở mình đã không làm tốt việc trị quốc và giáo dưỡng chúng sinh thiên hạ. Ông nói: “Các khanh là quan đại thần nắm giữ chính sự quốc gia trong tay cũng giống như cánh tay trái cánh tay phải của trẫm. Trẫm không thể làm tốt việc trị quốc và giáo dưỡng chúng sinh thiên hạ, đối với bên trên thì làm lu mờ ánh sáng của nhật nguyệt tinh tú nên mới phát sinh hiện tượng nhật thực. Việc vô đức của trẫm thật sự đã quá nghiêm trọng”.
Ông cũng nói: “Sau khi tiếp nhận chiếu lệnh, các khanh đều phải thật sự nghĩ về những sai sót của trẫm, cũng như những chỗ trẫm làm chưa đủ mà các khanh đã biết, đã thấy và đã nghĩ tới. Trẫm chân thành mong rằng các khanh sẽ nói cho trẫm biết. Nếu cần thì hãy tiến cử người hiền lương, nghiêm chính, có thể thẳng thắn khuyên răn đến để tu chỉnh những thiếu sót của trẫm”.
Như vậy, áp dụng đạo trị quốc bằng đức hạnh nghĩa là cha mẹ có thể tìm nguyên nhân gia đình bất an là do bản thân mình đã không hiền đức, hành xử không công bình.
Làm như minh quân Hán Văn Đế nghĩa là cha mẹ nghiêm túc nhận rằng mình không làm tốt việc tề gia và giáo dưỡng con.
Bậc cha mẹ như minh quân sẽ luôn chân thành mong muốn con cái nghĩ về những sai sót của mình và những chỗ mình làm chưa đủ, mong con nói cho cha mẹ biết, thậm chí thẳng thắn khuyên răn để tu chỉnh những thiếu sót của cha mẹ.
Bậc cha mẹ có thể như Văn Đế dồn hết tâm lực dùng nhân đức để cảm hóa con dân, cai trị vô vi, thì gia đình ắt có cuộc sống sung túc, lễ nghĩa hưng thịnh.