Tháng trước, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thừa nhận một điều mà mọi người Đức đều biết nhưng sợ nói ra: Đó là mô hình kinh doanh của nước này đã bị phá vỡ.
Theo The Epoch Times, mô hình kinh doanh chiến lược quốc gia của Đức, dựa trên toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau, đang phản tác dụng. Đó là việc xây dựng quốc gia bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Trong trường hợp này, hai giỏ là Nga và Trung Quốc. Đức phụ thuộc vào Nga trong hầu hết nhu cầu năng lượng, và phụ thuộc vào Trung Quốc trong hầu hết nền kinh tế định hướng xuất khẩu của mình.
Ông Scholz cho biết “sự phụ thuộc một chiều” của Đức vào Trung Quốc và Nga phải chấm dứt.
Thủ tướng đang thay đổi chính sách lâu đời của Đức. Quốc gia này đang cam kết dành 2% GDP cho quốc phòng và củng cố hệ thống phòng thủ phía đông của NATO, đẩy nhanh việc rời bỏ năng lượng của Nga, xây dựng thêm các nhà ga nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và cam kết trở thành một quốc gia hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Scholz không vô tội trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại của Đức. Trong nhiều năm, ông giữ chức bộ trưởng tài chính và phó thủ tướng trong chính phủ của cựu thủ tướng Angela Merkel.
Vào đầu tháng 12, truyền thông Đức đã công bố một phần tài liệu chiến lược bị rò rỉ của Bộ Kinh tế dự đoán căng thẳng gia tăng giữa Đức và Trung Quốc, và rằng Trung Quốc sẽ tiến tới sáp nhập Đài Loan muộn nhất là vào năm 2027. Nếu điều này trở thành hiện thực, tất cả sẽ mở đường cho những tổn thất kinh tế nhiều hơn cho Đức.
Tài liệu nói thêm rằng trong khi Bắc Kinh đã nỗ lực trong nhiều năm để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, thì Đức và Châu Âu lại cho Trung Quốc lợi thế, tăng gấp đôi mức độ phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.
Nhưng thay đổi hướng đi, nói thì dễ hơn làm.
Đức là một quốc gia công nghiệp tiên tiến. Nguồn năng lượng của nước này không đa dạng lắm. Nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt chiếm 60% năng lượng của Đức, và Nga là nhà cung cấp cả hai nhiên liệu này lớn nhất.
“Đức đã nhập khẩu khí đốt, dầu và than trị giá khoảng 1,8 tỷ euro (khoảng 2 tỷ USD) mỗi tháng của Nga, qua đó giúp tài trợ cho cuộc chiến của Vladimir Putin ở Ukraine,” tờ The Economist đưa tin hồi tháng 4/2022.
Giờ đây, quốc gia này đang ráo riết xây dựng các cảng nhập khẩu LNG mới để bổ sung cho nhu cầu năng lượng của mình. LNG được vận chuyển bằng tàu và Hoa Kỳ là nước xuất khẩu lớn. Vào cuối tháng 9, chính phủ Scholz đã công bố chương trình “lá chắn phòng thủ” trị giá 200 tỷ euro (209 tỷ USD) để hạn chế giá xăng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng như trợ cấp cho các công ty nhập khẩu năng lượng.
Về mặt thương mại, các chính trị gia Đức vào tháng trước đã thực hiện các chuyến công du khắp châu Á, đánh giá lại các mối quan hệ hiện có và củng cố các mối quan hệ mới.
Một số người đi đầu của ngành công nghiệp Đức đã tham gia, bao gồm cả lãnh đạo của những gã khổng lồ công nghiệp BASF và Siemens, cũng như gã khổng lồ tài chính Deutsche Bank.
Các chính phủ trước đây của Đức đã dựa vào Trung Quốc, một quốc gia có chế độ cộng sản ngày càng trở nên thù địch với phương Tây và các đồng minh của họ. Chính sách đó được hình thành gần như hoàn toàn bởi lợi ích của các doanh nghiệp Đức, vốn phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc và đã đầu tư rất nhiều vào sản xuất của Trung Quốc.
Đức phải chuẩn bị cho một thế giới mà Trung Quốc ngày càng trở nên cô lập và bị cắt đứt với phần còn lại của thế giới.
Không quốc gia nào có thể thay thế sự thèm muốn của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Đức bao gồm máy móc công nghiệp, thiết bị kỹ thuật và ô tô. Nhưng nước Đức cần phải bắt đầu làm gì đó.
Ông Volker Treier, người đứng đầu bộ phận ngoại thương của DIHK ở Berlin, nói với Bloomberg hồi tháng 11 rằng: “Chắc chắn đó không phải là một lựa chọn để từ bỏ Trung Quốc hoàn toàn. Các doanh nghiệp Đức đang cố gắng đa dạng hóa và đề phòng khả năng suy giảm mạnh hơn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc”.
Các doanh nghiệp Đức phải được khuyến khích đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc. Nó sẽ tiêu tốn tài chính và sẽ làm tổn hại đến lợi nhuận của các công ty, ít nhất là tạm thời. Và nó cần có sự cam kết từ cộng đồng doanh nghiệp, các chính trị gia Đức và các đồng minh EU.
Trong khi Đức vào tháng trước đã ngăn Trung Quốc mua lại một nhà máy sản xuất chip trong nước, thì vào đầu tháng 12, nước này đã từ chối tuân theo đề nghị của Mỹ trong việc ban hành lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn thiết bị viễn thông do gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei sản xuất. Vào tháng 10, Berlin đã cho phép tập đoàn vận tải khổng lồ COSCO thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc mua một nhà ga ở cảng Hamburg.
Tất cả những điều này đặt ra câu hỏi: Liệu phản ứng của Đức có quá ít và quá muộn màng?
Có thể bạn quan tâm: