Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, nhiều trạm thu phí BOT bị người dân tố cố ý không xả trạm khiến tình trạng ùn tắc, kẹt xe thêm trầm trọng. Về phía nhà thu phí, họ đã có những lý lẽ phản hồi.
Tóm tắt nội dung
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Vào sáng ngày 30/4, số phương tiện lưu thông qua cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tăng đột biến, khiến đoạn từ km3 đến km11+115, tại khu vực Trạm thu phí Long Phước ùn tắc kéo dài.
Lúc này, CSGT Đội 6 làm việc trên tuyến đã yêu cầu Trạm thu phí Long Phước và lãnh đạo VEC E cho xả trạm để giảm ùn tắc. Tuy nhiên, VEC E không đồng ý.
Phía CSGT căn cứ hiện trạng ôtô dồn hàng chờ trước trạm thu phí dài hơn 2 km, nên lập biên bản xử lý vi phạm với trạm thu phí. Song, ban quản lý Trạm thu phí Long Phước không ký biên bản và không xả trạm.
Về việc này, ngày 1/5, lãnh đạo Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam – VEC E nói với báo Thanh Niên, họ ‘đã làm hết trách nhiệm’. Còn việc kẹt xe nghiêm trọng “là do những nguyên nhân đặc thù khác, chứ không phải do trạm thu phí”.
Theo giải thích của vị này, ở mỗi chiều có 5 làn thu phí; trong ngày 30/4, chủ đầu tư đã mở đến 9 làn thu phí tại Trạm thu phí Long Phước (hướng TP. HCM – Long Thành) để nhanh chóng giải phóng xe qua trạm, nhưng qua trạm xong, các phương tiện tiến vào cầu Long Thành thì tại khu vực này lại chỉ có 2 làn xe, dẫn đến ùn ứ nghiêm trọng.
Một thành viên ban quản lý cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây nói thêm: “Với lượng xe đi vào quá đông, chúng tôi nhận định nếu có xả trạm thu phí thì tình hình kẹt vẫn diễn ra, thế nên chúng tôi quyết định tạm đóng đường, không phục vụ xe hướng từ TP. HCM vào, sau đó tình hình mới tạm ổn”.
Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình
Cùng ngày 30/4, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình ùn tắc từ sáng sớm. Lượng phương tiện lưu thông cao gấp 3 lần bình thường, song các trạm BOT trên tuyến không xả trạm. Lý do nhà quản lý đưa ra là tình trạng “không ùn ứ nghiêm trọng”.
Báo VnEconomy dẫn lời ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho hay, tình trạng trong ngày 29 và 30/4 chỉ xảy ra ùn ứ kéo dài tại các trạm thu phí. Theo ông Huyện, nếu chỉ là ùn ứ phương tiện vẫn di chuyển thì không phải xả trạm. Chỉ khi nào tắc không lưu thông được mới phải xả. Trong các ngày người dân trở lại thành phố tới đây, nếu xảy ra ùn tắc kéo dài quá quy định, Tổng cục sẽ chỉ đạo nhà đầu tư xả trạm.
Một đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) – đơn vị quản lý tuyến cao tốc trên, nói thêm: Họ nhận thấy trạm thu phí Cao Bồ đến Ninh Bình có lưu lượng xe bình thường, không bị ùn ứ nghiêm trọng nên quyết định không xả trạm ngày 30/4. Còn với trạm Liêm Tuyền, VEC có cho xả trạm 10 phút lúc 11h55 ngày 30/4 khi nhận thấy dòng xe bị tắc cứng trong cao tốc “vì nhiều lý do”.
Cần quy định rõ, tránh ‘đánh tráo khái niệm’
Bàn về trách nhiệm của nhà đầu tư, đơn vị thu phí trên các tuyến cao tốc, bài viết trên Diễn đàn doanh nghiệp dẫn ý kiến của TS Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông. Ông Thủy cho rằng, nhiều chủ đầu tư BOT tìm mọi cách luồn lách để không xả trạm.
Theo ông Thủy, thuật ngữ ùn tắc là tình trạng các phương tiện buộc phải dừng tại chỗ, không thể lưu thông được, trong khi, ùn ứ là các phương tiện vẫn có thể lưu thông với tốc độ chậm. Đây chính là lý do mà các trạm thu phí vin vào để cho rằng họ không xả trạm là đúng dù phương tiện có thể xếp hàng dài nhiều cây số.
“Nếu xét theo đúng khái niệm thì rất khó để xử phạt các trạm BOT nhưng trên thực tế cần phải hiểu rằng, khi phương tiện bị dồn lại, thành hàng dài lên đến vài cây số, thì dù trong hàng dài đó, các phương tiện vẫn có thể nhích chậm từ tí một nhưng vẫn cần phải xả trạm để tránh ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn”, TS Thủy nói.
Theo ông Thủy, Bộ Giao thông cần đưa ra hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, có thể quy định cứ xuất hiện tình trạng phương tiện xếp hàng dài từ 1km trở lên trước trạm thu phí là phải xả trạm. Điều này khiến doanh nghiệp BOT không còn cớ bấu víu vào các khái niệm trong quy định để tránh xả trạm.