Liên minh châu Âu hiện không thể xác định rõ ràng liệu có đủ khí đốt cho các quốc gia trong khối này dùng trong mùa đông tới hay không. Trong khi ấy, nước Đức chuẩn bị bước vào thời kỳ đen tối…

Châu Âu chống chọi giá lạnh khi cắt giảm khí đốt Nga

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu – Josep Borrell đã cảnh báo về một “mùa đông đặc biệt” đối với châu Âu khi ông viết trên eeas.europa như sau:

“… mùa đông năm nay chúng ta phải đối mặt với những hứa hẹn rất đặc biệt. Thực sự có một điều không chắc chắn về việc liệu EU có đủ khí đốt (tức là khối lượng) và liệu giá cả có phải chăng hay không (tức là ở mức giá nào)…”.

Nhận định về tình hình giá khí đốt hiện tại, ông Borrell lưu ý rằng giá khí đốt ở các nước EU hôm nay cao gấp 4 lần so với cuối tháng Hai, và cao gấp 10 lần so với cùng thời điểm năm ngoái.

Việc EU cắt giảm nguồn khí đốt từ Nga đã đẩy nhiều quốc gia trong khối vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng. (Ảnh chụp màn hình)

Theo ông Borrell, “sự thật phũ phàng” là vào mùa đông năm nay, châu Âu sẽ đạt đến giới hạn lượng khí đốt mà EU có thể mua từ các nguồn không phải của Nga.

Ông nói: “Chúng tôi đã xoay sở để đối phó với việc giảm tổng tỷ trọng nhập khẩu khí đốt của Nga từ 40% vào đầu năm nay xuống còn khoảng 20% ​​hiện nay”.

Tuy nhiên cho dù đã thay thế khí đốt của Nga bằng cách mua thêm LNG từ Mỹ, khí đốt từ Na Uy, Algeria và Azerbaijan, nhưng Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu vẫn cảnh báo các quốc gia liên minh rằng, “phần lớn (chúng ta) sẽ phải  tiết kiệm năng lượng, tức là giảm nhu cầu”.

Vì vậy EU đã yêu cầu các thành viên trong khối cần phải “thắt lưng buộc bung”,  giảm tổng lượng tiêu thụ khí đốt xuống 15% , bất chấp gây thiệt hại cho các nền kinh tế của khối. 

Để giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, nhiều quốc gia châu Âu đã rơi vào tình thế khá khó khăn – lượng nhiên liệu dự trữ sẵn có nhiều khả năng không đủ để tồn tại trong mùa đông tới. Giá xăng cho người dân đang tăng, và các nhà chức trách đang yêu cầu người dân hết sức tiết kiệm.

Yêu cầu dân tắt đèn, ngắt nước nóng vẫn chưa đủ 

Trong khi yêu cầu người dân tiết kiệm dùng điện và xăng, cũng như phải trả phí cao hơn cho năng lượng, thì các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa thực sự tìm đủ nguồn cung để bù đắp cho sự thiếu hụt khí đốt.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng EU nên trung thực về thực tế nguồn cung khí đốt từ Nga, thay vì coi đó là vấn đề ý thức hệ.

Sau chuyến thăm Moskva để thảo luận việc mua thêm 700 triệu m3 khí đốt cho nước mình, Ngoại trưởng Peter Szijjarto tuyên bố: “Người ta đã chứng minh rằng việc mua khí đốt tự nhiên không phải vấn đề ý thức hệ, mà là vấn đề vật chất không thể giải quyết bằng cách nói chuyện”.

“Nói thẳng ra là những tháng gần đây, tôi đã nhận được tin từ các chính trị gia hàng đầu ở Tây Âu rằng họ đã thu xếp tất cả. Họ đã tìm thấy các nguồn thay thế, mua khí đốt từ nơi khác, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Vậy tại sao phải báo động?”, Ngoại trưởng Hungary đặt câu hỏi. 

Theo ông, mùa sưởi ấm sắp đến và các chính trị gia sẽ phải nói xem có khí đốt hay không. “Các chính trị gia không nên che giấu sự thật về nguồn cung cấp năng lượng”, ông nhấn mạnh.

Trong khi ấy, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt với thảm họa.

Đức bước vào thời kỳ đen tối

Tờ Bloomberg hôm ⅛ đưa tin rằng,  các nhà chức trách Đức chỉ còn hơn ba tháng để cứu đất nước khỏi thảm họa liên quan đến tình trạng thiếu khí đốt. Mặc dù thực tế là vẫn còn thời gian trước mùa đông, nhưng Đức đang gặp khó khăn nghiêm trọng buộc chính quyền phải đưa ra các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. 

Tờ này cho biết, hiện Phủ tổng thống ở Berlin không còn được thắp sáng vào ban đêm nữa, thành phố Hanover đang phải ngắt nước ấm trong vòi hoa sen ở các hồ bơi và phòng tập thể dục. 

Các thành phố trên khắp nước Đức thì đang bận rộn chuẩn bị các khu trú ẩn có trang bị máy sưởi để giữ an toàn cho người dân khỏi cái lạnh. Và đó chỉ là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng sẽ hoành hành khắp châu Âu.

Nước Đức đang phải quay trở lại sử dụng nhiên liệu than để bù đắp cho việc thiếu khí đốt, bất chấp chính sách Xanh mà nước này đang theo đuổi. (Ảnh chụp màn hình)

Dù bây giờ vẫn là thời điểm cao điểm của mùa hè, nhưng nước Đức còn rất ít thời gian để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt năng lượng vào mùa đông này, điều chưa từng xảy ra đối với một quốc gia phát triển hàng đầu châu Âu này. 

Phần lớn châu Âu đang cảm thấy căng thẳng từ sự siết chặt của Nga đối với việc cung cấp khí đốt tự nhiên, nhưng không quốc gia nào khác bị ảnh hưởng như nền kinh tế lớn nhất châu Âu như Đức, nơi gần một nửa số hộ dân sống dựa vào nguồn nhiên liệu để sưởi ấm.

Nga tuyên bố giảm nửa lượng khí đốt sang Đức từ ngày 27/7 do đường ống Nord Stream 1 gặp vấn đề kỹ thuật, khiến lượng khí đốt chỉ đạt hơn 20% lưu lượng đường ống. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga, đang đối mặt nguy cơ thiếu nguồn cung vào mùa đông.

Đức hồi tháng trước khởi động giai đoạn hai của kế hoạch ứng phó khẩn cấp ba giai đoạn, khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh. Nếu giai đoạn ba được kích hoạt, chính phủ sẽ phải thực hiện chính sách phân bổ khí đốt theo định mức, ưu tiên cho nhu cầu khẩn cấp, đóng cửa nhiều cơ sở sản xuất, có thể dẫn tới tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Có thể bạn quan tâm: