Số ca Covid-19 trung bình tuần qua là hơn 100.000 ca/ngày; Giá cả leo thang, gánh nặng dồn lên vai người nghèo là những tin nổi bật tuần qua trên MUC NEWS
- Một tiệm vàng ở An Giang bị nghi trốn thuế khi giao dịch hơn 10.000 tỷ đồng
- Phát hiện F0, cả lớp phải test nhanh, trường học than tốn kém
- Cháy nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine sau trận pháo kích
Tóm tắt nội dung
Hơn 100.000 ca Covid-19/ngày
Thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc mới Covid-19, bệnh nhân nặng đang gia tăng; Số ca mắc Covid-19 trung bình tuần qua là hơn 100.000 ca/ngày; Hơn 4.200 bệnh nhân nặng đang điều trị.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam vượt 4 triệu ca mắc Covid-19, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 41.093 ca nhiễm).
Người dân chật vật vì giá cả hàng hóa ‘leo thang’
Ngày 1/3, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 có mức giá 26.070 đồng (tăng 540 đồng); RON 95 là 26.830 đồng (tăng 550 đồng). Bên cạnh đó giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 19.970 đồng một lít, tăng 470 đồng. Dầu diesel là 21.310 đồng một lít, tăng 510 đồng. Dầu madut là 18.460 đồng một kg, tăng 530 đồng.
Ngoài ra, theo dữ liệu ghi nhận ngày 3/3 của báo Tuổi Trẻ, giá gas đang được sử dụng phổ biến trong các hộ dân đã vượt mức 500.000 đồng/bình 12kg và dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm 19.000 đồng/bình 12kg vào đầu tháng 4/2022.
Giá xăng, giá gas nhảy múa khiến, hàng loạt các mặt hàng đua nhau đội giá. Tại Hà Nội, trước đợt bùng dịch này, que test Covid-19 được bán dao động từ 60.000 tới 70.000 đồng một bộ. Từ một tuần nay, do nhu cầu tăng cao, giá que test được các hiệu thuốc tự động đẩy lên từ 80.000 đến hơn 100.000 đồng một bộ.
Không chỉ giá test Covid-19 tăng, nhiều bà nội trợ phải giật mình vì giá thực phẩm, rau củ tăng từ 30% đến 50% so với trước.
Trước tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, y tế gia tăng, các chuyên gia kinh tế đang lo ngại lạm phát leo thang.
Hà Nội mờ mịt khi chất lượng không khí ở nhóm kém nhất thế giới
Zing đăng tải, lúc 8h sáng ngày 3/3, kết quả quan trắc của PamAir cho thấy tất cả khu vực nội thành Hà Nội đang có chất lượng không khí xấu. Chỉ số AQI dao động 160-220 đơn vị, ngưỡng có hại cho sức khỏe con người.
Đáng lưu ý, một số khu vực ở quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Đống Đa và các huyện ngoại thành ghi nhận AQI trên 230 đơn vị, ngưỡng rất có hại cho sức khỏe. Điểm quan trắc tại Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng) được cảnh báo mức độ ô nhiễm cao nhất với 277 đơn vị.
Với AQI trung bình là 182 đơn vị, Hà Nội xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới ngày 3/3, theo đánh giá của trang IQ Air.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội nằm trong khu vực ô nhiễm không khí vượt ngưỡng nguy hại. Trước đó thủ đô liên tục đứng đầu thế giới về cảnh báo chỉ số ô nhiễm.
Hàng loạt lãnh đạo Học viện Quân y bị xem xét kỷ luật liên quan vụ Việt Á
Mới đây, Chính uỷ, Giám đốc cùng nhiều lãnh đạo Học viện Quân y bị xem xét kỷ luật do liên quan đến vụ kit test Covid-19 của Công ty Việt Á.
Các cá nhân gồm Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự… và nhiều cán bộ Học viện Quân y.
Trước đó liên quan đến vụ việc, công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và nhiều quan chức CDC tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Nghệ An…để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ kit xét nghiệm Covid-19.
Qua quá trình điều tra, một số bị can khai nhận với công an, đã chi “hoa hồng” cho các đơn vị mua kit của công ty này từ 500 triệu tới hơn 100 tỷ đồng.
Giao rừng để nghiên cứu phát triển rừng, nhưng 20 năm mất hơn 2.000 ha!
Tờ Lao Động đăng tải, ngày 28/2, Sở Tài nguyên Môi trường Đăk Nông công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng tại lâm phần do Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quản lý.
Kết luận thanh tra, năm 2003 đơn vị này được UBND tỉnh Đăk Lăk (cũ) giao 3.280 ha đất, rừng (thuộc xã Đăk P’lao, huyện Đăk Nông, tỉnh Đăk Lăk, nay là xã Đăk Som, huyện Đăk G’long, tỉnh Đăk Nông). Sau khi nhận đất, rừng, Viện đã quản lý thiếu trách nhiệm, buông lỏng bảo vệ, để mất tổng cộng hơn 2.000 ha (tính từ 2003 đến tháng 12/2020).
Hiện Sở Tài nguyên môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi hơn 2.100 ha đất lâm nghiệp và hơn 961 ha đất, rừng giao cho Viện quản lý. Tuy nhiên gần 20 năm, liệu có thu hồi lại được số diện tích rừng và đất rừng đã bị mất không hiện là câu hỏi còn bỏ ngỏ.