Nghệ sĩ cải lương Trang Thanh Xuân – giọng ca vang danh thập niên 70 cùng với những tên tuổi lớn như Minh Vương, Bạch Lê, Thanh Kim Huệ… hàng ngày đi bán vé số để mưu sinh, chữa bệnh.
- Thương Tín được tặng ôtô, lái xe về quê dưỡng bệnh
- MC Đại Nghĩa mua 45 tấn nông sản giúp nông dân Hải Dương
Trung tuần tháng 2/2021, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân xuất hiện trong một chương trình của Đài truyền hình Vĩnh Long qua một phóng sự về cuộc sống hiện tại của bà. Ít ai ngờ, giọng ca lừng lẫy một thời giờ lại sống một cuộc đời khó khăn đến vậy.
‘Có một lần tôi phải đi xin ăn!’
Ở tuổi 71, nữ nghệ sĩ giờ thuê một căn phòng trọ khoảng 6 mét vuông tại khu xóm nghèo quận 8, TP. HCM. Ở cùng bà là một em gái, cũng phận đơn chiếc. Trong căn phòng trọ, nơi bà nghỉ lưng là một chiếc giường tạm, kê lên từ những sọt nhựa đựng trái cây bỏ đi. Hàng này, nữ nghệ sĩ đi bán vé số dạo quanh khu vực chợ Rạch Ông.
‘Mỗi khi bán vé số mà nghe người ta ca vọng cổ là tôi rất khó chịu, rất đau lòng… Tôi nhớ nghề, nhớ bạn bè, nhớ sân khấu, nhớ Tổ nghiệp…’, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân bật khóc.
Rời xa sân khấu, sống đời đơn thân với nhiều chứng bệnh về già như hở van tim, thoái hóa khớp, giãn tĩnh mạch… nhưng nữ nghệ sĩ vẫn giữ tự trọng. Bà cố gắng một ngày nhận 50-60 tờ vé số mỗi ngày để bán. Nếu bán hết, thu nhập của nghệ sĩ Trang Thanh Xuân cũng chỉ được khoảng 50.000-70.000 đồng. Số tiền này bà vừa phải trang trải cuộc sống vừa mua thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, bà cố gắng không sống dựa vào người khác.
‘Nhưng có một lần tôi phải đi xin ăn! Tôi có cô bạn từng giúp đỡ tôi, bữa đó cô khó khăn quá, nên hỏi mượn tiền tôi, hứa đến tuần sau sẽ trả. Nhớ ơn cô giúp đỡ mình, nên tôi bán hết 50 tờ vé số, gom lại được tất cả 550.000 nghìn, tôi đưa cô mượn hết. Nhưng rồi chờ hoài chẳng thấy cô trả, tiền bạc tôi cũng không còn; lần đó tôi đành đi xin ăn một thời gian’, bà nghẹn ngào.
Nữ nghệ sĩ kể, bà nghỉ hát cải lương từ năm 1986 vì sức khỏe yếu. Từ đó, bà làm nhiều nghề để mưu sinh. Hồi đầu, bà đi bán bắp nhưng bưng không nổi, sau chuyển sang bán chè chuối chưng, nhưng ế quá nên bán vé số dạo.
‘Tôi bị tim nên mỗi lần hát, đánh trống ầm ầm là tôi bị mệt, hát không nổi. Bây giờ, tôi cũng có bà con, nhưng người ta cũng khó khăn nên mình không dám nhờ’, bà kể.
Ngã rẽ ở tuổi thanh xuân
Trong gia tài của nữ nghệ sĩ, đến nay bà còn giữ được cuốn album gồm các bức ảnh của bà thời son trẻ, hoặc các bài báo viết về bà. Trong đó, có các bức hình khi bà còn là giọng ca nổi tiếng, chỉ đứng sau các danh ca như Minh Vương, Bạch Lê, Thanh Kim Huệ. Nữ nghệ sĩ sinh năm 1952 thành danh với vai Bạch Thanh Nga trong vở ‘Máu nhuộm sân chùa’ khi hát chung với Minh Tâm, Vũ Linh.
Khi đó, ở tuổi 20, Thanh Xuân đã hát chính trên một số sân khấu. Ở thời đỉnh cao, báo chí đã từng dự đoán bà sẽ sớm thành một minh tinh. ‘Trước năm 1975, khi hát trong đoàn Việt Nam Minh Vương nhiều người biết tôi lắm. Một ngày có tới vài chục lá thư của khán giả gửi về xin ảnh’, nữ nghệ sĩ nhớ lại.
Khi còn nổi tiếng, tiền lương đi hát đều do thân mẫu quản lý; rồi tiền bạc và nhà cửa tiêu tán vì việc chữa bệnh. Lúc trẻ, nữ nghệ sĩ trải qua vài mối tình nhưng không tiến được đến hôn nhân. Cha mẹ mất, nhà cửa phải bán, bà cùng em gái Thanh Đào chọn lối sống độc thân, nương tựa vào nhau.
Sau năm 1975, cuộc sống của bà bước vào giai đoạn khó khăn. ‘Hồi mới giải phóng, các đoàn thành phố trả lương diễn viên như tôi rất thấp. Sống không đủ, tôi đi diễn tỉnh riết nên khán giả thành phố dần lãng quên’, bà kể.
Bám trụ với nghề được thêm vài năm, rồi sau đó bệnh tật hành hạ, nữ nghệ sĩ buộc phải rời sân khấu. Từ đó, cuộc mưu sinh của bà gắn với những tháng ngày mưa nắng lầm lũi trên những vỉa hè Sài Gòn.