Ngày 6/8, Google tuyên bố hãng đã xóa hơn 2.500 kênh YouTube có liên quan đến Bắc Kinh như một phần của nỗ lực loại bỏ thông tin sai lệch trên nền tảng chia sẻ video.
Google cho hay các kênh YouTube trên đã bị xóa trong giai đoạn giữa tháng 4 và tháng 6 năm nay, nằm “một phần trong cuộc điều tra đang diễn ra của chúng tôi về các hoạt động gây ảnh hưởng mang tính phối hợp có liên hệ với Trung Quốc”.
Nhìn chung, các kênh này đã đăng tải nội dung “spam, không liên quan đến chính trị”, nhưng cũng có một số lượng nhỏ động chạm đến vấn đề chính trị, công ty cho biết trong một bản tin hàng quý liên quan đến chiến dịch chống thông tin sai lệch của hãng.
Google đã không tiết lộ tên các kênh YouTube cụ thể bị xóa, mà chỉ đề cập rằng chúng có hoạt động tương tự như một chiến dịch đưa thông tin sai lệch lên Twitter được công ty phân tích mạng xã hội Graphika phát hiện hồi tháng 4/2020.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. Trước đây, Bắc Kinh từng bác bỏ các cáo buộc nói rằng nước này tham gia lan truyền các thông tin sai lệch.
Theo Reuters, các thông tin sai lệch có nguồn gốc từ nước ngoài đã trở thành mối lo ngại đối với các chính trị gia cũng như các công ty công nghệ Mỹ kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Khi các tin tặc có liên kết với chính phủ Nga đã tung ra hàng trăm thông tin gây nhầm lẫn lên hệ sinh thái mạng xã hội.
Trong 4 năm qua, nhằm tránh lặp lại những gì đã diễn ra vào năm 2016, các công ty như Google và Facebook đã thường xuyên cập nhật về cách thức họ đối phó với các thông tin sai lệch được tuyên truyền trên mạng.
Theo Reuters