Từ năm 2022-2025, Hà Nội sẽ cử gần 400 công chức, viên chức đi học tiến sĩ, thạc sĩ với kinh phí dự kiến là 61,6 tỷ đồng.

Tin từ VTC NEWS, UBND TP. Hà Nội vừa đưa ra Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng năm 2030.

Nhà chức trách thành phố xác nhận, các trường hợp thuộc diện đào tạo, bồi dưỡng là công chức, lãnh đạo, quản lý cấp phòng và quy hoạch chức danh tương đương cấp phòng; công chức chuyên môn nghiệp vụ thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; cán bộ công chức cấp xã; viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chỉ tiêu trong 4 năm, tổng số học viên được bồi dưỡng, đào tạo là 9.430 học viên. Riêng về đào tạo sau đại học, Hà Nội sẽ cử đi đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến với công chức, viên chức không quá 35 tuổi thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu là 30 người gồm 5 tiến sĩ, 25 thạc sĩ.

Thành phố cũng sẽ cử công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học ở trong nước thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu đào tạo 240 người.

Đề án này có tổng kinh phí thực hiện đến năm 2025 là hơn 272,3 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Riêng với đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỷ đồng, trong đó đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến 9,6 tỷ đồng, trong nước là 52 tỷ đồng.

Sau khi báo chí đăng tin đề án này gặp nhiều phản ứng trái chiều của dư luận, nhiều người thắc mắc tại sao nhà chức trách thành phố không để cán bộ công chức tự trả chi phí học cao học, vì chính sự thăng tiến của mình. Hoặc “ Thành phố, hãy tận dụng nguồn lực sẵn có, nếu thiếu mới bổ sung cho đào tạo, đừng lãng phí tiền của dân”.

Báo Lao Động đăng tin, trước đó, đề án 911 cũng được đầu tư 14.000 tỷ đồng để đào tạo 23.000 tiến sĩ, đề án này dừng nửa chừng. Đề án 322 “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”, dự định diễn ra trong 5 năm (2000 – 2005) nhưng sau đó kéo dài 10 năm với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Kết quả là số tiến sĩ tốt nghiệp chỉ chiếm 50% số gửi đi học. Hơn 30% số người về nước không trở lại cơ quan cũ làm việc.

Một số địa phương cũng có đề án cử cán bộ công chức đi đào tạo sau đại học, nhưng cũng gây nhiều kiện cáo, tranh cãi vì nhiều người đi không về.

Trên thực tế, người dân đã nghe quá nhiều về các đề án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với kinh phí khủng nhưng hiệu quả là vấn đề chưa được quan tâm.

Từ Khóa: