Quốc hội Hungary đã chính thức thông qua đề xuất của chính phủ về việc hiến đất công cho Trung Quốc xây trường đại học ở thủ đô Budapest.

Theo Reuters, quyết định này được thông qua hôm 15/6, bất chấp những lời chỉ trích của phe đối lập và các cuộc biểu tình phản đối của người dân.

Thủ đô Budapest thậm chí đã đổi tên 4 con đường quanh khu đất để phản đối kế hoạch hiến đất cho Trung Quốc. Cụ thể, 4 con đường được đổi tên theo các chủ đề mà Bắc Kinh coi là “nhạy cảm”, gồm: “Đường Hồng Kông tự do”; “Đường liệt sỹ Duy Ngô Nhĩ”; “Đường Đạt Lai Lạt Ma”; và “Đường Giám mục Tạ Sĩ Quang”.

Giới chức Trung Quốc đã rất tức giận về động thái đổi tên của chính quyền thủ đô Budapest. Nhưng hành động táo bạo của Budapest không ngăn được các chính trị gia Hungary dâng đất cho Trung Quốc.

Bị dân phản đối, giới lãnh đạo Hungary vẫn hiến đất cho Trung Quốc

Theo Reuters, những người phản đối Thủ tướng Viktor Orban đã chỉ rõ những lo ngại về kế hoạch xây trường đại học Phúc Đán của Trung Quốc. Các nhà quan sát cho rằng sự thâm nhập của đại học Trung Quốc vào Hungary sẽ khiến chất lượng giáo dục đại học tại quốc gia này bị suy giảm. Hơn nữa, dự án trị giá 2 tỷ USD xây trường đại học có thể giúp Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng ở Hungary và phần còn lại của châu Âu.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra quanh thủ đô Budapest để phản đối kế hoạch dâng đất cho Trung Quốc. Khu đất này ban đầu được quy hoạch để xây dựng một khu nhà ở cho sinh viên. Người dân rất bức xúc vì dự án dành cho sinh viên địa phương bị gạt bỏ để nhường chỗ cho đại học của Trung Quốc.

Thị trưởng Budapest, ông Gergely Karacsony tuyên bố trên Facebook: “Người dân Budapest đã lên tiếng về kế hoạch của chính phủ: 96% (người dân) không muốn có một trường đại học của Đảng Cộng sản Trung Quốc thay cho (dự án xây dựng khu nhà sinh viên)”.

Lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hungary

Chính quyền Trung Quốc thu hút nhiều chỉ trích về các dự án đầu tư “bẫy nợ” trên thế giới. Một số quốc gia đã buộc phải gán đất cho Trung Quốc do lún sâu vào các khoản nợ nần với Bắc Kinh. Hiện tượng “hiến đất” của Hungary là một động thái hiếm có ở châu Âu. Điều này làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh tại quốc gia Trung Âu.

Với dân số khoảng 10 triệu người, Hungary lệ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài để tăng trưởng kinh tế. Chính quyền Thủ tướng Viktor Orban cho rằng dự án xây trường đại học của Trung Quốc có thể giúp Hungary thu hút các khoản đầu tư mới đến quốc gia này.

Thủ tướng Orban bị cáo buộc là có quan hệ thân thiện với Trung Quốc, Nga và các chính phủ phi tự do khác, theo Reuters. Ông Orban cũng khiến các đồng minh châu Âu tức giận với việc kiềm chế quyền độc lập của cơ quan tư pháp và truyền thông.