Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể khiến Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác có nguy cơ rơi vào tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh một cách bất hợp lý, theo nhà nghiên cứu Anders Corr.
Trong bài bình luận trên The Epoch Times ngày 10/11, ông Corr cho rằng Hiệp định RCEP sẽ ràng buộc các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Philippines “ngày càng gần hơn với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) đang thúc đẩy nhằm khiến các nước phê chuẩn RCEP.
15 quốc gia đã ký hiệp định vào năm 2020. Mười quốc gia, bao gồm các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ là Nhật Bản, Úc và New Zealand, đã phê chuẩn hiệp định trong tháng 11/2021.
Trung Quốc, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng đã phê chuẩn hiệp định này.
Hàn Quốc và Philippines là hai đồng minh thân cận khác của Mỹ đã ký hiệp định RCEP, mặc dù họ chưa phê chuẩn.
Trung Quốc quảng cáo RCEP sẽ mang lại hàng chục tỉ đô nguồn lợi cho mỗi nước. Tuy nhiên, một số nhà phân tích trong đó có ông Anders Corr đã chỉ ra những rủi ro trong hiệp định mà Trung Quốc đề xuất.
Tóm tắt nội dung
Rủi ro từ Hiệp định RCEP
Khi RCEP có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1, Bắc Kinh có kế hoạch nhanh chóng giảm thuế quan và sẽ yêu cầu các nước RCEP khác cũng làm như vậy. Nhưng, ông Corr lưu ý rằng Bắc Kinh đã nhiều lần hứa mà không làm.
“Đừng mong đợi đức tin tốt hoàn toàn từ phía ĐCSTQ. Nó rất giỏi trong việc đưa ra những lời hứa và sau đó đổi mới cách thức để trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ của mình”, ông Corr viết.
Ông đề cập một số ví dụ; như việc Trung Quốc tước bỏ quyền tự chủ của Hồng Kông dù đã hứa với Anh Quốc là cho phép thành phố này theo chế độ tư bản chủ nghĩa ít nhất cho đến năm 2047.
Ông cũng đề cập đến việc Trung Quốc đang cố gắng “chiếm toàn bộ Biển Đông, bất chấp lời hứa của họ trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) là tôn trọng các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác”.
“Điều này cho thấy một rủi ro lớn khác đối với các nước tham gia RCEP: Bắc Kinh có thể sử dụng các hàng rào phi thuế quan để bảo hộ các ngành công nghiệp của Trung Quốc, trong khi cảm thấy có quyền đòi hỏi những thay đổi đối với luật pháp địa phương ở nước ngoài để bôi trơn các mặt hàng xuất khẩu của mình”.
Nhà nghiên cứu Corr nhấn mạnh: “Với RCEP, Bắc Kinh đã đưa được một chân vào trước cửa nhà bạn.”
Ông cũng cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc “có lịch sử diễn giải lung tung về luật pháp và chuẩn mực quốc tế để phù hợp với chương trình nghị sự về quyền lực ngày càng cao của ĐCSTQ”.
Vì vậy, Bắc Kinh có thể sẽ có gắng diễn giải các quy định của RCEP nhằm “chuyển hội nhập kinh tế của các nước RCEP thành hội nhập chính trị — trong đó ĐCSTQ dẫn đầu”.
“Bắc Kinh hoàn toàn có thể vượt ra ngoài lãnh thổ của Trung Quốc; khi sức mạnh kinh tế và quân sự của họ tăng lên thông qua việc thâm nhập vào các khối thương mại ngày càng rộng lớn”.
Ông Corr cho biết: “Cuối cùng, Bắc Kinh có thể sử dụng RCEP như một cái cớ để áp đặt quy tắc của mình đối với tất cả các quốc gia khờ khạo tham gia”.
“ĐCSTQ sẽ thực hiện theo vở kịch của mình trong việc chiếm đoạt Biển Đông bằng cách lấy cớ là đường chín đoạn, vốn là một nét vẽ nguệch ngoạc có niên đại từ bản phác thảo của một nhà địa lý ít tên tuổi vào những năm 1930. Giờ đây, ĐCSTQ biện minh cho việc chiếm một vùng lãnh thổ trên biển có kích thước bằng Ấn Độ”.
Hiệp định RCEP chỉ có lợi cho Trung Quốc
Ông Corr cho biết: “ĐCSTQ cũng coi RCEP là một phương tiện chuyển giao công nghệ.”
Bắc Kinh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mình thông qua việc tự gọi mình là quốc gia đang phát triển hoặc có thu nhập trung bình và yêu cầu được đối xử đặc biệt, chẳng hạn như tại Tổ chức Thương mại Thế giới, Ngân hàng Thế giới và trong các cuộc đàm phán về khí hậu với các nước phát triển.
ĐCSTQ yêu cầu, các nước giàu có nên chuyển giao các công nghệ cho các nước, trong đó “Bắc Kinh tự coi mình là người đi đầu và hưởng lợi nhiều nhất”, theo ông Corr.
RCEP rõ ràng có một yếu tố chính trị đối với Bắc Kinh. Đây không chỉ là về thương mại.
Phần kết luận
Trong phần kết luận, ông Corr cho rằng việc tham gia Hiệp định RCEP sẽ khiến các nước “tự gây tổn hại cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ của mình, và với cái giá không chỉ là sự độc lập về kinh tế mà ngày càng mất đi độc lập về chính trị”.
“Các quốc gia RCEP càng tiến gần đến Bắc Kinh, các mối quan hệ kinh tế của họ sẽ bị lợi dụng để ngày càng tác động đến chính phủ của các nước này”, theo ông Corr.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân, thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người sáng lập Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị. Ông từng thực hiện các nghiên cứu sâu rộng về Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Ông là tác giả của các cuốn sách “Tập trung quyền lực” (sắp ra mắt vào năm 2021), “Không xâm phạm”; và là người biên tập cuốn “Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn”.