Một nhà nghiên cứu Việt Nam nhận định căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh vấn đề Đài Loan có thể đặt ra những khó khăn lớn đối với các nước Đông Nam Á.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng trong khu vực, khiến các chính phủ Đông Nam Á lâm vào tình thế khó khăn”, theo ông Huỳnh Tâm Sang, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, nghiên cứu viên tại Quỹ NextGen Đài Loan và thành viên WSD-Handa không thường trú tại Diễn đàn Thái Bình Dương.

Trong bài bình luận bằng tiếng Anh đăng trên The Diplomat ngày 11/8, tác giả cho rằng chuyến thăm Đài Loan gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vào đầu tháng này đã “làm hồi sinh căng thẳng ở eo biển Đài Loan, làm leo thang mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ”.

Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật xung quanh Đài Loan. Nhiều quốc gia lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế.

Theo ông Sang, sự “lên án rộng rãi” từ cộng đồng quốc tế “về mặt lý thuyết có thể khuyến khích các quốc gia thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan”.

“Tuy nhiên, để kịch bản này có thể xảy ra, ASEAN sẽ cần một quyết tâm mạnh mẽ và viễn cảnh dài hạn mà hiện tại vẫn chưa rõ ràng”, ông Sang cho biết.

Trong tuyên bố của ASEAN gần đây, Hiệp hội này đã không đề cập đến Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ. Thay vì lên tiếng ủng hộ hoặc chỉ trích các bên liên quan, ASEAN bày tỏ quan ngại của mình “với sự biến động quốc tế và khu vực”, kêu gọi ” kiềm chế tối đa”, và bày tỏ thiện chí “tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại hòa bình giữa tất cả các bên”.

Ông Sang cho biết: “Lập trường chính thức của ASEAN phản ánh mong muốn của khối này là duy trì một thế trận cân bằng trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời tìm cách duy trì vị thế và trung tâm của mình bằng cách đề nghị đóng một vai trò hỗ trợ”.

“Nhưng khả năng duy trì sự cân bằng này của ASEAN sẽ tiếp tục bị thử thách. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 ở Phnom Penh vào tuần trước, các đại diện từ Trung Quốc và Mỹ đã tham gia vào một trò ăn miếng trả miếng trong chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi”.

Ông Sang cho biết Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lên án các phản ứng của Trung Quốc là “một sự leo thang đáng kể”, và nói rằng Trung Quốc “không nên sử dụng chuyến thăm như một cái cớ cho chiến tranh, leo thang, và các hành động khiêu khích”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc Mỹ dùng “những thủ đoạn bẩn thỉu để xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc dưới chiêu bài dân chủ”.

Theo ông Sang, tình trạng hỗn loạn sau chuyến thăm của bà Pelosi không chỉ “gây căng thẳng hơn nữa cho quan hệ Mỹ-Trung và cam kết của Mỹ đối với Chính sách Một Trung Quốc, mà còn làm giảm an ninh và ổn định của khu vực rộng lớn hơn, bao gồm cả Biển Đông“.

Ông cho rằng các quốc gia ASEAn có tranh chấp hàng hải với Trung Quốc “nên rút ra bài học từ tình hình của Đài Loan”.

“Nhưng sự phân cực tiếp tục giữa Đài Loan và Trung Quốc có thể khiến các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á chọn cách xa lánh Đài Loan để tránh bị Trung Quốc trả đũa kinh tế. Do đó, căng thẳng Trung-Đài leo thang tạo ra một tình hình phức tạp cho các nước ASEAN, trong đó lựa chọn kinh tế an toàn có thể là đứng về phía Trung Quốc”, theo ông Sang.

Khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan càng trở nên bất ổn, thì các quốc gia Đông Nam Á sẽ ít có khả năng sẵn sàng ủng hộ nền dân chủ Đài Loan, vì điều đó có nguy cơ làm tổn hại mối quan hệ của họ với Trung Quốc.

Các quốc gia trong khu vực đang đồng thời đối phó với các thách thức chủ yếu; trong đó có sự cạnh tranh Mỹ – Trung, tranh chấp Biển Đông, trong khi các nước đã mệt mỏi vì dịch bệnh Covid-19.

Ông Sang cho rằng, các nước ASEAn cần “tăng cường đoàn kết và thống nhất nội bộ, tập trung vào phục hồi kinh tế sau đại dịch, tăng cường gắn kết giữa các nền kinh tế ASEAN nhằm giảm thiểu các thách thức bên ngoài, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài ngày càng quan trọng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và EU”.