Gần 2 năm qua, ít nhất 860 nhân viên y tế, bác sĩ Hà Nội xin nghỉ việc và xin chuyển công tác, ngành y tế thành phố đang đứng trước tình trạng thiếu hụt nhân lực.
- Vợ chồng nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
- Hà Nội: Số trẻ mắc tay chân miệng tăng gấp 4 lần; 3 dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng
- Công an điều tra nguyên nhân tử vong của tài xế bỏ xe Santa Fe trên cầu Thăng Long
Thông tin từ báo VTC NEWS, UBND TP. Hà Nội vừa có báo cáo kết quả thực hiện kết luận của chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND TP.
Theo báo cáo sơ bộ của các đơn vị trong ngành Y tế Thủ đô, năm 2021, toàn ngành có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác; từ tháng 1 đến 30/4/2022, có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác.
Tổng cộng, từ đầu năm 2021 đến ngày 30/4 năm nay, Thủ đô có 860 cán bộ y tế nghỉ việc, chuyển công tác.
Lý giải cho việc hàng trăm nhân viên y tế nghỉ việc, theo UBND TP Hà Nội hiện số lượng nhân viên y tế của Hà Nội còn thiếu. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế so với các doanh nghiệp, các đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành. Do đó, nhiều nhân viên y tế Hà Nội đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác về những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.
Chia sẻ trên VnExpress, chị Hoa, từng là trạm trưởng y tế phường tại quận Đống Đa cũng cho biết, vì khối lượng công việc quá lớn chịu nhiều áp lực nhất là thời điểm dịch bệnh trong khi đó thu nhập không đủ sống, nên chị viết đơn xin nghỉ việc hồi cuối tháng 3.
Trong khi đó, theo Giám đốc một bệnh viện lớn ở Hà Nội, thời gian qua, có nhiều cán bộ nhân viên y tế của viện đã xin nghỉ việc, nhất là sau dịch bệnh. Cơ chế hiện nay rất khó để thực hiện việc mua sắm thiết bị y tế cũng như thuốc thang. Hiện các bệnh viện “có người làm mà thiếu cơ chế, thiếu thiết bị, thuốc thang để phục vụ nhân dân” – vị lãnh đạo này bày tỏ.
Trước thực trạng y bác sĩ nghỉ việc hoặc chuyển công tác, nhà chức trách thành phố đánh giá trường hợp dịch bệnh tái bùng phát hoặc xuất hiện chủng Covid-19 mới có khả năng lây lan, nguy hiểm thì thảm họa xảy ra rất khó lường. Nếu không có chế độ hỗ trợ nhân viên y tế kịp thời, sẽ không bảo đảm nhân lực để phòng chống dịch.
Trước đó, hồi tháng ba, khi Hà Nội bước vào đỉnh dịch Covid-19, nhiều F0 đã phải tự xoay sở điều trị tại nhà khi không liên hệ được nhân viên y tế. Trong khi đó, y bác sĩ cơ sở cho rằng họ phải gánh khối lượng công việc khổng lồ. Đặc biệt, một số phường xã ở quận Hoàng Mai, Đống Đa, tỷ lệ 5-10 cán bộ y tế trên 30.000 dân, nhiều nhân viên mắc Covid-19 vẫn phải làm việc.
Tình trạng nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công cũng diễn ra đột biến tại TP. HCM, qua thống kê, chỉ trong quý I năm nay, 400 người nghỉ việc – bằng tổng số người nghỉ việc trung bình mỗi năm – trước khi đại dịch xuất hiện. Riêng năm 2021, ngành y tế thành phố ghi nhận khủng hoảng lực lượng lao động với số người nghỉ việc là 1.154.