Có câu “Kẻ tám lạng, người nửa cân”, vì chiếc cân của người xưa là 16 lạng. Chiếc cân 16 lạng không chỉ dùng để cân đo đong đếm, mà còn là một lời cảnh tỉnh cho các thương nhân không được cân gian bán lận cho khách hàng; bằng không họ sẽ tự làm hại chính mình.
Tại sao người xưa quy định chiếc cân 16 lạng?
Từ cổ xưa, chiếc cân người ta sử dụng quy định một cân là 16 lạng. Cho nên dân gian mới có câu “kẻ tám lạng người nửa cân” để chỉ 2 người ngang sức, ngang tài nhau. Vậy vì sao người xưa lại định ra một cân là 16 lạng? Phải chăng là do họ có hàm ý gì ẩn chứa bên trong?
Thực ra, việc này chứa đựng trong đó trí tuệ rất uyên thâm. Dân gian truyền tụng rằng người xưa quan sát thấy Bắc Đẩu có bảy vì sao; Nam Đẩu có sáu vì sao, hơn nữa bên cạnh là ba ngôi sao Phúc, Lộc, Thọ, vừa đúng là 16 ngôi sao. Bắc Đẩu thất tinh quyết định ngày chết của con người. Nam Đẩu lục tinh quyết định ngày sinh của con người. Ba ngôi sao Phúc, Lộc, Thọ phân nhau chủ phúc, lộc, thọ của một đời người. Đó cũng là tương đương với câu nói “Người đang làm, Thần đang nhìn”.
Truyền thuyết rằng, kẻ buôn bán nếu cân đong đồ cho khách hàng mà thiếu lạng thì phải chịu trừng phạt rất nặng. Bán đồ đưa thiếu khách hàng 1 lạng, sao Phúc liền giảm bớt phúc của người này. Đưa thiếu 2 lạng, sao Lộc liền giảm lộc của người này. Nếu đưa thiếu 3 lạng, sao Thọ liền cho người này giảm thọ.
Chuyện cổ chuộc lỗi cho cha
Chuyện kể rằng, một người bán tạp hóa ở Dương Châu thời nhà Minh có một cậu con trai và 2 đứa cháu nội. Gia đình có thể gọi là sung túc khá giả. Ngày sắp mất nằm trên giường bệnh, ông chủ cửa hàng lấy ra một cái cân cho người con trai xem và nói: “Đây nguyên là bí mật thành công của ta. Ta đã đặt thủy ngân vào tay đo ở đòn cân để cân điêu cho khách hàng. Nhờ đó mà chúng ta trở nên giàu có. Con hãy giữ gìn chiếc cân này để mang lại tiền bạc cho con cháu”.
Người con trai ứng xử như thế nào với hành động của cha mình?
Người con trai nghe xong thực sự bàng hoàng. Dù có nằm mơ, anh cũng chưa bao giờ dám nghĩ cha mình sẽ bỏ đi lòng trung thực để đổi lấy giàu sang như vậy. Anh đã đập bỏ chiếc cân ngay lập tức sau khi cha mất.
Để có thể chuộc lại tội lỗi của cha mình; anh cố gắng hết sức giúp đỡ mọi người và chú tâm làm việc thiện. Chưa đầy 3 năm sau, phân nửa tài sản của gia đình anh đã được cho đi; nhưng anh chưa bao giờ thấy buồn lòng về điều đó.
Tuy nhiên cuộc đời thật trớ trêu; hai đứa con trai của anh đều lần lượt ra đi khi tuổi đời vẫn còn rất nhỏ. Chuyện này khiến anh suy sụp. Không thể tìm ra nguyên cớ cho nỗi bất hạnh đau khổ của mình, anh đổ lỗi cho ông trời và cảm thấy thật quá bất công, lòng tốt của mình như vậy sao không được đền đáp?
Người con gặp Diêm Vương báo mộng
Một hôm nọ, anh ta nằm mơ thấy gặp Diêm Vương ở nơi địa phủ; và được Ngài giải thích về tình cảnh của gia đình mình. Diêm Vương phán “Cha ngươi giàu có là nhờ phúc đức ông ta được hưởng từ ở kiếp trước. Tiền tài của con người ta vốn đã có sẵn định trước. Cái cân gian dối không hề giúp cha ngươi giàu có. Trong cuộc đời ông ta vì đã lừa lọc và lấy tiền của khách hàng bằng cách thức gian dối; nên cha ngươi đã mang tội. Và giờ đây, ông ta đang phải đền tội ở chốn âm phủ này.
Những tội lỗi của ông ta cũng đã ảnh hưởng đến ngươi. Thiên giới ban cho ngươi 2 đứa con trai rồi bắt chúng đi sớm là để ngươi phải trả tội. Ngươi sẽ kiếm được vài đồng bạc, rồi có lẽ ngươi cũng nhanh chóng hết thọ mệnh thôi.
Cha ngươi cho rằng ông ta có thể đảm bảo một cuộc sống tốt cho con cháu; bằng cách kiếm tiền thật nhiều và để lại tất cả của cải cho chúng. Nhưng ông ta không hề biết rằng vì tội lỗi của mình mà con mình sẽ phải chết sớm; các cháu cũng rồi cũng sẽ phung phí, phá hoại gia sản mà thôi. Cái gì không phải của mình thì không thể giữ được.”
Đường đời người con trai được an bài lại
Diêm Vương nói tiếp “Tuy vậy, ngươi lại có một trái tim nhân hậu đã tích cực hành thiện; giúp người để chuộc lại lỗi lầm của cha. Ta ở đây theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế lấy lại 2 đứa con trai bất kính của ngươi. Bù lại, ngươi sẽ sớm có thêm một người con trai hiếu thảo làm rạng danh gia tộc. Thọ mệnh của ngươi cũng được kéo dài thêm. Hãy tiếp tục hành thiện và đừng đổ lỗi cho ông Trời vì không công bằng với ngươi”.
Câu chuyện về chiếc cân 16,5 lạng
Trong những năm đầu thế kỷ 20 ở Trung Quốc, có hai cửa hàng gạo ở gần nhau là Vĩnh Xương và Phượng Vũ. Ông chủ của cửa hàng Vĩnh Xương quyết định lợi dụng tình hình nội chiến hỗn loạn thời điểm đó để trục lợi.
Sửa chiếc cân nhằm trục lợi của ông chủ Vĩnh Xương
Ông ta mời một người chuyên làm cân đến chỗ mình và bàn chuyện riêng với người đó: “Anh hãy làm cho tôi một chiếc cân 15 lạng rưỡi; thay vì 16 lạng như bình thường. Tôi sẽ trả thêm tiền theo đề nghị của anh”.
Tình cờ cô con dâu mới của ông đã nghe lỏm được câu chuyện. Cô ngẫm nghĩ một lúc rồi sau khi cha chồng rời khỏi, cô bèn đến nói lại với người làm cân: “Bố chồng tôi già yếu rồi. Ông ấy có chút nhầm lẫn đó. Anh hãy làm một chiếc cân 16,5 lạng thay vì 16 lạng như bình thường. Tôi sẽ trả cho anh gấp đôi số tiền ông ấy đã hứa trả anh. Nhưng anh phải giữ bí mật với bố chồng tôi”.
Chiếc cân 16,5 lạng chẳng mấy chốc đã được làm xong. Người làm cân đã giữ lời hứa với cô con dâu không nói với ông chủ tiệm sự thật về chiếc cân. Ông chủ tiệm tin tưởng vào kỹ năng của người làm cân; và lập tức sử dụng chiếc cân ngay trong ngày hôm ấy.
Cửa hàng Vĩnh Xương trở nên thịnh vượng
Một thời gian sau, việc kinh doanh của Vĩnh Xương bắt đầu trở nên thịnh vượng. Ngay cả những khách quen của cửa hàng gạo bên cạnh cũng dần chuyển sang mua gạo ở Vĩnh Xương. Thời gian trôi đi, cả những người sống ở xa cũng ghé đến Vĩnh Xương để mua gạo. Cho đến cuối năm đó, Vĩnh Xương đã thu được bộn tiền và thâu tóm các mối hàng. Cuối cùng, cửa hàng bên cạnh đành nhượng lại cửa hàng của mình cho Vĩnh Xương.
Vào ngày tất niên của năm âm lịch, cũng là khoảng thời gian dành cho bữa tối đoàn viên gia đình. Ông chủ tiệm gạo Vĩnh Xương rất hứng khởi và đặt ra cho mọi người một câu hỏi: “Theo mọi người bí quyết thành công của gia đình chúng ta là gì nào?”. Ai nấy bắt đầu xôn xao tranh luận. Không ai dám chắc điều mình đoán cả.
Chủ tiệm gạo cười nói: “Bí quyết kiếm tiền chính là ở chiếc cân của chúng ta. Thực ra cái cân đó chỉ có 15 lạng rưỡi. Cứ mỗi cân gạo bán ra, ta lại có được nửa lạng. Và gia đình chúng ta đã trở nên giàu có nhờ vậy đấy”. Ông ta cũng nhân chuyện kể với gia đình chuyện mình đã mua chuộc người làm cân như thế nào.
Phản ứng của ông chủ Vĩnh Xương với người con dâu
Đúng vào lúc đó, cô con dâu mới từ từ đứng lên và nói: “Có điều này con muốn thưa với cha. Nhưng xin cha hãy hứa sẽ tha thứ cho con”. Ông chủ tiệm đồng ý, thế rồi cô con dâu bắt đầu kể về việc chiếc cân thực ra đã được người thợ làm ra với trọng lượng 16,5 lạng như thế nào.
“Thưa cha, cha đã đúng. Sự thịnh vượng của chúng ta đúng là nhờ chiếc cân này. Nhưng thực ra cân của nhà ta; mỗi cân không phải là 16 lạng mà là 16,5 lạng. Mỗi cân gạo chúng ta kiếm được ít tiền lời hơn; nhưng số lượng bán ra tăng lên đã khiến lợi nhuận thu về nhiều hơn. Chính sự hào phóng đã mang lại cho chúng ta cuộc sống sung túc này”.
Chủ tiệm gạo lặng người, ông ta không thể tin nổi lời cô con dâu; nhưng đến khi lẳng lặng đem chiếc cân đi kiểm tra, ông kinh ngạc khi thấy mỗi cân thực sự là 16,5 lạng. Vị chủ tiệm chết lặng. Ông ta không nói không rằng, trở về nhà và cứ thế đi thẳng vào phòng riêng.
Vào ngày hôm sau cũng là ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Ông chủ tiệm tập hợp tất cả các thành viên trong gia đình lại và nói “Ta già rồi. Sau khi suy nghĩ, ta quyết định giao việc kinh doanh lại cho con dâu mới; từ giờ trở đi nó sẽ phụ trách cửa hàng này thay ta”.
Lời kết
Người xưa thường dựa vào quy luật tự nhiên để tìm ra phương thức đúng đắn nhất cho từng sự việc. Văn hóa truyền thống răn dạy con người sống tốt đồng thời hàm chứa quy luật nhân quả bên trong. Chiếc cân 16 lạng là bài học thâm sâu cổ nhân để lại cho thế hệ chúng ta.
Xem thêm: