Hôm 15/11, ông Biden và ông Tập gặp nhau ở San Francisco; một ngày sau, chính phủ ông Biden đã bãi bỏ lệnh trừng phạt đối với viện pháp y của lực lượng công an Trung Quốc.

Một nhóm thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa kêu gọi chính phủ Tổng thống Biden áp dụng lại các lệnh trừng phạt kinh tế đối với một tổ chức của nhà cầm quyền Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, đồng thời nói rằng Mỹ không nên “khẩn nài hay thương lượng” với địch thủ của mình.

Bức thư do Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) dẫn đầu này kêu gọi Bộ Thương mại khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Viện Khoa học Pháp y Trung Quốc, vốn đã được đưa ra khỏi danh sách đen theo thỏa thuận của Hoa Kỳ với nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc để [đổi lấy sự hợp tác của nước này] trong hoạt động chống lại cuộc khủng hoảng fentanyl.

Bà Blackburn và ba đồng sự khác của Đảng Cộng Hòa kêu gọi hành động cứng rắn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mà họ cho rằng đảng này phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng fentanyl khiến hàng chục ngàn người Mỹ thiệt mạng mỗi năm.

“Quyết định sai lầm nghiêm trọng nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với ĐCSTQ này — trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng nhồi sọ con em chúng ta qua mạng xã hội và đầu độc người Mỹ bằng fentanyl — sẽ chỉ khiến Chủ tịch Tập trở nên táo bạo hơn,” các nhà lập pháp viết trong bức thư công bố hôm 04/12, đề cập đến lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình

“Nếu địch thủ của Mỹ đầu độc và sát hại công dân Hoa Kỳ, thì chúng ta không cần phải khẩn nài hay thương lượng.”

Bộ Thương mại và Tòa Bạch Ốc đã không phúc đáp đề nghị bình luận của The Epoch Times vào thời điểm phát hành bản tin này.

‘Tội ác tày trời’

Nhiều năm qua, chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang không ngừng tìm cách ngăn chặn dòng fentanyl xâm nhập vào nước này, vốn là tác nhân chính mà Bộ Ngoại giao cho biết đã trở thành sát thủ ghê gớm nhất đối với người Mỹ từ 18 đến 49 tuổi.

Theo các quan chức Hoa Kỳ, điểm khởi nguồn của chuỗi cung ứng fentanyl toàn cầu thường bắt đầu từ các nhà sản xuất hóa chất ở Trung Quốc. Các băng đảng ma túy ở Mexico mua nguyên liệu thô, được gọi là tiền chất, từ Trung Quốc và tổng hợp các loại hóa chất này thành dạng viên trước khi đưa vào và bán trên lãnh thổ Hoa Kỳ.Ad

Chính phủ ông Biden xem fentanyl, cùng nhiều thứ khác, là một lĩnh vực tiềm năng để hợp tác với nhà cầm quyền Trung Quốc, bất chấp căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai nước.

Trong thư, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa cho rằng Bắc Kinh không có ý định kiềm chế dòng lưu thông fentanyl [tại Hoa Kỳ].

Các nhà lập pháp viết: “ĐCSTQ là một trong những chế độ hà hiếp nhất trên thế giới.” Nếu họ muốn hạn chế việc sản xuất tiền chất fentanyl ở đất nước của họ, thì họ đã hành động rồi.”

Hôm 15/11, Tổng thống Joe Biden và ông Tập gặp nhau ở San Francisco. Một trong những thỏa thuận đạt được tại hội nghị là Bắc Kinh đã đồng ý về nguyên tắc hạn chế vận chuyển hóa chất dùng để sản xuất fentanyl. Hôm 16/11, chính phủ ông Biden đã bãi bỏ lệnh trừng phạt đối với viện pháp y của lực lượng công an Trung Quốc.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa cho biết họ đồng ý rằng việc yêu cầu ĐCSTQ trấn áp hoạt động xuất cảng fentanyl là “điều tối quan trọng và đã bị trễ nải quá lâu,” nhưng họ chỉ trích hành động của chính phủ ông Biden nhằm dỡ bỏ các hình phạt kinh tế đối với tổ chức này trước khi Bắc Kinh thực hiện bất kỳ hành động nào.

Viện Khoa học Pháp y thuộc Bộ Công an Trung Quốc đã được thêm vào danh sách đen (Entity List) của Bộ Thương mại vào năm 2020 vì sự đồng lõa của viện này trong các hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị viễn tây Tân Cương.

Các nhà lập pháp viết: “ĐCSTQ — và Viện Khoa học Pháp y — biến người Duy Ngô Nhĩ trở thành nạn nhân của tội ác tày trời.” Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi Giáo khác đã và đang bị giam giữ ở Tân Cương, nơi họ bị cưỡng bức triệt sản, tra tấn, cưỡng bức lao động, và các phương thức đàn áp khác. Hoa Kỳ, cũng như một số nước phương Tây khác, đã xác nhận các hành động nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ của nhà cầm quyền nước này ngang với “tội diệt chủng.”

Các thượng nghị sĩ lưu ý rằng điều quan trọng là Hoa Kỳ phải tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền, đồng thời kêu gọi chính phủ “đưa ra lập trường mạnh mẽ chống lại chế độ diệt chủng của ĐCSTQ.”

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa cho rằng chính sách biên giới của Tổng thống Biden cũng đóng một vai trò nào đó trong cuộc khủng hoảng fentanyl ở Mỹ. Họ kêu gọi chính phủ “tuyển dụng thêm nhân viên tuần tra biên giới, hoàn thành nốt bức tường biên giới, và trừng phạt các băng nhóm tội phạm Mexico hợp tác với người Trung Quốc dùng fentanyl để đầu độc người Mỹ.”

Bức thư này có chữ ký của các Thượng nghị sĩ Katie Britt (Cộng Hòa-Alabama), Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee), và JD Vance (Cộng Hòa-Ohio).

Ảnh chụp hình em Alexander Neville, 14 tuổi, đã qua đời sau khi vô tình uống phải fentanyl. Bức ảnh được trưng bày tại cuộc họp báo với các quan chức Quận Cam ở Irvine, California, hôm 28/04/2023. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)
Ảnh chụp hình em Alexander Neville, 14 tuổi, đã qua đời sau khi vô tình uống phải fentanyl. Bức ảnh được trưng bày tại cuộc họp báo với các quan chức Quận Cam ở Irvine, California, hôm 28/04/2023. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)

Cuộc khủng hoảng fentanyl

Bức thư được đưa ra khi fentanyl, một loại opiod tổng hợp có thể mạnh hơn morphin tới 100 lần, đang gây ra cuộc khủng hoảng ma túy tang thương nhất mà Mỹ quốc từng chứng kiến.

Theo một báo cáo tháng Năm từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2016 đến năm 2021, số ca tử vong do dùng thuốc quá liều liên quan đến chất có khả năng gây nghiện cao fentanyl đã tăng hơn gấp ba lần. Tỷ lệ tử vong liên quan đến fentanyl đã tăng từ 5.7/100,000 người vào năm 2016 lên 21.6/100,000 trong năm 2021. Số ca tử vong do dùng thuốc quá liều trên toàn quốc đã đạt kỷ lục mới vào năm 2022. CDC đã ghi nhận hơn 100,000 ca tử vong do dùng thuốc quá liều, trong đó gần 70% có liên quan đến fentanyl và các loại opioid tổng hợp khác.

Khoảng 2 miligam fentanyl là có thể dẫn đến việc sử dụng quá liều. Theo Cơ quan Phòng chống Ma túy Hoa Kỳ (DEA), chỉ cần một viên thuốc là có thể gây ra những hậu quả tang thương.

Tuy nhiên, điều khiến fentanyl trở nên nguy hiểm là nhiều nạn nhân đã uống thuốc mà không biết rằng thuốc đó có tẩm fentanyl. Tại Hoa Kỳ, người ta thường tìm thấy fentanyl được trộn lẫn với các loại ma túy đường phố như cocaine và heroin.

Để dập tắt chuỗi cung ứng ma túy tổng hợp bất hợp pháp này, các quan chức Hoa Kỳ đã tăng cường áp lực lên chính quyền Trung Quốc. Hôm 23/6, Bộ Tư pháp đã công bố cáo buộc đầu tiên chống lại các tổ chức và người mang quốc tịch Trung Quốc, cáo buộc bốn nhà sản xuất hóa chất và tám công dân Trung Quốc buôn lậu trực tiếp các loại tiền chất vào Hoa Kỳ. Trong những tháng tiếp theo, hàng chục tổ chức và công dân Trung Quốc đã bị Bộ Tài chính đưa vào danh sách đen như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng opioid.

Các quan chức của nhà cầm quyền cộng sản đã chỉ trích gay gắt hành động của Hoa Thịnh Đốn. Hồi tháng Năm tại Hoa Thịnh Đốn, một phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào các tổ chức và công dân Trung Quốc sẽ “gây thêm trở ngại cho hoạt động hợp tác chống ma túy giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.” Các báo cáo cho thấy chính quyền Trung Quốc đã lợi dụng việc Hoa Kỳ loại viện pháp y của công an Trung Quốc khỏi danh sách đen thương mại của mình như một điều kiện tiên quyết để nối lại các cuộc đàm phán về các vấn đề fentanyl.

“ĐCSTQ đang sử dụng sinh mạng của người Mỹ như một con bài thương lượng để đổi lấy các lệnh trừng phạt nhẹ tay hơn đối với các hành vi vi phạm nhân quyền của họ,” một nhóm nhà lập pháp Hoa Kỳ khác cho biết trong một tuyên bố hồi tháng Tám. “Chúng ta phải cẩn thận không được từ bỏ các giá trị nhân quyền cơ bản của mình chỉ để đổi lấy những lời hứa suông.