Site icon MUC News

Kiếp nhân sinh có hai đại sự ‘nhất thành bất biến’ nên thận trọng

“Định nghiệp nhất thành bất biến” đã trở thành quả mà sinh mệnh nhất định phải gánh chịu (ảnh minh hoạ dẫn từ Pixabay)

Mọi người đều biết rằng, sau khi gạo được nấu chín thành cơm, thì không thể nào biến trở lại thành gạo nữa. Vậy, trên thế gian này có chuyện trọng đại nào một khi đã thành thì không thể thay đổi? Khi đối mặt với nó cần phải đặc biệt dụng tâm suy nghĩ, thực hiện cẩn thận, để tránh tạo ra sai lầm lớn không thể sửa chữa?

Hình phạt

Phần lớn con người hiện nay đều lấy câu “nhất thành bất biến” để ví von việc bảo thủ không chịu thay đổi, không biết cách ứng biến. Dần dần, ngược lại người ta không biết được hàm nghĩa nguyên sơ của câu “nhất thành bất biến” này.

Cổ nhân cho rằng “hình phạt” một khi được chấp hành sẽ trở thành sự thật và không thể thay đổi. Cho nên, khi thực hiện cũng phải đặc biệt dụng tâm cẩn trọng, tránh phạm phải sai lầm không thể vãn hồi, tạo thành thiệt hại không thể khắc phục. Đây là hàm ý nguyên sơ của câu thành ngữ “nhất thành bất biến.” Câu thành ngữ này vốn có trong thiên “Vương Chế” của sách “Lễ Ký” thời Chiến Quốc: “Phàm tác hình phạt, khinh vô xá. Hình giả hình dã, hình giả thành dã, nhất thành nhi bất khả biến, cố quân tử tận tâm yên” (Tạm dịch: Hình phạt hễ định ra rồi thì dù nhẹ cũng không được tha miễn. Tội danh được thành lập thì người kia sẽ phải thọ hình, thọ hình rồi thì không thể thay đổi, cho nên bậc quân tử phải tận tâm vậy.)

Khổng Dĩnh Đạt thời Đường chú giải rằng: “Thượng hình là hình phạt của hình luật, hạ hình là hình phạt trên hình thể.” Một khi hình phạt đối với hình thể đã được thực thi, thì thực sự sẽ gây ra tử vong hoặc thương tích cho phạm nhân, đồng thời sau khi thọ hình, hình thể đã bị thay đổi không thể trở lại như cũ được nữa. Vì vậy, người thông minh phải học cách kiềm chế hành động của mình, không vi phạm pháp luật để tránh bị hình phạt, làm tổn thương chính mình.

Quả báo

Sau này, người ta còn mở rộng ý nghĩa câu “nhất thành bất biến” là sự vật một khi đã hình thành thì sẽ không dễ gì thay đổi. Bài văn “Thái hồ thạch ký” của Bạch Cư Dị thời nhà Đường cũng có dụng ý mở rộng như thế: “Nhiên nhi (*thạch) tự nhất thành bất biến dĩ lai, bất tri cơ thiên vạn niên, hoặc ủy hải ngung, hoặc luân hồ để.” (Chính là nói hòn đá hình thành từ khi còn hỗn độn, một số nằm rải rác ngoài biển, một số lưu lạc dưới đáy hồ, không biết đã trải qua hàng ngàn vạn năm mà không hề thay đổi.)

Trong sinh mệnh còn có đại sự, một khi đã hình thành thì không thể thay đổi, đó chính là “quả báo” trong nhân quả ba đời mà Phật gia giảng.

Phật gia dạy con người rằng, tất cả hạnh phúc và khổ đau mà kiếp nhân sinh gặp phải đều có quan hệ nhân quả. Mỗi hành vi của con người dù thiện hay ác đều sẽ có quả báo: hành thiện tạo nhân, phúc báo là quả; hành ác tạo nhân, khổ đau là quả. Quả báo không nhất định sẽ báo ở trong đời này, cũng không nhất định khiến người ta nhìn thấy thiện ác báo ứng ngay trước mắt. Bởi vì rất nhiều người không nhìn thấy được báo ứng, họ đã sống ở trong mê rồi! Nhưng Phật gia giảng nói, nhân quả là thông suốt ba đời— quá khứ, hiện tại và tương lai, đời đời kiếp kiếp không ngừng luân hồi cho đến khi trả hết quả báo.

Tiền kiếp không chỉ là một đời trước, mà bao gồm mọi kiếp trước đời này. Hậu kiếp cũng không chỉ là đời sau, mà bao gồm tất cả kiếp sau của đời này. Bởi vì thời gian luân hồi quá lâu dài, cho nên người ta càng dễ bị mê lạc. Tuy nhiên, trong những sách cổ và trên thế gian, những sự việc thiện ác báo ứng có thể thấy ở khắp nơi, từ xưa đến nay đều có.

Thiện ác báo ứng cũng liên quan đến quan hệ nhân duyên phức tạp đời này qua đời khác. Khi nhân duyên hội tụ cũng chính là ngày mà quả báo xảy ra. Hội tụ nhân duyên quả báo đến nhanh thì đời này sẽ báo, cũng có thể kéo dài rất nhiều đời mới xảy ra báo ứng. Trong quá trình hội tụ nhân duyên, có thể do ác duyên bản thân tạo ra làm ảnh hưởng đến việc kết thành quả báo, khiến cho thiện quả bị cắt giảm; cũng có thể vì làm ra thiện duyên, ảnh hưởng đến việc kết thành quả báo, khiến cho nghiệp nặng được báo nhẹ. Nếu nhân duyên đã kết thành quả thì định nghiệp không thể thay đổi, chắc chắn phải chịu quả báo, nên gọi là “định nghiệp không thể tiêu.”

Trong “Kinh Tam Thế Nhân Quả” nói rằng: Muốn biết nhân đời trước, hãy nhìn vào những gì mình đang phải chịu ở đời này; Muốn biết quả đời sau, hãy nhìn vào những gì mình đang làm ở đời này.

“Định nghiệp nhất thành bất biến” cũng trở thành quả báo mà trong sinh mệnh nhất định phải gánh chịu. Gieo nhân nào gặp quả đó. Trong quá trình sinh mệnh của mỗi người đều là tự gánh chịu hậu quả đời này qua đời khác, báo ứng quả không sai. Thận trọng, nghiêm túc trong từng lời nói và việc làm sẽ thắp sáng ngọn đèn trí huệ! Đồng thời, sẽ không gây ra những hối hận “không thể thay đổi”!

Duy Đông biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ