Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đặt câu hỏi về việc 550.000 hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn lại được hỗ trợ điện thoại thông minh (smartphone).
Theo báo Thanh Niên, chiều nay 23/7, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đã đặt vấn đề trên trong phiên họp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội và Chính phủ.
Cụ thể, với tiểu dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin, Uỷ ban Xã hội đề nghị Chính phủ làm rõ việc 550.000 hộ nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ điện thoại thông minh.
“Nếu rơi vào các thôn, bản chưa có dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dịch vụ internet băng thông rộng cố định hoặc không bảo đảm được chi phí sử dụng dịch vụ thì khắc phục thế nào?”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đặt vấn đề.
Thắc mắc về chuẩn “nghèo đa chiều”
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung đã trình chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Ông Dung cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình được điều chỉnh giảm từ 90.260 tỷ đồng xuống còn 75.000 tỷ đồng. Một trong những mục tiêu đề ra là đến năm 2025 sẽ phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia…
Theo báo Doanh nghiệp và Tiếp thị, bà Thúy Anh đồng thuận về chủ trương; song cho rằng cần tách bạch các mục tiêu, tránh chồng chéo giữa chương trình giảm nghèo bền vững với các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Đặc biệt, việc chưa có số liệu cụ thể về tình trạng nghèo theo chuẩn “nghèo đa chiều”, nên khó xác định chính xác mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.
Bà Thúy Anh đề xuất khi được thông qua chủ trương, Chính phủ cần tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo, bảo đảm tính khả thi của các chỉ tiêu, như “phấn đấu giảm 1/2 số hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia”.
Xem thêm
- TP. HCM áp dụng Chỉ thị 16 đến ngày 1/8: ‘Dân khu phong tỏa chỉ ra khỏi nhà 2 lần/tuần và dùng phiếu đi chợ’
- Người giàu nhất cũng chỉ hơn người nghèo nhất 3.000 đô la