Cho Fluoride vào nước ở Mỹ (Phần 10)

Trong loạt bài này, chúng ta tiếp tục khám phá những phát hiện gây tranh cãi xung quanh việc cho fluoride vào nguồn cung cấp nước công cộng của Hoa Kỳ và trả lời câu hỏi liệu việc cho fluoride vào nước có gây rủi ro hay không và chúng ta nên làm gì.

Bài trước: Đánh giá tổng quan về tác dụng gây độc thần kinh của fluoride kéo dài 6 năm của Chương trình chất độc quốc gia đã bị trì hoãn, đồng thời sa lầy vào sự can thiệp và tranh cãi của chính phủ.

Việc tìm ra những cách hiệu quả để giảm độc tính của fluoride đã trở nên quan trọng đối với nhiều người bởi vì ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy những ảnh hưởng sức khỏe từ hóa chất công nghiệp này.

Fluoride công nghiệp được thêm vào 75% nguồn cung cấp nước của Hoa Kỳ cũng làm ô nhiễm không khí, đất và thực phẩm. Chất này cũng được thêm vào dược phẩm và các sản phẩm nha khoa. Sự tích tụ fluoride trong cơ thể có thể gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe.

Thời báo The Epoch Times đã nói chuyện với ông Richard Sauerheber, nhà nghiên cứu khoa học và là cựu điều tra viên chính của Viện Y tế Quốc gia, để tìm hiểu xem liệu chúng ta có thể làm gì để giảm thiểu phơi nhiễm và độc tính  fluoride.

Ông đã xuất bản 65 bài báo và sách, trong đó có 6 cuốn sách về độc tính của fluoride, đồng thời thực hiện những nghiên cứu sâu rộng về tính chất hoá học của fluoride và các biện pháp tốt nhất để giảm độc tính, giảm thiểu phơi nhiễm và loại bỏ chất này khỏi nước máy.

Ông Sauerheber cũng kiến ​​nghị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cấm thêm fluoride vào nước, nhưng cơ quan này phán quyết rằng đó là trách nhiệm của Cơ quan Bảo vệ Môi trường theo Đạo luật Kiểm soát Chất độc hại.

Tính hóa học về độc tính của fluoride

Ông Sauerheber nói rằng, biết được tính chất hóa học của fluoride công nghiệp là rất quan trọng để hiểu rõ về sự gia tăng độc tính của fluoride và giảm thiểu tác hại của chất này.

Nghiên cứu năm 2013 của ông trên Tạp chí Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng, “Điều kiện sinh lý học ảnh hưởng đến độc tính của fluoride công nghiệp được hấp thụ,” nhấn mạnh rằng tác hại của fluoride thay đổi dựa trên các yếu tố như hàm lượng khoáng chất trong nước, thực đơn và khả năng hòa tan của fluoride.

Ông nói, calcium fluoride tự nhiên (CaF2) ít hòa tan hơn fluoride công nghiệp. Điều này nghĩa là chỉ có một lượng nhỏ fluoride được giải phóng tự nhiên trong nước ngầm, dẫn đến khả năng hấp thụ fluoride thấp hơn và liều lượng fluoride cũng tương đối thấp hơn.

Ngược lại, fluoride tổng hợp như fluorosilicic acid(H2SiF6) vốn được thêm vào nguồn cung cấp nước của Hoa Kỳ có thể hòa tan hoàn toàn. Nghiên cứu của ông Sauerheber giải thích rằng do khả năng hòa tan cao nên fluoride tổng hợp dễ hấp thụ hơn, dẫn đến tăng độc tính do liều lượng cao hơn.

Tác dụng trung hòa của Calcium

Ngoài khả năng hòa tan, ông Sauerheber còn nhấn mạnh fluoride tổng hợp hòa tan hoàn toàn độc hơn do không chứa các cation khoáng chất tự nhiên (là các ion mang điện tích dương), đặc biệt là calcium.

Không giống calcium fluoride tự nhiên, fluoride tổng hợp thiếu calcium và hoạt động như chất thải calcium, có nghĩa là chúng liên kết mạnh với calcium trong một số mô. Ông Sauerheber cho biết: “Sự liên kết này làm gián đoạn các quá trình sinh học khác nhau và góp phần gây ra độc tính.”

Ông Sauerheber nhấn mạnh rằng calcium đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu việc hấp thụ fluoride và hoạt động như một thuốc giải khi không may ngộ độc fluoride bằng cách cân bằng hoặc vô hiệu hóa tác hại của nó sau khi được hấp thụ.

Mặc dù khẩu phần ăn giàu calcium hoặc chất bổ sung có thể làm giảm độc tính của fluoride, nhưng hấp thụ quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng lắng đọng calcium trong mạch máu.

Việc bổ sung lâu dài calcium vào thực đơn cần được cân nhắc,  chỉ nên dành cho những người có nồng độ calcium trong máu dưới mức bình thường và chỉ áp dụng sau khi đã điều chỉnh khẩu phần ăn uống nhưng không thành công. Ông Sauerheber cho biết, thông thường một phương pháp ăn uống lành mạnh sẽ cung cấp đủ lượng calcium cần thiết hàng ngày.

Nước cứng so với nước mềm

Theo ông Sauerheber, độc tính của fluoride cũng bị ảnh hưởng bởi việc nước chứa fluoride được tìm thấy ở vùng nước mềm hay nước cứng.

Nước mềm vốn chứa hàm lượng thấp các khoáng chất như calcium, làm giảm khả năng bảo vệ chống lại độc tính fluoride.

Ngược lại, nước cứng lại giàu canxi, magiê và các khoáng chất khác giúp cung cấp một số biện pháp bảo vệ, bằng cách giảm tính di động và tiềm năng hóa học của fluoride; giảm sự hấp thụ hoặc tiêu hóa fluoride, ông cho biết.

Trong nghiên cứu của ông Sauerheber cho thấy “Cùng nồng độ fluoride trong nước là 1 ppm, nhưng uống nước mềm dẫn đến nồng độ fluoride trong máu cao hơn so với uống nước cứng.”

Loại bỏ fluoride khỏi nước

Một trong những cách căn bản để giảm phơi nhiễm fluoride ở những khu vực nguồn nước chứa fluoride là loại bỏ fluoride khỏi cả nước uống và nước nấu ăn. Mặc dù các phương pháp lọc tiêu chuẩn không hiệu quả chẳng hạn như than hoạt tính, nhưng vẫn có một số phương pháp thay thế khác.

Phương pháp thẩm thấu ngược (RO): Bất chấp những tuyên bố của các nhà sản xuất, trong nghiên cứu của mình, ông Sauerheber đã phát hiện rằng các hệ thống thẩm thấu ngược cũ không loại bỏ được fluoride. Ông nói đó là do kích thước lỗ lọc và tốc độ dòng chảy của nước.

Ông giải thích rằng, vì ion fluoride có cùng kích thước với phân tử nước, nên kích thước lỗ lọc phải đủ nhỏ để chặn ion trong khi áp lực nước phải đủ mạnh để ép phân tử nước hình thuôn (oblong) xuyên qua ion fluoride và đạt được sự phân tách.

Ông Sauerheber cho biết các hệ thống mới hơn có áp suất cao, với kích thước lỗ lọc khoảng 0,27 nm loại bỏ fluoride hiệu quả ngay cả khi đã được sử dụng trong thời gian dài.

Ông nói rằng cả hai hệ thống GE Profile và Costco đều loại bỏ fluoride một cách hiệu quả sau 5 năm sử dụng trước khi thay thế bộ lọc. Điểm hạn chế duy nhất trong quy trình của hệ thống thẩm thấu ngược là có nước thải, nhưng đối với nước uống và nước nấu ăn thì sự thất thoát này có thể chấp nhận được, ông lưu ý thêm.

Khử ion:  Các bộ lọc khử ion có thể loại bỏ fluoride nhưng phải có “nhựa trao đổi ion”. Để làm như vậy, các hạt nhựa ion cần được theo dõi liên tục để xác định khi nào cần thay mới và đây là một giải pháp tốn kém.

Chưng cất: Chưng cất nước giúp loại bỏ fluoride, nhưng quá trình này đồng thời cũng loại bỏ các khoáng chất thiết yếu. Việc tái khoáng có thể được thực hiện bằng cách sử dụng giọt khoáng cô đặc được thiết kế dành cho nước cất.

Bộ lọc than xương: Bộ lọc than khử fluoride đặt dưới bồn rửa chứa than sản xuất tại Scotland có hiệu quả. Nhưng thật không may là hiện nay đang thiếu hụt các bộ lọc này dùng cho hộ gia đình, ông cho biết.

Các bộ lọc nên tránh: Ông Sauerheber cảnh báo rằng mặc dù các bộ lọc fluoride làm bằng nhôm giúp loại bỏ fluoride tốt trong một thời gian. Nhưng vì chúng chứa nhôm hydroxide (Al(OH)₃) và hợp chất này dễ dàng phân hủy ở những khu vực nước có tính kiềm cao nên dẫn đến rò rỉ nhôm, kết hợp với fluoride sẽ gây tác dụng phụ đáng kể đến bộ não.

Ngoài ra, các bộ lọc sản xuất tại Trung Quốc nên được tiếp cận một cách thận trọng vì hiệu quả của chúng không được đảm bảo, ông chỉ ra. Máy đo fluoride có thể giúp kiểm tra hiệu quả của hệ thống lọc nước và biết khi nào cần thay bộ lọc. Thiết bị này cũng có thể xác định mức fluoride trong nước đóng chai bán lẻ và các loại đồ uống khác. Tuy nhiên, việc sử dụng máy đo đòi hỏi sự hiệu chuẩn để đảm bảo thiết bị đo lường cho kết quả chính xác và muối giúp ngăn chặn ảnh hưởng của cường độ ion lên các chỉ số, đồng thời phải được sử dụng trong nước không có tính acid.

Những nguồn fluoride có thể tránh

Mặc dù việc tiếp xúc với fluoride có trong không khí và đất là khó tránh khỏi, nhưng fluoride từ những nguồn khác thì chúng ta có thể kiểm soát được.

Thực phẩm

Ông Sauerheber nhấn mạnh rằng mặc dù nhiều người tránh tiêu thụ nước có fluoride, nhưng “gần như không thể ngăn chặn được việc hấp thụ fluoride đáng kể ở một thành phố vốn đang sử dụng nguồn nước đã bổ sung fluoride và được sử dụng để chế biến thực phẩm.”

Ví dụ, nghiên cứu của ông cho thấy tổng lượng tiêu thụ hàng ngày từ thực phẩm chế biến sẵn có thể gây ra mức phơi nhiễm ở một người nặng 120 pound (54 kg) lên 2,7 mg, cao hơn mức được cho là an toàn.

Mặc dù chúng ta không thể tránh tất cả sự phơi nhiễm từ thực phẩm và các nguồn khác, nhưng có một số loại thực phẩm chứa hàm lượng fluoride cao mà chúng ta có thể tránh hoặc giảm thiểu.

Một số nguồn thực phẩm chứa fluoride cao nhất bao gồm trà, thịt gà rút xương chế biến, sữa công thức cho trẻ sơ sinh, nho và các sản phẩm từ nho, đồ uống thương mại như nước trái cây và nước ngọt, một số nhãn hiệu nước đóng chai, bia, súp, cá đóng hộp, ngũ cốc lúa mì nấu chín, và một số loại hải sản.

Trà và nước trái cây có thể là hai trong số những nguồn chứa fluoride cao nhất, mặc dù một số loại được xếp hạng cao hơn những loại khác.

Trà

Cây trà hấp thụ fluoride từ không khí và đất và phần lớn lượng fluoride này tích tụ trong lá. Chất lượng đất và khu vực trồng đóng một vai trò quyết định hàm lượng fluoride có trong lá trà.

Một nghiên cứu năm 2021 được thực hiện để so sánh hàm lượng fluoride có trong trà đen, trà xanh và trà matcha được bán trên thị trường ở Hoa Kỳ cho thấy bột trà xanh matcha có nồng độ fluoride cao nhất. Tất cả các mẫu được kiểm tra đều chứa lượng fluoride từ 0,521 đến 6,082 mg/L.

Nghiên cứu đã xem xét ba loại trà đen (Bigelow Earl Grey, Twinings of London Lady Grey và Lipton), hai loại trà xanh (Bigelow và Lipton) và ba loại trà matcha (Mighty Leaf, Celestial Seasonings và Matcha Love).

Nước ép

Người ta phát hiện ra rằng nước ép trái cây ở Hoa Kỳ có thể có nồng độ fluoride từ 0,15 đến 6,80 mg/L.

Một nghiên cứu năm 1991 đã kiểm tra 43 loại nước ép trái cây pha sẵn và phát hiện 42% mẫu có hơn 1 ppm fluoride.

Nghiên cứu cũng cho thấy nước ép trái cây “nguyên chất”, chủ yếu là nước ép nho chứa hàm lượng fluoride cao và nước ép làm từ nho đã tách vỏ không chứa bất kỳ chất fluoride nào. Điều này được cho là do việc sử dụng thuốc trừ sâu có chứa fluoride.

Dược phẩm

Nhiều dược phẩm cũng chứa fluoride. Cho đến nay, hơn 300 dược phẩm có chứa fluoride đã được chấp thuận sử dụng làm thuốc.

Ông Sauerheber cho biết, vì tất cả dược phẩm chứa flo đều có liên kết carbon-flo (CF). Do gan không thể chuyển hóa tốt liên kết CF nên các mảnh thuốc sẽ bị tích tụ trong các mô. Ông còn nói rằng, các loại thuốc dùng để uống suốt đời như thuốc điều trị mỡ máu statin là đáng lo ngại nhất.

Ngoài ra, thuốc gây mê toàn thân có thể chứa lượng fluoride rất cao.Tuy nhiên, trên thị trường có những loại không chứa fluoride, có thể được yêu cầu trước khi làm thủ thuật.

Hợp tác Nghiên cứu Độc tính Fluoride là một nguồn tài nguyên tuyệt vời duy trì cơ sở dữ liệu về tất cả các loại dược phẩm có chứa fluoride.

Sản phẩm nha khoa

Ông Sauerheber khuyến nghị sử dụng kem đánh răng chứa hydroxyapatite thay cho kem đánh răng chứa fluoride.

Ông cho biết trong nghiên cứu của mình rằng “fluoride từ thực phẩm, nước và kem đánh răng khiến fluoride tích tụ trong xương lên tới 2.000 miligam/kg trong khoảng 20 năm ở hầu hết người tiêu dùng, mức độ này có liên quan đến việc làm yếu xương, khiến xương dễ bị gãy hơn.”

Hydroxyapatite (HA) là thành phần chính của men răng. Một  nghiên cứu năm 2022 cho thấy các hạt hydroxyapatite đã được chứng minh là có khả năng lắng đọng và phục hồi bề mặt men răng đã khử khoáng, có tác dụng vượt trội hoặc tương đương với kem đánh răng chứa fluoride với vai trò là chất chống sâu răng.

Chúng ta có thể giải độc phơi nhiễm fluoride?

Ông Sauerheber cho biết, cách hiệu quả nhất là ngừng tiêu thụ nước chứa fluoride. Điều này sẽ giúp loại bỏ fluoride tích trữ trong các mô mềm vốn có khả năng giải độc nhanh hơn nhiều so với xương.

Nghiên cứu của ông tiết lộ rằng con người mất khoảng 20 năm để giảm một nửa lượng fluoride trong xương sau khi chuyển từ khu vực dùng nước có fluoride sang khu vực nước không chứa fluoride.

Độc tính của iodine và fluoride

Ngoài calcium, độc tính của fluoride cũng phụ thuộc vào hàm lượng iodine có trong cơ thể. Những người bị thiếu iodine sẽ gặp nhiều tác hại từ fluoride hơn. Mặc dù iodine rất quan trọng đối với chức năng bình thường của tuyến giáp, nhưng trước đây fluoride đã được sử dụng để ức chế chức năng tuyến giáp.

Theo một  nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí Chất dinh dưỡng, “Iodine là một trong những chất dinh dưỡng bị thiếu hụt phổ biến nhất và ước tính ảnh hưởng đến 35–45% dân số thế giới.”

Tiến sĩ David Brownstein cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tiến sĩ Ron Ehrlich rằng không phải tất cả các chất bổ sung iodine đều được tạo ra như nhau. Sau những nghiên cứu sâu rộng, ông phát hiện rằng iodine của Lugol vốn là sự kết hợp giữa iodine (I) và iodide (I) có hiệu quả nhất.

Ông Sauerheber cảnh báo, mặc dù một số bác sĩ tuyên bố rằng sử dụng iodine có thể loại bỏ một lượng fluoride khỏi cơ thể, nhưng dùng quá nhiều có thể gây ra tác dụng phụ.

Do đó, việc thử nghiệm và giám sát y tế là cần thiết vì cố gắng loại bỏ quá nhiều fluoride cùng một lúc có thể làm tăng độc tố trong máu đến mức nguy hiểm.

Mẹ ơi, không có fluoride!

Vì vậy, chúng ta có thể ngăn ngừa sâu răng mà không cần fluoride?

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây về “Khám phá sức khỏe đích thực”, Tiến sĩ Jack Kall, chủ tịch điều hành của ban giám đốc Học viện Quốc tế về Y học Răng miệng và Độc chất học, người đã hành nghề nha sĩ sinh học trong 46 năm, cho biết câu trả lời là có.

Một nha sĩ sinh học tiếp cận nha khoa một cách toàn diện và tìm kiếm hình thức điều trị ít độc hại nhất với ít tác động nhất đến địa hình sinh học (biological terrain) của bệnh nhân.

Tiến sĩ Kall giải thích rằng một trong những nguyên nhân căn bản của sâu răng là stress oxy hóa. Stress oxy hóa kích thích phản ứng miễn dịch và gây ra các bệnh dị ứng, chẳng hạn như hen suyễn, dị ứng và viêm da, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

Tiến sĩ Kall nói: “Có nhiều biến số trong nguyên nhân căn bản của các vấn đề về răng miệng. Ông cho biết, thực đơn và lối sống có thể gây ra hoặc làm giảm stress oxy hóa. Một trong những điều đầu tiên ông trao đổi với bệnh nhân gặp vấn đề răng miệng là khẩu phần ăn của họ.

Những thứ cần tránh để giảm stress oxy hóa là đường, hóa chất từ ​​các nguồn khác nhau, thuốc trừ sâu, kim loại nặng và các chất phụ gia thực phẩm.

Tiến sĩ Kall cũng nhấn mạnh rằng những thay đổi trong lối sống giúp chuyển hệ thống thần kinh của chúng ta từ giao cảm sang phó giao cảm, cũng làm giảm đáng kể tình trạng stress oxy hóa, từ đó cải thiện sức khỏe răng miệng. Một vài trong số các hoạt động này bao gồm tập thể dục, thiền định, tiếp đất và châm cứu.

Phần 1: Sự phản đối khoa học mới đối với việc cho fluoride vào nước

Phần 2: Khám phá sự khác biệt: Tại sao fluoride tự nhiên và fluoride tổng hợp không được tạo ra như nhau

Phần 3: Fluoride: Là phương pháp thần kỳ chữa sâu răng, là thuốc độc, hay là cả hai?

Phần 4: Fluoride ảnh hưởng lên sức khỏe như thế nào từ góc độ khoa học?

Phần 5: Các nghiên cứu mới liên kết Fluoride với hiện tượng giảm chỉ số thông minh và chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ em

Phần 6: Fluoride tiềm ẩn trong thực phẩm, dược phẩm và môi trường

Phần 7:  Thạch tín: Chất độc có trong Fluoride được cho vào nước ở Mỹ

Phần 8:  Vụ kiện Fluoride chống lại EPA: Bị cáo buộc tham nhũng, gây sốc dưới các tuyên bố liên bang đã tuyên thệ

Phần 9:  Bản báo cáo chấn động có thể thay đổi nguồn nước của chúng ta

Từ Khóa: