Lầu Năm Góc đã đình chỉ việc nhận lô hàng F-35 Lightning II từ tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin do trong động cơ máy bay có sử dụng thành phần kim loại đất hiếm của Trung Quốc.
Theo Bloomberg, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Russell Goemaere cho biết Văn phòng Chương trình Liên hợp F-35 “tạm thời dừng việc nhận máy bay F-35 mới để đảm bảo chương trình F-35 tuân thủ các quy tắc của Bộ Quốc phòng về tìm nguồn cung ứng” kim loại đặc biệt”.
Ông Goemaere cho biết, hợp kim của Trung Quốc sẽ không làm gián đoạn hoạt động của F-35 trong việc triển khai giữa quân đội Mỹ và các đối tác toàn cầu vì “nam châm không truyền thông tin hoặc gây hại cho máy bay và không gây ra rủi ro về hiệu suất, chất lượng, an toàn hoặc liên quan đến vấn đề an ninh bảo mật”.
Tuy nhiên, ông Goemaere cho biết kết quả điều tra chỉ ra rằng một hợp kim trong nam châm được sử dụng trong bộ phận bơm dầu nhờn của động cơ máy bay đã không tuân thủ luật mua sắm của Mỹ, theo đó cấm sử dụng các bộ phận có xuất xứ từ Trung Quốc mà chưa được chính quyền Mỹ cấp phép.
Quan chức quốc phòng này cho biết Văn phòng Chương trình Liên hiệp F-35 “đã tìm thấy một nguồn thay thế cho hợp kim sẽ được sử dụng trong các tuabin máy bay phản lực trong tương lai.”
Trong khi ấy hãng vũ khí Lockheed nói với Bloomberg rằng, “Chúng tôi đang làm việc với các đối tác của mình và Bộ Quốc phòng để đảm bảo tuân thủ hợp đồng trong chuỗi cung ứng … và đang làm việc để giải quyết vấn đề nhanh nhất có thể để tiếp tục giao hàng”.
Hợp kim Trung Quốc được tìm thấy trong tiêm kích F-35 không có gì ngạc nhiên khi nước này kiểm soát thị trường kim loại đất hiếm toàn cầu.
Một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội cho thấy F-35 sử dụng khoảng 920 pound đất hiếm trên mỗi máy bay, chủ yếu cho các cảm biến chiến tranh điện tử, hệ thống điện và nam châm.
Mỹ phụ thuộc rất nhiều khoảng 80% nguồn cung cấp đất hiếm đến từ Trung Quốc. Chính quyền Biden đã có những động thái nhằm gia tăng chuỗi cung ứng trong nước, như một ưu tiên để giảm thiểu nếu Trung Quốc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với các công ty quốc phòng Mỹ.
Đất hiếm cũng là thành phần trọng tâm trong việc sản xuất kính nhìn xuyên đêm, tên lửa dẫn đường chính xác và máy bay không người lái. Về mặt dân sự, đất hiếm cũng có vai trò thành phần quan trọng trong ngành sản xuất xe điện và điện thoại thông minh.
Xem thêm: Cuộc chiến không gian Mỹ-Trung bắt đầu: NASA phóng siêu tên lửa mạnh nhất lên Mặt Trăng