Liên Hiệp Quốc: 3.2 tỷ người "khát nước sạch" vào năm 2050
Một phụ nữ múc nước dưới đáy sông khô cạn gần làng Kataboi ở Turkana xa xôi, miền bắc Kenya (ảnh: Marisol Grandon / Phòng Phát triển Quốc tế)

Tờ Daily Mail đưa tin báo cáo của LHQ cho thấy số người sống ở những khu vực thiếu nước sẽ tăng gần 60% trong 30 năm tới.

Tổ chức Khí tượng thế giới vừa công bố trên Tạp chí United in Sience 2020 dữ liệu khoa học khí hậu mới nhất. Theo đó, thập kỷ qua được ghi nhận là ấm kỷ lục, có dấu hiệu rõ ràng của biến đổi khí hậu và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn.

Nhiệt độ ấm hơn làm giảm số lượng các sông băng và dải băng trên thế giới. Trong đó, khối lượng sông băng bị mất giai đoạn năm 2016-2019 cao hơn bất cứ giai đoạn nào kể từ năm 1905. Sự biến mất các sông băng đe dọa nghiêm trọng đến khả năng tiếp cận nước sạch của con người.

Trong thập kỷ qua có 1.9 tỷ người sống ở những vùng thiếu nước sạch, nhưng con số dự báo sẽ lên tới 3.2 tỷ vào năm 2050. Báo cáo của United Sience cũng chỉ ra tình trạng biến đối khí hậu liên quan đến nước như sự tan chảy của các sông băng, hạn hán, lũ lụt, các tác động ngày càng lớn và không thể đảo ngược.

Theo báo cáo, các quốc gia như Việt Nam, Bangladesh, Rwanda phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt cao nhất.

Trên dãy Himalaya, các sông băng được phát hiện đã mất đi khoảng 35 cm băng mỗi năm kể từ năm 2012, theo báo cáo của Greater Kashmir.

Dòng chảy sông băng dự kiến sẽ đạt đỉnh trên toàn cầu vào cuối thế kỷ này và sau đó sẽ suy giảm. Một số khu vực, như Trung Âu và khu vực Caucasus đã ở mức đỉnh điểm.

Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres thừa nhận năm 2020 là một năm “chưa từng có”, tình trạng bất ổn về khí hậu tiếp tục không suy giảm, nắng nóng kỷ lục, sông băng tan chảy, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán.

Ông Antonio nói “Chưa bao giờ người ta nhận thấy rõ ràng rằng cần có sự thay đổi bền vững, toàn diện để giải quyết vấn đề khủng hoảng khí hậu nhằm phát triển bền vững”.