Khác với suy nghĩ của nhiều người về nghề “làm một tháng, chơi cả năm”, không ít người môi giới bất động sản phải “bỏ chạy” sau một vài tháng thử sức, bởi “nghề này rất tiềm năng, nhưng không phải cho mình”
10 người môi giới, 9 người không chứng chỉ
Trong câu chuyện, chị T. – một phụ nữ đã có tuổi ở Diễn Châu (Nghệ An) kể về quá trình “gia nhập” ngành bất động sản. Ban đầu người phụ nữa này có nguồn tiền của con trai chuyển về từ Hàn Quốc và bảo mẹ đi mua hộ vài miếng đất “làm của để dành”. Sau vài ba thương vụ mua đi bán lại thành công, chị quyết định lấn sân sang làm môi giới theo hình thức là rủ người đến mua và nhận chiết khấu hoa hồng từ chủ sàn. Theo chia sẻ, hơn một tháng qua, chị đã thực hiện được 5 giao dịch thành công; như vậy, tính trung bình mỗi giao dịch chị nhận hoa hồng 5 đến 10 triệu thì mức thu nhập của chị là rất đáng kể. “Cò đất 1 tháng bằng làm ruộng mấy năm mà lại khỏe hơn nhiều” – chị T. hỉ hả.
Không thiếu những trường hợp như chị T. – trở thành người môi giới bất động sản hoàn toàn tự phát. Theo thống kê của ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam công bố vào ngày 30/3, thì sơ bộ cả nước có hơn 300.000 người hoạt động môi giới bất động sản. Trong đó, số người môi giới có chứng chỉ hành nghề khoảng 30.000. Như vậy, cứ 10 người hành nghề môi giới bất động sản, thì có 1 người có chứng chỉ.
Ngay cả những người có chứng chỉ, theo quan điểm của ông Đính, thì nhiều người có chứng chỉ hành nghề theo quy định pháp luật, trình độ và năng lực cũng chỉ đạt để tổ chức bán hàng. Nhân viên môi giới bất động sản Việt Nam đạt trình độ theo chuẩn quốc tế ước khoảng 10%. Nhóm đối tượng này cơ bản được đào tạo qua các khóa học cơ bản, nâng cao hoặc được đào tạo từ nước ngoài.
Theo ông Đính, trong vấn đề này, luật định hiện hành đang tạo ra lỗ hổng lớn. Cụ thể, luật kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định, khi hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề, nhưng không cần phải qua đào tạo. Đây là bất cập rất lớn, là nguyên nhân môi giới bất động sản Việt Nam có đến 90% không có kiến thức căn bản của người làm nghề. Điều đó khiến ý thức trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và thị trường, của môi giới bất động sản là rất thấp. Việc tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ cũng rất yếu và thiếu. Ở một số địa phương không quan tâm chức năng này. Một số địa phương khác có tổ chức cũng chỉ là cho có.
Những hệ lụy khôn lường
Bàn tiếp về câu chuyện này, ông Đính cho rằng, tuy lực lượng hành nghề môi giới BĐS đông nhưng phần lớn trong số họ đạt chất lượng kém, thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu ý thức tuân thủ pháp luật. Trong số đó, không ít hành nghề tay ngang, chớp nhoáng, chộp giật. Nếu so sánh với thế giới, môi giới bất động sản Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp, chuẩn mực và đạt trình độ kém. Môi giới bất động sản tay ngang còn lại có hành vi găm đất, thổi giá tạo sốt ảo gây lũng đoạn thị trường. Làm thị trường suy yếu, đổ vỡ nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng. Bằng dự án ma, ảo, bằng quảng cáo, đưa thông tin thất thiệt. Gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín cho thương hiệu các chủ đầu tư chân chính. Thậm chí lừa dối vô trách nhiệm với khách hàng, đối tác, chủ dự án bất động sản….
Dưới góc nhìn của người trong cuộc về hệ lụy do buông lỏng đào tạo người môi giới, chị P.T- chuyên gia bất động sản ở Nghệ An lo ngại về việc lãng phí nhân lực, rối loạn thị trường.
“Việc gia tăng môi giới BĐS tự phát sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiềm tàng. Đơn cử, thị trường BĐS sẽ xẹp xuống vào thời gian tới thì nguồn nhân lực này sẽ đi về đâu? Việc đã quen với việc nhận lương mấy chục triệu/tháng nay chuyển sang việc có thể có tháng “không có đồng nào” thì lượng nhân lực đó sẽ như thế nào? Hay việc môi giới tự truyền miệng thông tin quy hoạch mà không có đơn vị nào xác nhận thì rủi ro của những nhà đầu tư sẽ ra sao? Với việc làm tự phát và cố tình lách luật thì việc thất thu thuế của nhà nước trong công tác này, như thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiêp … là điều khó tránh khỏi”.
Chị P. T. phân tích sâu thêm: “Thời kỳ BĐS có triển nhanh chóng như thời gian như vừa rồi kéo theo các sàn cũng mọc lên như nấm. Số lượng sàn BĐS tăng lên chóng mặt thì tương đương với lượng nhân sự cũng tăng lên; mỗi sàn có số nhân sự trên 30 người, thậm chí cả 100 người tại giai đoạn cao điểm. Số lượng sàn BĐS đăng ký kinh doanh có liên quan đến BĐS tại TP. Vinh là gần 200 sàn; chưa kể một số sàn nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh, hoạt động theo thời vụ và nhỏ lẻ tại các địa phương theo dạng hoạt động tự do, tự phát.
Để mở được một sàn kinh doanh BĐS thì yêu cầu khá đơn giản là người đó có chứng nhận “đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngành nghề môi giới BĐS”. Không giống như các ngành nghề khác trong xã hội yêu cầu cao về kiến thức nền tảng được đào tạo chính quy như giáo viên, ngành y tế, … thì việc ai cũng có thể học để hoàn thành chứng chỉ và bước vào lĩnh vực này trở nên dễ dàng và nhanh chóng gây tiềm ẩn về tính chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển của thị trường BĐS. Mỗi một sàn chỉ cần một người có chứng chỉ môi giới, số nhân viên còn lại thì không cần thiết yêu cầu. Do vậy, yêu cầu của các nhà tuyển dụng BĐS là “làm được việc” không yêu cầu bằng cấp, “chúng tôi sẽ đào tạo bạn”, “trong quá trình làm việc bạn sẽ tự học tập” theo phương thức “vừa làm vừa học”.
Theo chị P.T., vấn đề này tạo ra “nghịch lý giữa số lượng và nền tảng đào tạo”. Bởi “Sự nới lỏng về kiến thức nền tảng chính là kẽ hở lớn nhất cho việc cấp phép mở sàn BĐS. Hệ lụy tạo thành không chỉ là việc giao một công việc với tầm ảnh hưởng và mức tài sản lớn, tính rủi ro cao cho nguồn nhân lực đúng chuyên môn mà còn tạo ra một nghịch lý, các trường Đại học, cao đẳng tuyển sinh rất rất khó những sinh viên theo ngành Quản lý đất đai, dù điểm đầu vào khá thấp. Thế mới có chuyện trường mở lớp thì thiếu người học nhưng nguồn nhân lực ngoài xã hội của ngành này thì lại dồi dào nhất trong tất cả các ngành nghề!”
Đất đai là một trong những ngành nghề nhạy cảm nhất vì nó ảnh hưởng đến hầu hết tất cả mọi người, mọi nơi, mọi ngành nghề và mọi thời điểm. Nhưng chính người môi giới bất động sản – làm việc trực tiếp đến lĩnh vực này, lại không được đào tạo và rất lơ mơ về luật. Theo chị P.T, phải chăng cần yêu cầu những người có liên quan với ngành nghề BĐS cũng phải ít nhiều hiểu và nắm sơ bộ về Luật này, bởi họ đang kinh doanh, kiếm tiền trên chính “quyền sở hữu của toàn dân, do nhà nước là đại diện chủ sở hữu”?
“Thử hỏi, việc một người làm công tác BĐS tại các sàn có đăng ký hay là “cò đất” theo dạng tự phát, khả năng nắm chắc Luật Đất đai và các văn bản dưới luật của họ là bao nhiêu? Hay đơn giản là họ đang làm việc theo kiểu kết nối giữa người mua và người bán để lấy chênh lệch hoa hồng từ các bên giao dịch? Nếu làm theo cách này, thì hệ lụy quả là khôn lường!”