Y học cổ truyền Trung Quốc đưa ra một quan điểm độc đáo về cơn đau mãn tính và những cách an toàn để điều trị.
Người ta ước tính rằng khoảng 20% người trưởng thành trên toàn thế giới mắc một số loại rối loạn cơn đau. Nhiều bệnh nhân không thể hồi phục sau nhiều lần điều trị y tế và đôi khi còn không thể chẩn đoán được đầy đủ nguyên nhân gây ra cơn đau.
Một bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc tại Hồng Kông, tiến sĩ Tse See-li cho biết cơn đau kéo dài chủ yếu là do ứ huyết và việc sử dụng thảo dược Trung Quốc giúp thúc đẩy lưu thông máu, theo đó việc loại bỏ ứ huyết có thể giải quyết nỗi đau một lần và mãi mãi. Ông cũng đề xuất một loại trà thảo dược Trung Quốc có thể giúp cải thiện vi tuần hoàn của cơ thể và loại bỏ máu ứ.
“Huyết ứ” là một khái niệm phổ biến trong y học cổ truyền Trung Quốc. Trung y cho rằng hoạt động sinh lý của cơ thể con người không chỉ dựa vào khí huyết lưu thông để cung cấp chất dinh dưỡng mà còn phụ thuộc vào năng lượng bên trong cơ thể – sự vận động của khí.
Tiến sĩ Tse chỉ ra rằng khí (năng lượng) ở trong máu, và sự chuyển động của máu là do khí điều khiển. Chỉ có khí thì máu mới được đẩy đến các mao mạch và chảy khắp cơ thể. Nếu cơ thể không đủ khí, vi tuần hoàn sẽ trở nên kém và dễ xảy ra hiện tượng ứ huyết.
Ông ví sự chuyển động của khí và máu như dòng nước trong sông. Các bãi cát được hình thành ở các khúc cua khi tốc độ của nước chậm lại và trầm tích dần dần lắng xuống. Khi lưu thông khí và máu bị tắc nghẽn, cơn đau sẽ xảy ra, điều này được mô tả là “bất thông tắc thống” (đau nếu không lưu thông) trong lý thuyết y học cổ truyền Trung Quốc.
Nghiên cứu hiện đại cũng liên kết cơn đau mãn tính với các vấn đề về tim mạch. Một nghiên cứu dựa trên Cơ sở dữ liệu nghiên cứu bảo hiểm y tế quốc gia của Đài Loan cho thấy những người bị đau mãn tính có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não cao hơn đáng kể so với những người khác. Sau khi điều chỉnh ảnh hưởng của các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường và tăng lipid máu, nguy cơ đột quỵ và các bệnh tim mạch và mạch máu não khác ở bệnh nhân bị đau mãn tính vẫn cao hơn 30%.
Vết thương cũ mang lại nỗi đau mới
Nguyên nhân ứ huyết không chỉ là do thể chất cụ thể của mỗi người mà còn do ngoại thương hoặc nội thương gây nên. Một chấn thương khiến máu rời khỏi mạch, tạo thành vết bầm tím cục bộ. Nếu cơ thể không hấp thụ được máu ứ thì sẽ ảnh hưởng đến vi tuần hoàn của các mô lân cận và máu ứ do đó hình thành có thể lớn dần theo thời gian, từ đó ảnh hưởng đến chức năng mô của cơ thể.
Tiến sĩ Tse đã từng điều trị cho một bệnh nhân bị đau ngực. Bệnh nhân khó thở, cơn đau căng thẳng khiến anh không thể ngủ được vào ban đêm. Anh đã thử dùng thuốc giảm đau và châm cứu nhưng vô ích. Anh cũng thử đắp một túi chườm nóng có tẩm thuốc thảo dược lên vùng da bị ảnh hưởng và thấy có nhiều vết bầm tím nổi trên bề mặt da. Tiến sĩ Tse thấy rất lạ và hỏi anh rằng ngực của anh đã từng bị thương chưa.
Bệnh nhân nhớ lại đã từng bị ngã ngửa cách đây 9 năm. Vào thời điểm bị thương, anh đã giảm đau bằng cách xoa bóp Trật Đả Tửu (Diedajiu – thuốc xoa bóp của Trung Quốc) và kể từ đó, anh quên chuyện này đi. Tiến sĩ Tse suy đoán rằng khi bị ngã, anh đã bị thương ở vùng cột sống ngực, dẫn đến tình trạng ứ máu nhẹ, nhưng do các mô gần nơi bị ứ máu không thể được nuôi dưỡng bằng máu tươi nên nó sẽ ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể theo thời gian.
Tiến sĩ Tse cho biết: “Trung y cho rằng nếu huyết ứ không hết thì máu mới không sinh ra được. Do sự tích tụ của máu ứ nên máu tươi không thể đến khu vực đó và tình trạng ứ đọng sẽ ngày càng lan rộng hơn.”
Phương pháp điều trị của tiến sĩ Tse là sử dụng thảo dược Trung Quốc để làm thành một túi thuốc, đun sôi với rượu rồi đặt túi này lên vùng bị ảnh hưởng. Dưới tác dụng của nhiệt độ và dược lực, huyết ứ sẽ được làm lỏng và cơ thể dễ dàng hấp thu. Toàn bộ quá trình mất khoảng nửa giờ đến một giờ đồng hồ. Đối với những vết thâm do vết thương mới, có thể khỏi sau hai hoặc ba lần điều trị, còn đối với những vết thương cũ và cứng đầu hơn, phải mất từ 5 đến 10 lần điều trị mới có thể hồi phục hoàn toàn.
Nghiên cứu khoa học hiện đại cũng đã phát hiện ra rằng nhiều loại thảo dược Trung Quốc có thể cải thiện cơn đau. Một nghiên cứu phân tích tổng hợp cho thấy bệnh nhân bị viêm khớp gối có thể giảm đau bằng cách ngâm chỗ đau trong thuốc nước thảo dược Trung Quốc, với tỷ lệ hiệu quả cao hơn 20% so với phương pháp điều trị thông thường.
Tiến sĩ Tse đã sử dụng liệu pháp loại bỏ ứ đọng này để điều trị cho nhiều bệnh nhân bị đau khớp lâu năm. Ông kể, có lần ông gặp một bệnh nhân đi khắp nơi chữa bệnh, đi khám rất nhiều thầy thuốc Đông y, Tây y trong và ngoài nước, nhưng bệnh khớp ngày càng nặng, cuối cùng không thể làm việc được.
Một số bác sĩ khuyên anh nên thay khớp nhân tạo, một số khác khuyên anh nên đến bác sĩ thần kinh. Bệnh nhân cuối cùng đã tìm được tiến sĩ Tse, và sau năm lần điều trị loại bỏ máu ứ, bệnh nhân đã có thể trở lại với công việc của mình.
Tại sao các bác sĩ khác không nhìn thấy vấn đề bầm tím? Tiến sĩ Tse giải thích rằng một vết bầm tím có kích thước bằng hạt gạo đã đủ lớn để gây đau nếu nó lọt vào bên trong khớp. Tuy nhiên, Tây y chủ yếu sử dụng tia X để chẩn đoán các hội chứng thì chỉ nhìn thấy xương và thường bỏ sót những chỗ ứ máu. Do đó, thủ phạm chính của cơn đau thường bị chẩn đoán nhầm là lão hóa khớp hoặc gai xương.
Đồ uống lạnh có thể gây ứ máu
Ngoài tình trạng ứ máu do bầm tím do chấn thương, tiến sĩ Tse chỉ ra rằng còn có một loại chấn thương khác được gọi là “nội thương”, có thể do thức ăn hoặc thuốc gây ra.
Ông cho rằng một trong những nguyên nhân khiến người hiện đại dễ bị đau nhức là do họ thường uống đồ lạnh, dễ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu và khiến các triệu chứng đau nhức xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn. Đặc biệt, phụ nữ uống quá nhiều đồ lạnh dễ bị đau bụng kinh, thậm chí u xơ tử cung, dẫn đến vô sinh.
Tiến sĩ Tse cũng chỉ ra rằng khi con người già đi, dòng chảy và lưu thông của khí và máu chậm lại, dễ hình thành chứng ứ huyết. Vì vậy, ngoài việc duy trì tập luyện để thúc đẩy tuần hoàn máu, mọi người cũng có thể uống trà thảo dược Trung Quốc để giúp điều hòa cơ thể.
Trà thảo dược Trung Quốc giúp thúc đẩy lưu thông máu, loại bỏ máu ứ
Thành phần: Chi hoàng kỳ 75 gram, chi đương quy 7,5 gram, rễ mẫu đơn đỏ 7,5 gram, thân rễ cây xuyên khung 3,75 gram, hạt đào 3,75 gram, hoa rum (safflower) 3,75 gram.
Chuẩn bị: Rửa sạch tất cả những thành phần trên và đun sôi trong 1 đến 2 lít nước trong nửa giờ. Có thể dùng để uống trong cả ngày.
Lưu ý: Phụ nữ không nên uống trà này trong thời kỳ mang thai và kinh nguyệt. Người âm hư, nội nhiệt nên dùng điều độ.
Theo tiến sĩ Tse, đơn thuốc này dựa trên đơn thuốc “Bổ Dương Hoàn Ngũ Thang” của thầy thuốc Đông y nổi tiếng Vương Khánh Nhân vào thời nhà Thanh và được điều chỉnh thành lượng thích hợp cho mục đích chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Ông cũng thường uống loại trà thảo dược này.
“Bổ Dương Hoàn Ngũ Thang” là một đơn thuốc thường được sử dụng trong điều trị đột quỵ trong y học cổ truyền Trung Quốc và hiệu quả của nó đã được một số nghiên cứu xác nhận. Ngoài việc điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đơn thuốc này còn có lợi cho các bệnh mạch máu khác, chẳng hạn như bệnh thận do tiểu đường và đau thắt ngực.
Tiến sĩ Tse chỉ ra rằng đơn thuốc này sử dụng một lượng lớn hoàng kỳ, chú trọng dưỡng huyết khí, kết hợp với các dược liệu khác có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, có tác dụng trừ huyết ứ.
Hoàng kỳ nuôi dưỡng khí, có thể tăng cường sức co bóp của tim, giảm hình thành huyết khối, thúc đẩy quá trình tạo máu của tủy xương và điều chỉnh lượng đường trong máu.
Chi đương quy tiếp thêm sinh lực cho khí, kích hoạt máu, làm ẩm ruột và thư giãn ruột.
Xích thược có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu và hình thành huyết khối, có thể làm tăng lưu lượng mạch vành, giãn nở mạch máu phổi.
Thân rễ cây xuyên khung có thể gia cường tim và có thể điều trị chứng đau thắt ngực. Ví dụ, vị thuốc này có thể điều trị chứng mất trí nhớ ở người già khi kết hợp với nhân sâm.
Hạt đào thúc đẩy tuần hoàn máu và loại bỏ máu ứ, làm ẩm ruột và giảm táo bón.
Hoa rum (safflower) có thể tăng cường vi tuần hoàn mao mạch.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Trung y phân loại trạng thái thể chất của con người thành những dạng khác nhau. Với sự khác biệt về thể chất như vậy, các dược liệu cần thiết tương ứng cũng khác nhau. Tiến sĩ Tse khuyên rằng nếu bạn là người thường cảm thấy khô và nóng trong thời tiết lạnh, bạn thuộc nhóm “âm hư nội nhiệt”. Trong trường hợp đó, bạn không nên uống quá nhiều loại trà này.
*Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc nhưng chúng thường có bán ở các siêu thị châu Á.
Lưu ý: Vì mỗi người có cấu tạo cơ thể khác nhau, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia Trung y.