Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử của Trung Quốc năm 2006 (ảnh: Wikimedia Commons). |
Các trận mưa lớn liên tiếp, nước sông Dương Tử bước vào “đợt lũ thứ 5”, một con đập nước Quảng Tây đã bị vỡ trong một trận mưa lũ vào tháng 6. Đây có thể là các dấu hiệu cảnh báo mức độ an toàn của 94.000 đập nước lâu năm tại Trung Quốc khi tình hình mưa lũ diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Tờ Daily China hôm 18/8 đưa tin, tỉnh Tứ Xuyên đã nâng mức ứng phó kiểm soát lũ lụt từ cấp độ 3 lên cấp độ 1 (mức cao nhất trong hệ thống ứng phó khẩn cấp). Tổng cộng đã có 119.000 người tại tỉnh này phải sơ tán sau trận lũ lụt do mưa lớn gây ra. Vào rạng sáng ngày 17/8, tại sông Đà Giang (một nhánh của sông Dương Tử), nước lũ đã tràn qua con đê ở thị trấn quận Nội Giang.
Tứ Xuyên đã phải nâng mức cảnh báo trong bối cảnh lượng mưa tại các khu vực này quá lớn khiến mực nước của 32 con sông trong tỉnh đã vượt quá mức cảnh báo vào giữa trưa ngày 17/8.
Tóm tắt nội dung
Mưa tiếp diễn
Cũng theo Daily China, bão Higos đang tiến vào Biển Đông sẽ mang đến những trận mưa như trút nước tới khu vực miền Nam Trung Quốc trong các ngày tiếp theo.
Dự kiến, ngày 19/8 bão đổ bộ vào các khu vực ven biển từ phía Tây Quảng Đông đến Đông Bắc Hải Nam. Cục khí tượng Trung Quốc cho biết các tỉnh Hải Nam, Quảng Đông, Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây sẽ có những trận mưa xối xả bắt đầu từ ngày 19/8.
Vỡ đập ở Dương Sóc
Vào tháng 6, một con đập nhỏ tại huyện Dương Sóc có từ năm 1965, đã bị vỡ, khiến đồng ruộng và đường xá ở thôn Sa Tử Khê bị ngập úng. Một thành viên trong đoàn khảo sát của hãng tin Reuters cho biết, nước tràn qua con đập, làm nó sụp xuống, may mắn không có người dân nào tại Sa Kê Tử bị thiệt mạng.
Hiện chưa rõ nguyên nhân vỡ đập ở Sa Tử Khê là do những đợt mưa lớn hay do thiết kế kỹ thuật. Chính quyền địa phương từ chối bình luận về vấn đề này.
Ông David Shankman, nhà địa lý học tại Đại học Alabama, người nghiên cứu về lũ lụt Trung Quốc, cho biết: “Một con đập phải có khả năng chịu được các sự kiện thời tiết cực đoan, ngay cả khi chúng xảy ra thường xuyên”.
Ông cũng cho biết: “Khi có lũ, nếu con đập được thiết kế và xây dựng đúng cách thì nó phải giữ được chất lượng như trước khi lũ tới”.
Năm 1975, thảm họa tồi tệ đã xảy ra khi vỡ đập Ban Kiều trên sông Hoàng Hà, hàng chục nghìn người thiệt mạng và phải hơn 20 năm sau chính quyền Trung Quốc mới công bố số liệu.
Những đập nước còn lại thì sao?
Trên thực tế, sự cố vỡ đập ở Sa Kê Tử hồi tháng 6 không được các kênh truyền thông trong nước Trung Quốc đưa tin. Con đập bị vỡ cho thấy những cơn bão lớn có thể phá hủy các công trình tương tự, đặc biệt là những con đập thiết kế kém và không được bảo dưỡng định kỳ.
Vào những năm 1950 và 1960, hàng nghìn công trình đập nước được xây dựng theo chiến dịch của lãnh đạo Mao Trạch Đông nhằm đối phó với hạn hán tại Trung Quốc vào thời kỳ đó. Tới nay, Trung Quốc có khoảng 94.000 đập nước.
Chất lượng của những công trình này là một thực tế đáng lo ngại. Năm 2006, Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết, từ năm 1954 đến 2005, đê tại 3.486 hồ chứa đã bị vỡ do quản lý kém và chất lượng không đạt chuẩn.
Đài truyền hình Trung Quốc CGTN công bố video xả lũ tại Đập Tam Hiệp, đăng trên Youtube ngày 19/8/2020 (ảnh chụp màn hình). |
Nếu xảy ra sự cố vỡ đập, nó có thể dẫn đến thảm họa tại các lưu vực sông và vùng đồng bằng, nơi có mật độ dân số cao hơn so với thời điểm các con đập được xây dựng. Lũ lụt ồ ạt có thể kích hoạt “các thảm họa” không lường trước được với những hậu quả nghiêm trọng.
Xây đập chống lũ đã lỗi thời
Ông Benjamin Horton, Giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore, bình luận rằng chính sách chống lũ mà Bắc Kinh đưa ra từ hàng chục năm trước đã không còn hiệu quả với sự biến đổi khí hậu ngày càng bất thường và cực đoan.
Ông Horton cho biết: “Những gì chúng ta cần làm là tôn trọng các hệ sinh thái, chứ không phải chống lại chúng bằng cách xây đập. Cần mở rộng vùng chứa lũ và bãi bồi để nước được hòa trộn tự nhiên với môi trường”.