Những năm gần đây, Mỹ tăng cường cử tàu chiến tới Biển Đông nhằm đảm bảo các tuyến đường thủy tự do rộng mở trước nguy cơ bành trướng của Trung Quốc. Ngược lại, Bắc Kinh tuyên bố Mỹ không có quyền đưa tàu qua Biển Đông. Thực hư việc này ra sao?
Trong bài bình luận đăng trên The Conversation, ông Claudio Bozzi, giảng viên Luật, Đại học Deakin, Australia, đã giải thích vấn đề này.
Tóm tắt nội dung
Mỹ thường cử tàu chiến tới Biển Đông
Tàu sân bay USS Carl Vinson đã thực hiện 9 chuyến thăm Biển Đông trong năm nay. Chuyến thăm gần đây nhất là vào tháng 10 khi con tàu tiến hành các cuộc tập trận với một tàu khu trục trực thăng của Nhật Bản.
Trung Quốc đã rất căng thẳng trước sự hiện diện của hải quân Mỹ. Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Đông là của riêng mình và coi Đài Loan là một tỉnh li khai.
Bắc Kinh cáo buộc các chuyến đi của Mỹ ở Biển Đông là hành vi khiêu khích vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và làm căng thẳng thêm vấn đề Đài Loan.
Trong một động thái đáp trả Mỹ, bốn tàu hải quân Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động giám sát và quân sự chỉ cách bờ biển Alaska trong vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ 75 km vào cuối tháng 8.
Theo giảng viên luật Bozzi, “mặc dù việc các tàu hải quân Trung Quốc qua lại gần Alaska là tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng Mỹ lo ngại về mục tiêu của Trung Quốc trong việc tích cực mở rộng các hoạt động hải quân nhằm trở thành cường quốc thống trị ở Thái Bình Dương”.
Luật pháp quốc tế có cho phép Mỹ điều tàu chiến tới Biển Đông
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) quy định các quốc gia ven biển có quyền kiểm soát và quản lý các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, tức vùng biển trong phạm vi 200 hải lý (370km) từ đường cơ sở của quốc gia đó.
Đồng thời, các khu vực EEZ vẫn là vùng biển quốc tế. Điều này có nghĩa là tàu thuyền nước ngoài có quyền đi lại mà không vi phạm gì. Đó gọi là các “chuyến qua lại vô tội”.
Ông Bozzi cho biết các tàu này “phải đi trên mặt nước và không đe dọa đến hòa bình, trật tự hoặc an ninh của quốc gia ven biển”.
Các quốc gia ven biển có thể ngăn tàu nước ngoài đi qua EEZ của họ nếu họ cho rằng đó là “không vô tội”. Nhưng nếu chỉ đi qua thì không thể coi đó là một mối đe dọa.
UNCLOS cũng quy định vùng biển nào thuộc chủ quyền trực tiếp của một quốc gia, hay còn được gọi là “lãnh hải” của quốc gia đó. Lãnh hải này là vùng biển trong phạm vi 12 hải lý (22 km) từ bờ biển của một quốc gia.
Một số tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới, chẳng hạn như eo biển Malacca giữa Indonesia và Malaysia và eo biển Đài Loan, là thuộc loại này.
Các tàu nước ngoài vẫn có quyền đi qua các vùng lãnh hải này, miễn là họ điều hướng “liên tục và nhanh chóng”, không dừng lại hoặc thả neo. Các quốc gia ven biển không được cấm hoặc cản trở việc vận chuyển vô tội của một con tàu.
Trung Quốc lợi dụng sự mơ hồ của luật pháp quốc tế
Theo ông Bozzi: “UNCLOS rải rác có các thuật ngữ không xác định và không rõ ràng nhằm cố gắng đạt được sự cân bằng giữa các lợi ích cạnh tranh của các quốc gia ven biển và trên biển.”
“Sự không rõ ràng này làm tăng nguy cơ xung đột về cách giải thích luật, cũng như tiềm năng cho các quốc gia lợi dụng nó cho mục đích riêng của họ. Ví dụ, Trung Quốc đã phàn nàn việc Mỹ giám sát Biển Đông không phải vì “mục đích hòa bình”, trong khi thuật ngữ này không được xác định cụ thể trong UNCLOS.
UNCLOS cũng không trao chủ quyền trên biển trong điều kiện tuyệt đối như Trung Quốc đòi hỏi. Theo công ước, biển được chia sẻ giữa các quốc gia và không quốc gia nào có thể đòi quyền thống trị tuyệt đối đối với biển.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thông qua văn bản luật trong nước nhằm thay thế luật pháp quốc tế. Ví dụ, Bắc Kinh yêu cầu các tàu phải xin phép trước khi đi lại vô tội qua Biển Đông.
Trung Quốc cũng tuyên bố quyền kiểm soát lịch sử đối với Biển Đông. Thuật ngữ “quyền kiểm soát lịch sử” cũng không được xác định rõ ràng theo UNCLOS. Quyền kiểm soát trong lịch sử đối với các vùng biển đã được công nhận theo luật quốc tế, nhưng điều này đòi hỏi quốc gia đó phải có thẩm quyền liên tục đối với một vùng biển, với sự đồng ý của các quốc gia khác.
Yêu sách của Trung Quốc về quyền kiểm soát lịch sử đối với Biển Đông đã bị tòa án quốc tế bác bỏ vào năm 2016. Các nước láng giềng cũng như các quốc gia khác không có yêu sách đối với Biển Đông cũng phản đối mạnh mẽ yêu sách của Trung Quốc.
Kết luận
Từ các phân tích của học giả Bozzi, có thể thấy việc hải quân Mỹ điều tàu đi qua Biển Đông là hợp pháp, theo quy định của luật biển quốc tế.
Ngược lại, Trung Quốc hành xử trái pháp luật khi tự ra văn bản yêu cầu các nước phải khai báo, xin phép trước khi đi qua Biển Đông, chưa kể các hành vi hung hăng khác trong khu vực.