Hơn 900 thủy thủ và thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được cử đến tàu tấn công đổ bộ (PCU) America (LHA 6) ngày 10 tháng 4 năm 2014 (ảnh: Hải quân Hoa Kỳ). |
Hãng tin CNBC hôm 3/8 trích lời ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế hồi tháng trước. Khi đó ông Stilwell nói rằng: “Bỏ phiếu cho quan chức Trung Quốc vào cơ quan này khác nào thuê kẻ đốt nhà làm việc cho sở phòng cháy chữa cháy”.
Ông Stilwell cũng nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia cuộc bỏ phiếu sắp tới của Toà án quốc tế cần đánh giá cẩn thận thông tin đăng ký của ứng cử viên Trung Quốc và cân nhắc xem liệu một thẩm phán Trung Quốc tại Tòa án sẽ giúp đỡ hay cản trở việc thực thi luật hàng hải quốc tế. Với hồ sơ của Bắc Kinh, thì câu trả lời đã quá rõ ràng”.
CNBC cho biết Tòa án Quốc tế về Luật biển (The International Tribunal for the Law of the Sea) dự kiến sẽ tổ chức một cuộc bầu cử vào tháng 8 hoặc tháng 9, trong đó tất cả 168 quốc gia ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) sẽ bỏ phiếu để chọn ra 7 thẩm phán làm việc trong nhiệm kỳ chín năm.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển là một hiệp ước quốc tế phác thảo các quyền và trách nhiệm của các quốc gia tại các vùng biển trên thế giới. Công ước này là cơ sở quan trọng để các tòa án quốc tế, như Tòa án Quốc tế về Luật biển, giải quyết các cuộc tranh chấp trên biển.
Năm 2016, một tòa án tại Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay đã ra phán quyết kết luận yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông là vô căn cứ, xét theo các nguyên tắc của Công ước về Luật biển. Mặc dù đã phê chuẩn công ước này, nhưngTrung Quốc vẫn từ chối công nhận và tuân thủ phán quyết.
Trong khi đó, Hoa Kỳ không được phép bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới của Tòa án Quốc tế về Luật biển, vì Washington vẫn chưa hề phê chuẩn công ước. Đây cũng là điểm mà Bắc Kinh đang lập luận để gạt bỏ vai trò của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các tuyến đường thủy quốc tế tự do.
CNBC cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đề cử một ứng viên vào vị trí thẩm phán cho Tòa án Quốc tế về Luật biển. Trên thực tế, ba thẩm phán Trung Quốc từng phục vụ tại cơ quan này kể từ cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức vào năm 1996, theo trang web của tòa án.
Nhưng lần này, Hoa Kỳ đã chú ý đến đề cử của Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang củng cố lập trường chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, một tuyến đường thủy giàu tài nguyên và có vai trò quan trọng cho thương mại toàn cầu.
Ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu (AMTI) thuộc CSIS, cho biết: “Lần tới khi một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc giở trò với một giàn khoan dầu ngoài khơi của Việt Nam, hay một đội tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển của Indonesia, thì Hoa Kỳ có thể sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn để bác bỏ hành động phi pháp này”.
Các nhà phân tích cho rằng lập trường cứng rắn hơn của Washington đối với Bắc Kinh ở Biển Đông có thể khuyến khích các nước có tuyên bố chủ quyền khác trở nên quyết đoán hơn đối với Bắc Kinh, theo CNBC.