Theo nghiên cứu mới được công bố, Trung Quốc đang xây dựng hệ thống hầm chứa tên lửa hạt nhân khác ở sa mạc phía tây của nước này. Các chuyên gia mô tả đây là nỗ lực xây dựng “quy mô nhất” kể từ Chiến tranh Lạnh.

Báo cáo của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ

Ngày 26/7, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (AFS) đã đưa ra một báo cáo và các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng 110 hầm chứa mới gần Hami ở phía đông Tân Cương. Theo báo cáo, các hầm chứa ở đây lớn hơn ở Yumen và việc xây dựng đã bắt đầu vào tháng 3/2021.

Báo cáo cũng cho biết: “Việc xây dựng các hầm chứa ở Yumen và Hami là sự mở rộng đáng kể nhất đối với kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc trong lịch sử”.

Việc xây dựng các hầm chứa quy mô lớn đồng nghĩa với dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh việc triển khai các đầu đạn hạt nhân.

Một trong những tác giả của báo cáo là Matt Korda, một nhà phân tích nghiên cứu của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.

Ông nói rằng ông đã phát hiện ra những hầm chứa này khi thị sát khu vực Tân Cương bằng các hình ảnh vệ tinh dân sự. Ông nhìn thấy một số hình giống như mái vòm của một sân tennis ở Hami, Tân Cương, gần giống với các hầm chứa Yumen; chứng tỏ đây là một căn cứ quân sự khổng lồ khác. Những mái vòm bơm hơi này cũng được xác nhận là do Trung Quốc xây dựng đặc biệt để che giấu các vị trí xây dựng hầm chứa tên lửa ngầm.

Báo cáo nói rằng việc xây dựng các hầm chứa quy mô lớn và các chương trình hiện đại hóa hạt nhân khác của Trung Quốc giống như một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân để cạnh tranh với các đối thủ.

Cảnh báo đối với sự gia tăng năng lực hạt nhân của Trung Quốc

The New York Times đưa tin, các vệ tinh do thám của Hoa Kỳ có khả năng đã phát hiện ra những hầm chứa này vài tháng trước; nhưng Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng từ chối bình luận.

Giờ đây, kho vũ khí hạt nhân bí mật thứ hai của Trung Quốc đã được phát hiện. Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM) cũng xác nhận mối đe dọa vào hôm 27/7.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ, Charles Richard, đã cảnh báo tại một cuộc điều trần quốc hội vào tháng 4 rằng khả năng hạt nhân của Trung Quốc đang mở rộng với tốc độ chưa từng có, bao gồm kho vũ khí tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ngày càng mở rộng và các bệ phóng tên lửa di động mới. Họ có thể dễ dàng ẩn khỏi tầm quan sát của vệ tinh.

Vị chỉ huy này cũng nói: “Dự trữ vũ khí hạt nhân của Trung Quốc dự kiến ​​ít nhất sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong mười năm tới.”

Trên thực tế, vào ngày 7 tháng 6, một số thành viên Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện Hoa Kỳ đã gửi một bức thư chung cho Tổng thống Biden, kêu gọi ông xây dựng một chiến lược mới để đối phó với sự bành trướng hạt nhân của Trung Quốc.

Bức thư trích lời Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ, Charles Richard. Thư còn viết: “Đến năm 2030, quy mô lực lượng răn đe hạt nhân do Trung Quốc triển khai có thể lên tới 1.000 đầu đạn. Trung Quốc có thể sánh ngang với Hoa Kỳ ở một mức độ nhất định.”

Âm mưu của Trung Quốc

Về sự phát triển nhanh chóng và phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, các chuyên gia có ba quan điểm chính:

Thứ nhất là ngay cả khi Trung Quốc tăng gấp đôi số lượng đầu đạn hạt nhân trong vòng mười năm thì vẫn kém xa Hoa Kỳ, vì vậy Bắc Kinh sẽ vẫn duy trì lâu dài chính sách “không sử dụng trước”. Tuy nhiên, sự hiểu biết này không thể giải thích tại sao Trung Quốc phải tăng gấp đôi đến gấp ba.

Ông Korda, nhà phân tích đã phát hiện ra các hầm chứa, viết trên Twitter: “Số lượng các hầm chứa mới của Trung Quốc đang được xây dựng vượt quá số lượng ICBM dựa trên hầm chứa do Nga vận hành và chiếm hơn một nửa quy mô của toàn bộ lực lượng ICBM của Mỹ. Điều đó nói lên rằng, kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ vẫn vượt xa Trung Quốc một khoảng cách đáng kể”.

Nói cách khác, Trung Quốc không chỉ nói rằng họ sẽ đạt tới 1.000 tên lửa hạt nhân, mà còn đang thực hiện các hành động thực tế để cố gắng tiếp cận và bắt kịp trình độ của Hoa Kỳ và Nga. Đây là một thay đổi rất lớn, không phù hợp với tuyên bố của Trung Quốc về quyền tự vệ và không phải là lần đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Thứ hai, các chuyên gia cho rằng điều này cho thấy Trung Quốc đang “phát triển khả năng cảnh báo sớm cho phép phóng tên lửa nhiên liệu rắn (tới các mục tiêu của Mỹ) trước khi các hầm chứa bị phá hủy.” 

Điểm thứ ba đã được đưa ra trong báo cáo của Lầu Năm Góc vào tháng 9 năm ngoái. “Trung Quốc có thể có ý định xây dựng một quân đội ngang bằng hoặc tốt hơn Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ này.”

Tham vọng của Tập Cận Bình là Trung Quốc lãnh đạo thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc cũng sẽ mở rộng lực lượng của mình vượt qua Hoa Kỳ và Nga và trở thành bá chủ thế giới. Trung Quốc đang thực hiện quân sự hóa mạnh mẽ, bao gồm cả kế hoạch đóng 10 tàu sân bay từ nay cho tới năm 2049. Đây không phải là nhu cầu cho các hoạt động phòng thủ, và cũng không phải là nhu cầu phát triển hòa bình như Trung Quốc nói.

Nhận định của Hoa Kỳ

Hôm 27/7, Tổng thống Hoa Kỳ Biden đến thăm Văn phòng Giám đốc Tình báo Hoa Kỳ. Khi nói về mối đe dọa của Trung Quốc, ông đã chỉ ra rằng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình “thực sự muốn Trung Quốc trở thành lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới,  trở thành nền kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất trong những năm 2040”.

Trung Quốc tin rằng sức mạnh quốc gia và khả năng công nghiệp của chính họ đã vượt qua Liên Xô trong quá khứ, và sự thâm nhập và ảnh hưởng của họ đối với Hoa Kỳ và thế giới tự do cũng đã vượt qua Liên Xô.

Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 6 giữa Hoa Kỳ và Nga, hai bên đã gia hạn hiệp ước START mới. Hoa Kỳ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia hiệp ước, nhưng đều bị từ chối.

Trung Quốc tuyên bố rằng kho vũ khí của họ bị Mỹ và Nga lấn át. Họ muốn tiến hành các cuộc đối thoại song phương về an ninh chiến lược “trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.” Thế giới bên ngoài tin rằng, Bắc Kinh sẽ không thu hẹp quy mô kho vũ khí của mình cho đến khi đuổi kịp Nga, Mỹ.

Sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, bà đã tổ chức các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí với Nga tại Geneva vào hôm 28/7, điều này đã thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài.