Chính phủ Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã cố gắng “hạn chế và thao túng” chuyến thăm của một quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc, nhằm che giấu bằng chứng về tội ác diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác.

Washington Times trích dẫn ý kiến từ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cho rằng trong chuyến thăm mới đây, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet đã không thể tiếp cận đủ thông tin để đánh giá tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.

Chuyến thăm của Cao ủy Bachelet kéo dài 6 ngày và vừa kết thúc hôm 28/5.

“Chúng tôi lo ngại các điều kiện mà chính quyền Bắc Kinh áp đặt trong chuyến thăm (của bà Bachelet) đã không cho phép (bà có được) đánh giá độc lập và đầy đủ về môi trường nhân quyền ở [Trung Quốc ],” Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố.

Ông Blinken bày tỏ sự đau buồn trước tình hình ở tỉnh Tân Cương, nơi ông nói “nạn diệt chủng và tội ác chống lại loài người đang diễn ra”. Ông cho rằng Cao ủy Bachelet và nhóm của bà đã không thể thực hiện đánh giá đầy đủ tại tỉnh này.

Bình luận của Ngoại trưởng đã được đưa ra vào tối 28/5 sau khi bà Bachelet tuyên bố bà đã bày tỏ quan ngại với các quan chức Trung Quốc trong chuyến thăm của bà tại Bắc Kinh.

Bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền LHQ, tham gia cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: OHCHR).
Bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền LHQ, tham gia cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: OHCHR).

Bà Bachelet cho biết chuyến thăm đó không phải là một cuộc điều tra, mà là cơ hội để nêu quan ngại với các nhà lãnh đạo cấp cao và mở đường cho các tương tác thường xuyên hơn nhằm hỗ trợ Trung Quốc thực hiện nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ quốc tế về nhân quyền.

“Nó tạo cơ hội để tôi hiểu rõ hơn về tình hình ở Trung Quốc, nhưng cũng để các nhà chức trách ở Trung Quốc hiểu rõ hơn những lo ngại của chúng tôi và có khả năng suy nghĩ lại về các chính sách mà chúng tôi tin rằng có thể tác động tiêu cực đến nhân quyền”.

Những lời lẽ của bà Bachelet, cựu Tổng thống Chile, đã gây ra sự thất vọng ở Washington. Các đảng viên Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã chỉ trích quyết định thăm Tân Cương của bà ngay từ đầu. Họ cho rằng chuyến đi có thể tạo cơ hội cho chính quyền Trung Quốc lan truyền thông tin sai lệch.

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet (ảnh: Flickr).
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet (ảnh: Flickr).

Ngoại trưởng Blinken nói: “Cao ủy lẽ ra phải được phép gặp gỡ bí mật với các thành viên gia đình người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng người dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, những người không ở trong trại giam nhưng bị cấm đi ra khỏi khu vực”.

Bà Agnes Callamard, tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho rằng bà Bachelet cần lên án các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, kêu gọi Trung Quốc thả những người bị bắt giữ tùy tiện và chấm dứt các cuộc tấn công có hệ thống vào các dân tộc thiểu số trong khu vực.

“Chuyến thăm của Cao ủy chủ yếu là cơ hội chụp ảnh với các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc”, bà Callamard nói.

Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đã “thao túng các tuyên bố của bà ấy”. Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc thậm chí còn đưa tin sai sự thật rằng bà Cao ủy “ngưỡng mộ” tiến bộ nhân quyền tại Trung Quốc. Ngay sau đó, cơ quan của Cao ủy đã phải đưa ra thông tin đính chính nội dung lời phát biểu của bà Bachelet.