Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh: Gage Skidmore/Flickr).

Ngày 26/8 Mỹ đã có các biện pháp trừng phạt 24 công ty của Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc (China Communications Construction Company – CCCC), do các công ty này hỗ trợ Bắc Kinh xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Các công ty này sẽ bị ngăn chặn tiếp cận những công nghệ và sản phẩm từ Mỹ hoặc có yếu tố Mỹ. Tuy nhiên, đây là các công ty con của CCCC, hoạt động phần lớn ở Châu Á và có tổng kim ngạch thương mại rất nhỏ với Mỹ, chỉ khoảng 5 triệu USD trong 5 năm qua. Liệu ý nghĩa thực sự của biện pháp trừng phạt mới này là gì?

Công cụ chủ lực cho các công trình mờ ám của Trung Quốc

Theo công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, CCCC là doanh nghiệp xây dựng lớn nhất của Trung Quốc, đã tham gia 923 dự án ở 157 quốc gia thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường. Với quy mô lớn, CCCC được coi là “Huawei ngành xây dựng” của Trung Quốc. CCCC có các chi nhánh đầu tư quốc tế được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.

Năm 2010, CCCC đã mua Friede & Goldman từ chủ sở hữu người Nga (United Heavy Machinery) với giá 125 triệu USD. Công ty trên thường thiết kế các công trình hàng hải và cung cấp thiết bị cho các giàn khoan dầu khí ngoài khơi, đặc biệt là các giàn khoan tự nâng và giàn khoan nửa chìm nửa nổi. Friede & Goldman cũng sở hữu một số bằng sáng chế về thiết kế, hệ thống nâng và radar cho giàn khoan. Bằng cách cung cấp thiết kế và giải pháp kỹ thuật cho việc xây dựng các công trình ngoài khơi, công ty này hợp tác chặt chẽ với các công ty con khác chuyên xây dựng công trình biển của CCCC.

Hồ sơ được công bố của Friede & Goldman và các công ty con của CCCC cho thấy họ có các dự án ở Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Mexico, Trung Đông… Tuy nhiên, lại không có bất kỳ giao dịch nào với Mỹ.

Theo báo cáo thường niên năm 2019, CCCC cho rằng công ty sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp về mặt tài chính bởi các biện pháp trừng phạt, cụ thể như sau:

“Giá trị hợp đồng và doanh thu đến từ dịch vụ nạo vét chiếm khoảng 6% tổng giá trị hợp đồng và doanh thu của công ty. Đồng thời, công ty cũng chủ yếu thực hiện dịch vụ nạo vét, cải tạo các công trình đường thủy ở trong nước”.

“Việc kinh doanh dịch vụ nạo vét ở nước ngoài chiếm một phần tương đối nhỏ và không có hoạt động nạo vét của công ty được thực hiện tại Mỹ”.

“Ngoài ra, trang thiết bị cốt lõi cho hoạt động nạo vét của công ty không sử dụng bất kỳ công nghệ nào được nhập khẩu từ Mỹ hoặc do các doanh nghiệp Mỹ cung cấp”.

CCCC cho biết hoạt động kinh doanh của công ty sẽ không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên họ sẽ tiến hành đánh giá cụ thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình.

Mặc dù tác động trực tiếp đến CCCC khó xảy ra. Tuy nhiên làm thế nào để các công ty con tại nước ngoài của CCCC, đặc biệt là Friede & Goldman có trụ sở tại Texas (Mỹ) có thể giao dịch với công ty mẹ và không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt ? CCCC đã không thể trả lời vấn đề này.

Phát súng cảnh cáo: Giai đoạn mới ở Biển Đông

Ông Nicholas Turner, luật sư của Steptoe & Johnson, là chuyên gia về các biện pháp trừng phạt kinh tế và kiểm soát xuất khẩu, mô tả: Danh sách đen mới gồm 24 công ty giống như một “hạn chế kinh tế” hơn là một biện pháp trừng phạt. Về khái niệm thì đó là một biện pháp trừng phạt, nhưng hiểu sâu hơn, đó là một bộ quy tắc có mục tiêu yêu cầu các công ty Trung Quốc phải tuân theo khi hoạt động tại Mỹ. Ông cho rằng đây là “một phát súng cảnh cáo cho thấy Mỹ đang bước sang một giai đoạn mới ở Biển Đông”.

Một công ty khác có thể phải đối mặt với hậu quả của việc Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen là John Holland, một trong những công ty xây dựng và kỹ thuật lớn nhất của Úc, thuộc sở hữu hoàn toàn của CCCC. Các chuyên gia cho biết, mặc dù John Holland không nằm trong danh sách, nhưng mối liên hệ với danh sách đen của CCCC có thể làm giảm khả năng giành được các dự án tại địa phương. Đặc biệt, khi chính phủ liên bang Úc ngày càng can thiệp sâu vào các mối quan hệ kinh tế giữa chính quyền địa phương với các công ty Trung Quốc.

Luật sư Nicholas Turner cho biết thêm các phương pháp đánh giá và cảnh báo ảnh hưởng do các biện pháp trừng phạt được CCCC triển khai sẽ không khả quan và khó có thể hiệu quả, do John Holland hoặc Friede & Goldman sẽ bị ảnh hưởng ngay về danh tiếng và doanh nghiệp các quốc gia khác sẽ cân nhắc kỹ khi hợp tác với công ty Trung Quốc, đó là các yếu tố không dễ định lượng.

Về tổng thể các chuyên gia nhận định sự trừng phạt của Mỹ đối với các công ty con của CCCC sẽ từng bước cô lập, hạn chế các tập toàn thuộc chính quyền Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc Hoa Kỳ chưa đưa Tập Đoàn Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation – CNOOC) vào trong danh sách trừng phạt lần này, cho thấy đây chỉ là đợt trừng phạt khởi đầu của Mỹ. Đợt kế tiếp, rất có thể sẽ là các công ty dầu khí, khảo sát biển của Trung Quốc. Tập Đoàn CNOOC sở hữu Giàn Khoan HD 981 đã từng xâm phạm thềm lục địa Việt Nam vào tháng 5/2014 và tàu địa chất Hải Dương 8 đã đi vào vùng biển gần khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam vào tháng 7/2019.

Đồng thời, với những biện pháp trừng phạt này mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam và Philippines cũng sẽ tốt hơn. Hai nước này được hưởng lợi trực tiếp từ các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, do Trung Quốc sẽ phải kiềm chế hơn đối với các hành động nạo vét, bồi đắp các đảo nhân tạo nhằm tránh những leo thang căng thẳng.

Trong thông báo ngày 26/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cam kết: “Washington sẽ tiếp tục hành động cho tới khi Trung Quốc chấm dứt các hành vi cưỡng ép trên Biển Đông, hướng tới lợi ích chung và cư xử một cách thân thiện, tôn trọng các nước láng giềng”.