Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli (trái) được Thủ tướng Narendra Modi chào đón đến Ấn Độ vào tháng2/2016 (ảnh chụp màn hình Reuters qua Nikkei). |
Theo Nikkei Asian Review, ngày 18/9, Thủ tướng Nepal Sharma Oli đã yêu cầu Bộ Giáo dục ngừng phát cho học sinh trung học cuốn sách “Tài liệu tự học về Lãnh thổ và Biên giới Nepal”. Cuốn sách bao gồm một chương về chiến dịch đòi lại lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ.
Động thái của ông Oli được coi là nỗ lực kiềm chế chính thức nhằm tránh gây thêm xích mích và bình thường hóa quan hệ với Ấn Độ.
Nepal nỗ lực hàn gắn quan hệ với Ấn Độ
Cố vấn đối ngoại của Thủ tướng, ông Rajan Bhattarai nói với Nikkei rằng những hành động gần đây là một phần trong nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với Ấn Độ.
Dấu hiệu đầu tiên của “ sự tan băng” trong mối quan hệ xuất hiện khi ông Oli gọi cho ông Modi nhân ngày Độc lập của Ấn Độ hôm 15/8. Một cuộc trao đổi thân mật khác diễn ra vào dịp sinh nhật Thủ tướng Ấn Độ ngày 17/9.
Nepan và Ấn Độ hiện đã nối lại quan hệ song phương, các đại sứ hai nước cũng bình thường mối quan hệ với các quan chức chính phủ đồng cấp và các nhà lãnh đạo đảng.
Ông Bhattarai cho biết “Chúng tôi muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng lẫn nhau. Mặc dù, Ấn Độ và Nepal có quan điểm khác nhau về một số vấn đề bao gồm lãnh thổ Kalapani dọc biên giới phía Tây bắc của Nepal, vốn vẫn là vấn đề tranh chấp”.
“Ghẻ lạnh” quan hệ với Trung Quốc
Những năm gần đây Trung Quốc đã tăng cường ảnh hưởng của mình đối với Nepal. Bắc Kinh bị cáo buộc xâm lấn quận Humla ở phía bắc Nepal. Mặc dù các quan chức ngoại giao hai nước đều bác bỏ nhưng đã có các cuộc biểu tình xảy ra bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Kathmandu (thủ đô Nepal).
Xung đột quân sự gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở vùng cao Ladakh dọc theo biên giới trên dãy Himalaya đã đẩy Nepal vào thế khó. Theo Giáo sư về khoa học chính trị (Đại học Tribhuvan), Sridhar Khatri cho biết “Bất kỳ xung đột nào giữa Ấn Độ và Trung Quốc đều sẽ ảnh hưởng đến Nepal. Môi trường chung của khu vực đang trở nên tồi tệ hơn”.
Tháng 6/2020, dòng tweet của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) tuyên bố toàn bộ đỉnh Everest là của Bắc Kinh. Điều này khiến người dân Nepal phẫn nộ và khởi xướng trào lưu #backoffchina (Trung Quốc tránh ra) trên mạng xã hội.