neu bi trung quoc tan cong tren bien dong philippines se goi cho my
Máy bay thuộc phi đoàn Carrier Air Wing 5 bay phía trên tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) (ảnh: Hải quân Mỹ).

Ngoại trưởng Locsin nói trong một chương trình trên kênh tin tức ANC, rằng Manila sẽ tiếp tục tuần tra trên không tại Biển Đông bất chấp việc Bắc Kinh thúc giục chấm dứt hành động “khiêu khích bất hợp pháp”. Ông nhấn mạnh, nếu một cuộc tấn công xảy ra nhằm vào tàu hải quân Philippines, thì Philippines sẽ nhờ tới Mỹ.

Tuyên bố của ông Locsin đánh dấu lần đầu tiên chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte công khai tuyên bố nước này sẽ nhờ Washington trợ giúp, trong bối cảnh căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh gia tăng.

Trước đó đầu tháng 8, ông Locsin đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau khi Washington bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các nước bị Bắc Kinh vi phạm chủ quyền.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Pompeo và người đồng cấp Philippines đã “thảo luận về sự thay đổi gần đây trong chính sách của Mỹ về các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, sự ủng hộ của Mỹ với các nước ven biển Đông Nam Á và các cơ hội hợp tác hàng hải Mỹ – Philippines”.

Trước tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Locsin, nhà nghiên cứu Aaron Jed Rabena tại tổ chức Con đường tiến bộ Châu Á-Thái Bình Dương nhận định, “Bắc Kinh có thể coi đây là dấu hiệu về sự tiếp tục mối liên kết chiến lược giữa Manila và Washington”.

Ông Rabena cho biết thêm, khi thăm Philippines vào tháng 3/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng nói rằng “nếu Trung Quốc tấn công quân sự vào bất cứ thành viên nào trong lực lượng vũ trang Philippines hoặc tàu, máy bay của Philippines trên Biển Đông, Hiệp ước quốc phòng song phương [với Mỹ] sẽ được kích hoạt”.

Các nhà phân tích cho rằng, Philippines đã “kiên quyết hơn trong việc bảo vệ quyền chủ quyền và các lợi ích của nước này vì chính phủ nhận thấy rằng cần phải đáp trả các hành động của phía Trung Quốc”.

Trung Quốc hiện đang tiến hành các cuộc tập trận sáu ngày ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam có các tuyên bố chủ quyền tranh chấp.

Việt Nam hôm thứ Tư (26/8) đã yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ cuộc tập trận vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN.